Thủ tướng Hy Lạp bước vào đàm phán với các chủ nợ

ECB tiếp tục tăng thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp

ECB tiếp tục tăng thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp

 

Vào lúc 2h chiều ngày 25/6 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bước vào cuộc đàm phán mang tính quyết định với bộ ba chủ nợ, gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Cuộc gặp này được coi là nỗ lực cuối cùng nhằm đạt được một thỏa thuận để các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thông qua vào cuối ngày, sau đó ngay lập tức sẽ trình lên Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu thông qua.

Cuộc đàm phán dự kiến sẽ rất căng thẳng khi mà thời điểm Hy Lạp phải trả khoản nợ 1,6 tỷ euro cho IMF đang tới gần (ngày 30/6 tới).

Nếu không có tiền trả nợ, Hy Lạp sẽ phải tuyên bố phá sản, đồng nghĩa với khả năng nước này sẽ rút khỏi Eurozone.

Bộ trưởng Kinh tế Hy Lạp Georges Stathakis tuyên bố chỉ còn hai hoặc ba điểm cuối cùng cần giải quyết trong cuộc đàm phán với các chủ nợ về chương trình cải cách mà Athens đưa ra nhằm có được khoản giải ngân tiếp theo trong gói hỗ trợ tài chính quốc tế.

Theo các đề xuất mới của Hy Lạp, nước này sẽ tăng thuế đối với các doanh nghiệp và người giàu, tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) và giảm chi tiêu quốc phòng.

Các biện pháp này sẽ giúp Athens có thêm 8 tỷ euro. Các chủ nợ cho rằng những đề nghị trên là chưa đủ, yêu cầu Hy Lạp phải thực hiện tăng độ tuổi nghỉ hưu, tăng thuế dịch vụ VAT tại các nhà hàng, khách sạn lên mức 23%, so với mức 13% hiện nay.

Athens lo ngại rằng việc tăng thuế VAT quá cao sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch của nước này.

Các chủ nợ cũng yêu cầu Hy Lạp tăng thuế doanh nghiệp từ mức 26% hiện nay lên mức 28% và sau đó lên mức 29% sau năm 2016.

Ngoài ra, Hy Lạp phải cắt giảm 400 triệu euro chi tiêu quốc phòng, thay vì mức đề xuất là 200 triệu euro.

Trong trường hợp Hy Lạp và các chủ nợ đạt được thỏa thuận thì văn bản này vẫn phải còn phải chờ sự chấp thuận của Quốc hội Hy Lạp.

Việc đạt thỏa thuận về chương trình cải cách của Hy Lạp là điều kiện để các chủ nợ giải ngân nốt 7,2 tỷ euro trong gói tín dụng cấp cho Athens từ năm 2010.

Nếu có được số tiền này, Hy Lạp sẽ trả được khoản nợ sắp hết hạn của IMF và tránh được nguy cơ phá sản.

* Theo hãng tin Reuters, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong ba ngày liên tiếp vừa qua đã tăng nguồn hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp. Sau khi tăng ELA trong hai ngày 21 và 22/6, ECB tiếp tục nâng trần chương trình này lên khoảng 89 tỷ euro (99,76 tỷ USD) ngày 23/6.

ECB từ chối xác nhận thông tin này trong bối cảnh hàng tỷ euro đã bị rút khỏi các ngân hàng Hy Lạp trong vài tuần qua, do lo ngại kịch bản Athens sẽ thực hiện kiểm soát vốn trong trường hợp không thể đạt được thỏa thuận “cải cách để nhận cứu trợ” trước ngày 30/6. Bên cạnh đó, Athens sẽ phải trả khoản nợ 1,6 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đáo hạn vào ngày 30/6.

Hy Lạp hiện đang chạy đua để tìm kiếm một thỏa thuận vào phút chót với các chủ nợ quốc tế nhằm “mở khóa” khoản tiền 7,2 tỷ euro còn lại trong gói cứu trợ quốc tế. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tỏ ý tin tưởng sẽ đạt được sự nhất trí về vấn đề liên quan đến Hy Lạp, qua đó có thể tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ của Athens trong tuần này. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các cuộc đàm phán sẽ rất khó khăn và lãnh đạo EU sẽ đưa ra quyết định về vấn đề của Hy Lạp tại Hội nghị thượng đỉnh của khối.

Về phần mình, Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone, ông Jeroen Dijsselbloem cho biết các nhà đàm phán sẽ dùng các đề xuất của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras như một nền tảng cho các thảo luận mới, đồng thời coi đây là “bước đi tích cực” để có thể tiến tới thỏa thuận trong tuần này.

Các tin khác