Tựa nương lòng hồ

Sống bằng nghề lái thuyền trên lòng hồ Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An) mênh mông, nay đã không còn thác ghềnh như trước, nhưng lòng người dân chưa yên. Giống như những chiếc thuyền ba lá chưa thôi đời xuôi ngược, họ phải ly tán, nhọc nhằn mưu sinh và lúc nào cũng ao ước ngày mai đổi khác.

Sống bằng nghề lái thuyền trên lòng hồ Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An) mênh mông, nay đã không còn thác ghềnh như trước, nhưng lòng người dân chưa yên. Giống như những chiếc thuyền ba lá chưa thôi đời xuôi ngược, họ phải ly tán, nhọc nhằn mưu sinh và lúc nào cũng ao ước ngày mai đổi khác.

Cheo leo phận người

Không đến chẳng biết những mảnh đất xa xôi heo hút còn nhiều lắm phận người cả tháng chẳng có nổi một bữa ăn có thịt. Từ bến Thượng Lưu tôi hỏi thuê chiếc thuyền ba lá dẫn vào những heo hút xóm nghèo. Người đàn ông gần 50 tuổi ngồi hút thuốc lào vồn vã đợi khách bật dậy như lò xo. Tiếng anh lơ lớ. Địa điểm, thời gian chờ và chờ đợi được tính toán, giá cả được thỏa thuận.

Hỏi ra, anh Vi Văn Tiến ở xã Hữu Dương, nơi phải di dời toàn bộ về vùng tái định cư mãi tận huyện Thanh Chương, nhường chỗ chứa nước hồ thủy điện. “Nhưng tui không đi đâu làm ăn được, đành về” - anh Tiến buông một câu xuống mặt nước hồ xanh rờn rợn. Tiếng động cơ khiến cả khu lòng hồ và rừng núi đang trổ lộc non bớt cô quạnh, nhưng người lái thuyền vẫn khuôn mặt khắc khổ.

Anh kể tiếp, theo chủ trương, anh và vợ con được cấp đất tái định cư ở Thanh Chương, nhưng thiếu đất sản xuất, quá túng đói, năm 2011 anh đành bỏ vợ con lại, rủ thêm vài người quay về quê cũ làm nghề lái thuyền. “Tui về lái thuyền, nhiều người khác cũng về thôi. Khách vắng nhưng vẫn phải chia nhau để cùng sống. Khách là cán bộ xã đi lại, người dân, khách du lịch”, rồi anh chỉ về những nếp nhà tranh thấp tè chẳng cao hơn mặt nước hồ bao nhiêu: “Đó, lúc mưa thì khổ lắm, phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với hoành cảnh xấu nhất. Nhà bé, không kiên cố nên phải giằng dây thật chắc. Đã nhiều nhà bị gió cuốn rồi” - anh Tiến tâm sự.

Lái thuyền thuê như anh Tiến có đến 70 người, cả đàn ông và phụ nữ, ngày vắng khách họ cập đầy bến Thượng Lưu. Thuyền dân sinh cũng có vài chục chiếc. Mỗi ngày gom góp dôi dư được vài chục ngàn đồng, đủ để anh hy vọng và sưởi ấm lòng các thành viên khác. Cách đó mấy trăm mét, công trình thủy điện đồ sộ nhưng bao hộ dân lòng hồ chưa được hưởng nguồn sáng, vẫn phải thắp đèn dầu dù họ nhường đất.

Nhiều người lái thuyền sống cảnh chia rẽ, vợ ở lại vùng tái định cư Thanh Chương, con gửi đi học ở xã khác, còn bản thân neo lòng hồ như định mệnh. Mưu sinh ở vùng tái định cư hay ở lòng hồ, nỗi vất vả giống nhau, nhưng ở lòng hồ còn có ngày khách đông hơn. Anh Tiến làm lều ở khu vực xã Nhôn Mai, anh Vi Văn Huân làm lều ở khu vực bản Xiềng Lằm xã Hữu Khuông, anh Lô Văn Diệu trú ngụ ở khu vực bản Lạp xã Kim Tiến…

Thiệt thòi con trẻ

Người lớn sống lênh đênh theo con nước đã đành, đám trẻ con cũng chịu cảnh thất học vì gia đình không an cư. Tiêu biểu nhất là bản Kim Hồng (xã Hữu Khuông), với 38 hộ trở về khu vực lòng hồ, có tới 30 em trong độ tuổi không được đến trường. Thậm chí ở bản Chà Coong, bà con “cố thủ” không ai chịu dời đến khu tái định cư, sống kiểu tự do nên nhiều đứa trẻ chẳng có tờ giấy khai sinh.

Em Lô Thị Tho, lấy chồng sớm, năm nay 18 tuổi đã có 2 con, cho biết: “Nhà cháu không chịu đi đến nơi ở mới, nên từ năm 2009 chẳng thuộc xã nào. Vậy là trẻ con không được đi học”. Đang tâm sự với em Tho, chị Lương Thị Tiên ghé sang mời tôi đến nhà. Mấy đứa trẻ lúi húi trong góc bếp e thẹn nhìn khách. Mặt đứa nào cũng nhem nhuốc, mốc meo nhưng đôi mắt to tròn. Chị Tiên ái ngại: “Bọn trẻ thích đi học lắm, nhưng ở đây không có trường, có lớp. Muốn học phải về huyện Thanh Chương”.

Trong hành trình tìm hiểu khu vực lòng hồ, có bao hộ dân bấp bênh. Nước dâng thì nhà dâng. Vào mùa cạn nước, thủy điện vẫn xả, thuyền không đi được, người dân “mắc cạn” giữa lòng hồ. Dù nước quá sâu hay quá cạn đều ngăn cách người dân với thế giới bên ngoài. Thống kê cho thấy, người dân nơi đây có nhiều “không” quá: không điện, không đường; trẻ em không được đi học, khám chữa bệnh, không có giấy khai sinh và không có tương lai.

Chẳng ít hộ “ngoài vòng pháp luật”, nên chính quyền không thể kiểm soát. Phòng Giáo dục huyện Tương Dương cũng không kiểm đếm đầy đủ số học sinh không được đến trường, chỉ áng chừng gần 70 em, thuộc khu tái định cư Thanh Chương, chưa kể số em ở bản Chà Coong và nhiều xóm sống tự do khác. Trước vấn đề nhức nhối này, anh Vi Văn Diệu, Trưởng công an xã Hữu Khuông, lo ngại: “Xã có 4 bản sống lênh đênh trong khu vực lòng hồ là Huổi Pủng, Bản Xan, Nuôi Cọ, Pủng Bón và Kim Hồng cạnh mép hồ. Tất cả họ đến nay đều trong diện nghèo. Nhiều cha mẹ không chịu xuống Thanh Chương, và không đủ điều kiện nghĩ đến tương lai của con, trẻ em không được đi học”.

Mang nỗi lo này hỏi ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, ông cho biết đích thân ông đã đến các hộ vận động gia đình cho con đi học. Hộ nào thuộc diện ở khu tái định cư về phải đóng góp để con đi học chứ không thuộc diện được hưởng ưu tiên. Do đường thủy xa, nguy hiểm, việc đi lại tốn kém, trong khi các gia đình còn đang thiếu ăn. Vì thế họ quên luôn chuyện học hành của con cái.

Những giấc mơ

Trở lại “nhà nổi” của chị Vi Thị Hồng, người bán tạp hóa trên lòng hồ, để gặp những người đàn ông đợi khách. Nghe họ nói về dự định, giấc mơ và mong lắm những điều ấy sớm thành hiện thực. Người mơ đông khách đi thuyền. Bởi thuyền được đóng bằng tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Nó là khối tài sản lớn nên họ yêu chiếc thuyền như chính bản thân mình.

Cuộc sống dạy họ phải nói nhiều hơn, không chỉ bằng tiếng của địa phương mình. Một số người đã vui mừng được chở khách nước ngoài. Khách nói gì họ cũng chẳng hiểu, nhưng nở nụ cười suốt hành trình. Khách hỏi giá, không hiểu tùy mức độ xa gần mà viết ra giấy. Tất nhiên khách hiểu ý. Sau những lần cập bờ, khách thường “boa” thêm. Người lái thuyền khấp khởi vui vì khách nói: “Hẹn gặp lại”!

Cái nghèo luôn bám lấy bà con vùng lòng hồ Bản Vẽ.
Cái nghèo luôn bám lấy bà con vùng lòng hồ Bản Vẽ.

Phút giây ngơi nghỉ sau khi đưa tôi thăm những người bà con đã bỏ vùng tái định cư về lại bản quán, anh Tiến vẫy thêm những người lái thuyền khác tiếp chuyện. Họ đưa tôi trở về mảnh đất khắc nghiệt và gần như biệt lập này bằng những câu chuyện dí dỏm đầy kỳ bí. Trước đây dòng nước chính là thượng nguồn sông Nậm Nơn với nhiều ghềnh thác. Nghề lái thuyền vất vả gấp trăm lần bây giờ, không chỉ bởi phương tiện thô sơ, mà họ luôn bị gây khó khăn bởi ghềnh thác hiểm nguy. Nhưng kiếm cá dễ hơn.

Nguyện vọng của mọi người giờ đây là được an cư. Người dân đang chấp nhận cuộc sống tự cung tự cấp và có cái lý của riêng mình. Tôi hỏi mấy người có biết bỏ về là sai? Anh Vi Văn Huân (bản Xiềng Lằm) cho hay: “Chúng tôi có biết chớ. Mong sao chính quyền cho nhập khẩu về quê cũ. Hoặc các xã bên cạnh cũng được, để được hưởng các chính sách, quyền lợi của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa”.

Hiện nay các cơ quan chức năng ở huyện Tương Dương và tỉnh Nghệ An đang tìm cách tháo gỡ khó khăn. Mong rằng đời sống của cư dân vùng lòng hồ sớm được ổn định, cho họ một cái nghề phù hợp, để những đứa trẻ khỏi sống nheo nhóc, có tương lai sáng hơn. Tạm biệt những người lái thuyền, tự dưng tôi thấy trước thiên nhiên, con người sao mà nhỏ bé.

Các tin khác