Ngao ngán văn mẫu

Đã có một thời dư luận than phiền về bài văn mẫu vì làm giảm tinh thần sáng tạo của học sinh. Hiện tượng phản giáo dục ấy chưa được khắc phục, gần đây công chúng lại ngao ngán vì chất lượng văn mẫu. Cuốn sách “Những bài tập làm văn mẫu lớp 8” đang khiến các bậc phụ huynh lo lắng bởi nội dung quá sai lệch.

Đã có một thời dư luận than phiền về bài văn mẫu vì làm giảm tinh thần sáng tạo của học sinh. Hiện tượng phản giáo dục ấy chưa được khắc phục, gần đây công chúng lại ngao ngán vì chất lượng văn mẫu. Cuốn sách “Những bài tập làm văn mẫu lớp 8” đang khiến các bậc phụ huynh lo lắng bởi nội dung quá sai lệch.

Nhóm tác giả Trương Thị Hằng, Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Đào Thị Thủy, Nguyễn Thị Dậu đồng đứng tên biên soạn cuốn sách đều có học vị thạc sĩ. Vậy mà cách hành văn chệch choạc, hàng loạt kiến thức ngây ngô trong cuốn sách được độc giả chỉ ra. Sự cẩu thả thể hiện rõ ngay trong chính mỗi bài văn. Thí dụ, với đề bài "Thuyết minh về con trâu trong công việc nhà nông", dàn ý viết “trâu có thời gian mang thai 11 tháng”, nhưng phần bài làm lại viết “thời gian mang thai của trâu kéo dài 12 tháng”.

Không cần phải trích lục đến tài liệu khoa học của Viện Chăn nuôi, hầu hết người dân có chút hiểu biết về nông thôn đều có thể khẳng định trâu có thời gian mang thai khoảng 320-325 ngày. Không ai dám tự tin về khả năng bách khoa toàn thư của bản thân, nhưng khi đã biên soạn sách phải cẩn thận tra cứu kỹ lưỡng. Nếu tôn trọng nghề nghiệp, chỉ cần một thao tác trên mạng để có những đáp án chính xác. Đáng tiếc, nhóm thạc sĩ trên vô tư “phán”, thậm chí ngang nhiên kết luận “trâu vừa sinh ra đã biết ăn cỏ ngoài bú mẹ”.

Khi bàn trực tiếp về văn chương, cuốn sách “Những bài tập làm văn mẫu lớp 8” càng bộc lộ thái độ tùy tiện và lệch lạc về cảm nhận tác phẩm. Bài thơ “Nhớ rừng” nổi tiếng của Thế Lữ, văn mẫu lại phân tích: “Đó là những ngày đầy nguy nan khi sống trong rừng bị con người truy sát, con hổ run sợ nép vào nơi bí mật đợi chết với cảm giác mặt trời chói gắt trên cao, thiêu đốt gan ruột mình”. Có sự nhầm lẫn chăng? Một bài cảnh báo săn bắt thú rừng đã đánh tráo bài tập làm văn? Bài thơ “Nhớ rừng” toàn cảm xúc một chúa sơn lâm sa cơ, có câu nào nói về nỗi sợ hãi bị truy sát đâu?

“Những bài tập làm văn mẫu lớp 8” do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành, không chỉ đáng lo ngại về chất lượng văn mẫu, mà còn nhắc nhở về trình độ thạc sĩ văn chương hiện nay. Nếu tất cả luận văn thạc sĩ văn chương và tiến sĩ văn chương được in ra, chắc chắn lắm chuyện dở khóc dở mếu.

Các tin khác