Chủ động phòng vệ về thuế

Bộ Tài chính vừa tiến hành lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về dự án Luật Thuế xuất nhập khẩu (sửa đổi) và đổi tên thành Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu và các biện pháp phòng vệ về thuế.

Bộ Tài chính vừa tiến hành lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về dự án Luật Thuế xuất nhập khẩu (sửa đổi) và đổi tên thành Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu và các biện pháp phòng vệ về thuế.

Chú trọng bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước

 

Theo lý giải của Bộ Tài chính, đến nay Việt Nam đã gia nhập WTO và đã ký kết 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Dự kiến Việt Nam sẽ tiếp tục ký một số FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU và một số hiệp định song phương khác. Từ năm 2018 trở đi, thuế suất thuế nhập khẩu về cơ bản sẽ được xóa bỏ theo các cam kết thuế quan.

Do đó, để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước cần bổ sung, nâng cấp cơ sở pháp lý về các biện pháp phòng vệ về thuế (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ…) hiện nay quy định ở 3 pháp lệnh nhằm phát huy công cụ hữu hiệu bảo vệ sản xuất, trong trường hợp các ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại do các hành vi bán phá giá, trợ cấp, phân biệt đối xử của các đối tác thương mại.

Bên cạnh đó, Luật Thuế xuất nhập khẩu ban hành từ năm 2005 nên một số điểm không còn phù hợp với hệ thống pháp luật nói chung, cùng một số luật liên quan mới được Quốc hội thông qua, như Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường…

Ngoài ra, một số quy định trong Luật Thuế xuất nhập khẩu hiện hành đến nay không còn phù hợp, cần được sửa đổi để tạo hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển, nhằm khuyến khích phát triển sản xuất và xuất khẩu; bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập theo định hướng cải cách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo là nhóm vấn đề về khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết.

Luật hiện hành đã có quy định các biện pháp về thuế để tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống phân biệt đối xử trong nhập khẩu hàng hóa, nhưng chưa đầy đủ và mới dừng ở việc định danh về các biện pháp này. Việc áp dụng các loại thuế phòng vệ đang được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh chống trợ cấp, Pháp lệnh về tự vệ.

Bộ Tài chính cho biết theo kinh nghiệm quốc tế, các nội dung về thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải được quy định thống nhất tại Luật Thuế xuất nhập khẩu để đảm bảo sự nhất quán, xuyên suốt nhằm phát huy vai trò là công cụ bảo vệ sự lành mạnh của môi trường kinh tế, bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước trong điều kiện phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế gần như xuống 0% trong thời gian tới.

Mục tiêu nữa của dự thảo là phát huy công cụ bảo vệ dự luật đã giải thích, bổ sung giải thích các cụm từ ngữ có liên quan về 3 loại thuế phòng vệ được chuyển nguyên trạng từ quy định tại các pháp lệnh chống bán phá giá, chống trợ cấp và về tự vệ, như thiệt hại nghiêm trọng và đáng kể cho ngành sản xuất trong nước; đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, hàng hóa tương tự, biên độ bán phá giá...

Ngăn lợi dụng chính sách biên mậu

Mục tiêu sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là phù hợp và tạo thuận lợi để thực hiện các cam kết và điều ước quốc tế về thuế xuất nhập khẩu; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm tính ổn định và lâu dài của luật; đơn giản, thuận lợi cho đối tượng thi hành luật; khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu; quy định thống nhất thẩm quyền, nguyên tắc xây dựng biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu; góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý thu, nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Ông Vũ Ngọc Anh,
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Điểm đáng chú ý khác là dự thảo bổ sung quy định miễn thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho đời sống và sản xuất của mình. Hiện nay, cư dân biên giới được miễn thuế với trị giá 2 triệu đồng/người/ngày/lượt.

Việc thực hiện quy định này thời gian qua đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam với các nước có chung biên giới (Trung Quốc, Lào, Campuchia), tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân biên giới tiêu thụ sản phẩm do mình sản xuất ra; mua được vật tư cần thiết phục vụ sản xuất và tiêu dùng hàng ngày. Tuy nhiên, thực tế do chính sách không hạn chế đối với phần hàng hóa của cư dân không sử dụng, đã xảy ra tình trạng lợi dụng để thu gom hàng hóa được miễn thuế đem vào nội địa, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Để đảm bảo tính minh bạch và nâng tính pháp lý, hạn chế gian lận thương mại, góp phần hạn chế nhập khẩu hàng hóa có chất lượng không cao, dự thảo đã quy định hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng của của cư dân biên giới trong định mức và mặt hàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chính phủ quy định người nộp thuế, phương thức quản lý đối với trường hợp thu mua, vận chuyển hàng hóa không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới quy định tại khoản này.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng bổ sung, sửa đổi những quy định bất cập hiện hành, như quy định về miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện cho sản xuất của dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư. Bên cạnh đó, để khuyến khích sản xuất xuất khẩu và hạch toán đúng thu ngân sách, dự án luật đã chuyển hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập để sản xuất xuất khẩu từ đối tượng hiện nay thực hiện thu thuế và hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế; bổ sung quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo.

Các tin khác