Thúc đẩy cung ứng phụ trợ

Sở Công Thương TPHCM vừa có buổi kết nối với các DN trên địa bàn để tìm kiếm đối tác có khả năng cung ứng sản phẩm cho Tập đoàn Samsung. Tuy nhiên, việc các DN Việt Nam có nắm bắt được thời cơ hay không vẫn phụ thuộc vào cả 2 phía.

Sở Công Thương TPHCM vừa có buổi kết nối với các DN trên địa bàn để tìm kiếm đối tác có khả năng cung ứng sản phẩm cho Tập đoàn Samsung. Tuy nhiên, việc các DN Việt Nam có nắm bắt được thời cơ hay không vẫn phụ thuộc vào cả 2 phía.

Cơ hội trên sân nhà

Sau khi dự án Khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung (SEHC) tại Khu công nghệ cao (KCNC) TPHCM được khởi công vào cuối tháng 5 vừa qua, Samsung rất mong muốn được hợp tác với các DN nội tham gia cung ứng trong chuỗi sản xuất này. Với tổng mức đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, Samsung đã biến Việt Nam trở thành cứ điểm lớn nhất thế giới của tập đoàn.

Vì thế, nhiều chuyên gia đánh giá đây là cơ hội vàng cho DN nội muốn trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu của tập đoàn khổng lồ này. Yêu cầu cụ thể Samsung đối với các DN trong nước là cung cấp các sản phẩm phụ trợ thuộc các ngành cơ khí (phun nhựa, in kim loại, tiện, láp truyền lực, dập, tản nhiệt, ốc vít, linh kiện cao su), điện (bảng mạch in cứng, bảng mạch in dẻo, cáp, đầu nối, cáp nguồn, mô tơ, cuộn dây, lò xo, biến thế…), lắp ráp (lắp ráp PCB, khung cơ khí, module điện tử, cụm điều khiển từ xa), vật liệu phụ, nguyên liệu thô…

Trước đó, Samsung và nhiều tập đoàn nước ngoài khác như LG, Canon cũng từng tìm kiếm đối tác Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, số lượng DN Việt có chân trong chuỗi cung ứng chưa nhiều. Hiện các tập đoàn này vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện, phụ kiện đầu vào cho dự án SEHC.

Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý KCNC TPHCM, hiện số lượng DN trong nước đáp ứng đủ tiêu chí khắt khe để có thể có chân trong chuỗi cung ứng cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam rất ít, bởi yêu cầu không chỉ đáp ứng về chất lượng mà số lượng cũng phải đủ lớn để dự trữ, hay nói cách khác thời gian cung ứng là 100%.

Tương tự, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các DN đầu tư nước ngoài (FDI), lo ngại rất ít DN nội đáp ứng được tiêu chí của Samsung. Bởi trên thực tế nhiều năm qua, ngoài Samsung cũng đã có nhiều tập đoàn, DN FDI khác đầu tư tại Việt Nam tìm kiếm DN trong nước cung cấp chuỗi cung ứng cho họ.

Thế nhưng, phần lớn doanh DN nội mới chỉ cung cấp được những sản phẩm giản đơn như bao bì, thùng carton... không mang lại giá trị gia tăng cao. “Ngay cả các nhà đầu tư Nhật Bản, DN Việt Nam tham gia sản xuất linh kiện cung cấp chỉ 14%, thấp hơn với các nước trong khu vực Đông Nam Á (21%)” - ông Yasuzumi Hirotaka, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TPHCM, cho biết thêm.

Cần sự cam kết rõ ràng

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, khi Việt Nam gia nhập TPP, các FTA với châu Âu và cộng đồng ASEAN thống nhất, yêu cầu của công nghiệp hỗ trợ rất lớn. Bởi dù muốn dù không, tỷ lệ nội địa hóa vẫn rất cần thiết. “Chẳng hạn, muốn hưởng toàn bộ thuế quan ưu đãi trong ASEAN tối thiểu nội địa hóa phải 40%. Nếu vào TPP cũng là cái quan trọng khi những sản phẩm hỗ trợ được sản xuất tại Việt Nam và trong khối TPP.

Tuy nhiên, muốn đầu tư cần có nhiều sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, trước hết là định hướng chiến lược ô tô, hay điện, điện tử… cũng cần có kế hoạch phát triển mở rộng và gắn với công nghiệp hỗ trợ trong nước. Mặt khác, khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài, cần phải yêu cầu họ sử dụng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước…” - ông Hưng chia sẻ.

Để giúp DN định hướng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ đúng hướng, ông Lê Hoài Quốc cho biết KCNC TPHCM và Samsung sẽ thường xuyên công bố những sản phẩm và tiêu chuẩn tập đoàn này muốn thu mua ở thị trường nội địa. Ngoài ra, KCNC TPHCM sẽ cùng làm việc với Samsung và các trường đại học, viện nghiên cứu để thúc đẩy một quá trình chuyển giao công nghệ từ các nước đã có nền công nghiệp phát triển, chẳng hạn như Hàn Quốc, sang Việt Nam.

Ngoài ra, UBND TPHCM cũng chỉ đạo Ban Quản lý các KCX, KCN nghiên cứu thành lập 2 KCN phụ trợ tập trung tại KCN Hiệp Phước và Lê Minh Xuân. Bởi hiện nay, các DN sản xuất sản phẩm phụ trợ của TP nhỏ lẻ, nằm rải rác trong khu dân cư, không có kết nối sản xuất. Nếu để DN FDI phải nhập khẩu các thiết bị, làm tăng chi phí sản xuất sẽ không hấp dẫn được nhà đầu tư về môi trường và điều kiện kinh doanh. Do vậy, xây dựng KCN phụ trợ cũng có nghĩa là tạo ra cơ sở vật chất tốt để thu hút vốn FDI.

Dây chuyền sản xuất điện thoại tại nhà máy của Công ty Samsung Electronics Việt Nam ở Thái Nguyên.

Dây chuyền sản xuất điện thoại tại nhà máy
của Công ty Samsung Electronics Việt Nam ở Thái Nguyên.

Dự kiến, KCN phụ trợ Hiệp Phước sẽ quy hoạch nhiều nhà xưởng với diện tích nhỏ phù hợp với khả năng của các DNNVV. Khi hoàn thành hạ tầng, khu này sẽ ưu tiên cho các DN phụ trợ các nhóm ngành được TP ưu tiên như cơ khí, điện - điện tử, nhựa - cao su - chất dẻo, chế biến thực phẩm. KCN Hiệp Phước cam kết sẽ đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện để các DN FDI gặp các nhà sản xuất sản phẩm phụ trợ để cùng hỗ trợ kỹ thuật và ký đơn đặt hàng.

Tuy nhiên, ông Đỗ Phước Tống, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, kiêm Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, cho biết DN Việt Nam rất muốn tham gia chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Vấn đề là có đủ lòng tin để đầu tư hay không vì DN không thể mạo hiểm bỏ quá nhiều vốn để sản xuất linh phụ kiện mà đầu ra không được đảm bảo lâu dài.

Ngay cả các tập đoàn lớn như Samsung, khi đầu tư hàng chục tỷ USD vào các nhà máy tại Việt Nam, nhưng lại không có bất kỳ cam kết hay ràng buộc nào với phía cung cấp là các DN bản địa. Ngoài ra, nhiều DN cũng mong muốn cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể giúp đỡ các DN nhỏ lẻ, không đủ vốn vào KCN, không đủ trình độ, máy móc, không đáp ứng yêu cầu công nghệ...

Các tin khác