Chaebol Trung Quốc (K1): Càng lớn càng tốt

Sau khi tham khảo nhiều mô hình tập đoàn kinh tế (TĐKT) ở các nước, lãnh đạo Trung Quốc rất ấn tượng với mô hình chaebol của Hàn Quốc. Theo Bắc Kinh, mô hình này có thể phù hợp với Trung Quốc vì không đòi hỏi sự tập trung chuyên ngành cao như keiretsu của Nhật Bản, trong khi lại có liên kết chặt chẽ với nhà nước.

Sau khi tham khảo nhiều mô hình tập đoàn kinh tế (TĐKT) ở các nước, lãnh đạo Trung Quốc rất ấn tượng với mô hình chaebol của Hàn Quốc. Theo Bắc Kinh, mô hình này có thể phù hợp với Trung Quốc vì không đòi hỏi sự tập trung chuyên ngành cao như keiretsu của Nhật Bản, trong khi lại có liên kết chặt chẽ với nhà nước.

Sau khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình qua đời vào tháng 2-1997, Bắc Kinh bắt tay vào một công cuộc cải cách quy mô các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Chính phủ dự định sẽ tập trung vào khoảng 1.000 DNNN lớn nhất trong các ngành công nghiệp, số DNNN còn lại (khoảng 117.000) sẽ tự định đoạt số phận.

Red chip

Trong 117.000 DNNN không được chú trọng, một số sẽ tồn tại, một số được bán, sáp nhập và một số lớn còn lại sẽ được phép phá sản. Về mặt nào đó, điều này đáng ca ngợi, vì cho đến lúc đó có quá nhiều sự trùng lặp trong các ngành công nghiệp của Trung Quốc, với hàng trăm nhà máy nhỏ không hiệu quả do sản xuất cùng một loại hàng hóa đã dư thừa trên thị trường.

Tuy nhiên, nỗ lực tái cơ cấu lúc đó được định hướng theo một quan niệm không được các nhà kinh tế ủng hộ, là cho rằng càng lớn càng tốt. Lúc đó, Bắc Kinh đang phấn đấu để đưa nền kinh tế nước nhà tới vị trí số 1 thế giới, nên quan điểm đi kèm là phải có những tập đoàn lớn nhất thế giới để tương xứng với tầm vóc của nền kinh tế. Ngoài ý thức tự tôn trong việc tạo ra các tập đoàn lớn, các nhà lãnh đạo còn lo ngại nếu không có những công ty đủ lớn, họ sẽ không thể cạnh tranh với các công ty toàn cầu của phương Tây.

“Họ nhìn vào các công ty lớn ở phương Tây và tự hỏi làm thế nào để cạnh tranh” - một nhân viên ngân hàng phương Tây nói.

Nhiều doanh nhân Trung Quốc ngưỡng mộ các tập đoàn lớn của Nhật Bản. Họ rất thích có “cơ bắp” như Mitsubishi hay Toyota. Để làm điều này, họ đang vay một số điều từ Nhật Bản, đặc biệt là các hệ thống keiretsu - các công ty tư nhân, được liên kết với nhau thông qua sở hữu cổ phần chiều ngang. Các doanh nghiệp trong một keiretsu hỗ trợ và ủng hộ nhau trong các hoạt động kinh doanh. Nhưng các mô hình họ thực sự ngưỡng mộ là các tập đoàn của Hàn Quốc, các chaebol hùng mạnh.

Các chaebol thường hoạt động trên phạm vi rộng hơn các keiretsu của Nhật Bản và lại có nhiều liên kết chặt chẽ với nhà nước. Thống kê cho thấy 10 chaebol hàng đầu chiếm tới 2/3 nền kinh tế Hàn Quốc. Các quan chức và doanh nhân Trung Quốc đã đến thăm Hàn Quốc để xem tận mắt các công ty như Hyundai, Samsung và Daewoo hoạt động như thế nào.

Người Trung Quốc thực sự ấn tượng trước thực tiễn các chaebol đã giúp biến xứ kim chi từ một quốc gia nghèo đói thành một trong những nước giàu có trong vòng 1 thế hệ, và trước việc các chaebol đang chuyển mình thành những công ty đa quốc gia.

Một trong những chaebol đầu tiên của Trung Quốc, theo báo Economist, là CITIC Pacific, công ty dưới quyền điều hành của Larry Yung, con trai của Phó Chủ tịch Trung Quốc lúc đó. Ông Yung đã chuyển đổi CITIC từ một công ty trì trệ ở Trung Quốc đại lục thành một tập đoàn niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Công, có trị giá lên tới 12 tỷ USD. Công ty quan tâm phát triển nhiều lĩnh vực, từ các nhà máy điện, cầu đường cho đến các hãng hàng không và các trung tâm mua sắm.

Những công ty đại lục niêm yết ở Hồng Công như CITIC thường được gọi là các “red chip”, đây là một cách chơi chữ với cụm từ “blue chip” đã quen thuộc trên thị trường chứng khoán. Điểm chung của các red chip là có sự điều hành trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các chính quyền trung ương hay địa phương ở đại lục. Theo sau CITIC, một số TĐKT khác của Trung Quốc cũng tìm cơ hội phát triển bằng cách niêm yết ở Hồng Công, trong đó có Beijing Enterprises, công ty có giá cổ phiếu tăng hơn 3 lần sau khi niêm yết chỉ 1 tuần. Beijing Enterprises sở hữu một loạt doanh nghiệp, bao gồm một khách sạn, một trạm thu phí cầu đường và một công ty khai thác Vạn Lý Trường Thành.

Trong khi các chaebol của Hàn Quốc lớn mạnh nhờ nguồn tín dụng giá rẻ được cho vay theo chỉ đạo của chính phủ, các tập đoàn của Trung Quốc lại “béo” lên nhờ được “bơm tài sản”. Theo đó, các công ty mẹ - thường trực thuộc một chính quyền thành phố hoặc cấp bộ - cung cấp cho “đứa con” của mình cơ hội sở hữu một DNNN hay một hoạt động kinh doanh của nhà nước, như một trạm thu phí của nhà nước, với các điều khoản ưu đãi cao. Giá cổ phiếu của các red chip không phản ánh tài sản hiện có hay khả năng kinh doanh hiện hành của các công ty, mà là kỳ vọng về những gì họ sẽ được “bơm” trong tương lai, khi chúng được chuyển thành các tập đoàn.

Câu chuyện Thượng Hải

Thượng Hải, được mệnh danh là “nhà máy công nghiệp” của Trung Quốc lúc đó, đã dẫn đầu các cải cách DNNN, giảm các nhà máy ô nhiễm bằng các khối văn phòng và chuyển các nhà máy vào những khu công nghiệp mới mọc. Các nhà lãnh đạo của Thượng Hải lo các DNNN kém hiệu quả sẽ làm trì trệ nền kinh tế địa phương: khu vực nhà nước sử dụng khoảng 70% lao động của thành phố 5 triệu dân.

Trong 3 năm cuối thập niên 1990, thành phố đã cắt giảm bình quân mỗi năm 200.000 việc làm trong các DNNN, chủ yếu trong ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất và vật liệu xây dựng. Đi kèm với việc sa thải, chính quyền thành phố thành lập các trung tâm tái đào tạo để giúp các lao động bị sa thải phát triển các kỹ năng mới, đặc biệt là đối với các ngành dịch vụ.

CITIC Pacific là một trong những chaebol đầu tiên của Trung Quốc.

CITIC Pacific là một trong những chaebol đầu tiên của Trung Quốc.

Đi kèm với kế hoạch lấy lại vị thế là trung tâm thương mại hàng đầu của châu Á, ngoài việc nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lớn, Thượng Hải cũng lên kế hoạch thành lập khoảng 10 tập đoàn lớn có tên trong danh sách "Fortune 500" vào đầu thế kỷ 21. Một trong những chaebol được thành lập trong giai đoạn đó là Tập đoàn Công nghiệp Ô tô Thượng Hải (SAIC).

Từ quá trình liên doanh 10 năm với Volkswagen của Đức, công ty nhà nước này đã trở thành nhà sản xuất ô tô thành công nhất của Trung Quốc. Năm 1997, công ty thiết lập một quan hệ đối tác với General Motors (GM) của Hoa Kỳ thông qua một liên danh trị giá 1,6 tỷ USD. Bằng cách hợp tác với 2 nhà sản xuất hàng đầu phương Tây, SAIC hy vọng sẽ tiếp thu được những công nghệ tiên tiến nhất để phát triển lớn mạnh nhanh chóng.

Tuy nhiên, SAIC có xu hướng trở thành một Samsung hơn một Toyota, vì nó có tham vọng đa ngành. Tháng 4-1997, công ty này đã chiếm quyền kiểm soát 2 công ty Thượng Hải làm ăn thua lỗ trong ngành điện tử. Tiếp đó, SAIC thâu tóm 34% cổ phần của chính quyền thành phố trong Dazhong Taxi, hãng điều hành taxi hàng đầu và được ngưỡng mộ nhất thành phố.

(Còn tiếp)

Các tin khác