Bát nháo thực phẩm chức năng

Thời gian gần đây, nhiều vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả đã bị cơ quan chức năng các tỉnh, thành phát hiện và triệt phá, song thị trường thực phẩm chức năng vẫn còn rất bát nháo bởi ngành kinh doanh này được đánh giá là siêu lợi nhuận.

Thời gian gần đây, nhiều vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả đã bị cơ quan chức năng các tỉnh, thành phát hiện và triệt phá, song thị trường thực phẩm chức năng vẫn còn rất bát nháo bởi ngành kinh doanh này được đánh giá là siêu lợi nhuận.

Hàng giả tràn lan

Ghé vào một tiệm thuốc tây trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM) hỏi về sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ làm đẹp da, chống lão hóa, tôi được nhân viên tại tiệm thuốc tư vấn đủ loại nào là collagen, nhau thai cừu, sữa ong chúa, tảo biển… và mỗi loại lại có cả chục nhãn hiệu, trong nước ngoài nước đủ cả, giá thành cũng rất đa dạng.

Thực ra, không riêng sản phẩm làm đẹp dành cho phụ nữ mà khi hỏi bất cứ sản phẩm thực phẩm chức năng nào, người tiêu dùng cũng dễ bị rơi vào mê hồn trận của các thương hiệu, giá thành… Và gần như tiệm thuốc tây nào cũng ngập tràn các sản phẩm thực phẩm chức năng. Bước ra khỏi những tiệm thuốc tây để tìm hiểu việc mua, bán các sản phẩm thực phẩm chức năng thông qua kênh bán hàng online sẽ thấy không khí sôi động không kém.

Thử gõ cụm từ “thực phẩm chức năng sữa ong chúa” sẽ ra ngay gần 500.000 kết quả trong 0,31 giây. Ở đó có đầy đủ những thông tin như tác dụng của sữa ong chúa, vô vàn địa chỉ bán hàng online và cả những thông tin về những cuộc triệt phá các đường dây buôn bán sản phẩm sữa ong chúa cũng như nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng giả…

Đơn cử, những ngày đầu tháng 6 vừa qua  Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Hà Nội cho biết đã khám phá một vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, thu hơn 20 tấn hàng giả gồm nhiều nhãn hiệu như Sữa ong chúa Costar, 100% Royal Jelly 1450mg, Omega 3…

Trước đó, cũng tại Hà Nội, cơ quan chức năng đã triệt phá đường dây chuyên nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc sau đó phù phép thành hàng Australia, Hoa Kỳ với khối lượng hơn 10 tấn thực phẩm chức năng giả sản phẩm sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen... của các thương hiệu nổi tiếng. Điều đáng quan ngại, theo lời khai của những đối tượng này, một lượng lớn hàng giả được tuồn vào các tiệm thuốc tây, thậm chí có nhà thuốc còn đặt hàng các đối tượng.

“Nhà thuốc còn ngang nhiên bán hàng giả thì làm sao yên tâm mua trên mạng” - chị Ngọc Yến (quận 1, TPHCM) chia sẻ. Lâu nay, chị Yến cũng như nhiều người bạn của mình hay mua hàng trên mạng vì được người bán quảng cáo dưới mác hàng xách tay số lượng có hạn… Mua vì nghe nói tốt, vì quảng cáo hay cũng chính là tình trạng phổ biến hiện nay của người tiêu dùng. Đó cũng là một trong những lý do khiến hàng giả có cơ hội tung hoành.

Theo định nghĩa đã được luật hóa trong Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, giúp cơ thể thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, khi xem quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng tại Việt Nam, những sản phẩm này bỗng trở thành thần dược, có thể chữa bách bệnh.

Chính điều này đã khiến người tiêu dùng bị cuốn vào vòng xoay bát nháo của thị trường này. Thị trường thực phẩm chức năng không chỉ bát nháo bởi hàng giả, hàng nhái mà còn bởi các hình thức kinh doanh, trong đó hình thức kinh doanh đa cấp cũng đang làm đau đầu các cơ quan quản lý và cả người tiêu dùng.

Nội, ngoại so kè

Theo thống kê, năm 2014 Việt Nam đã nhập khẩu một lượng thực phẩm chức năng với trị giá hơn 2.400 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm nay, với gần 500 DN nhập khẩu, lượng thực phẩm chức năng nhập về Việt Nam đã tương đương hơn 1.400 tỷ đồng. Đây là thống kê đối với các sản phẩm nhập khẩu chính ngạch có khai báo hải quan, chưa kể các loại hàng nhập tiểu ngạch, nhập lậu.

Thống kê này chưa bao gồm các sản phẩm sữa - vốn luôn là dòng sản phẩm có khối lượng nhập khẩu lớn và sản lượng tiêu thụ thuộc dạng nhiều nhất hiện nay trên thị trường thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung. Những con số này đang minh chứng cho tiềm năng của thị trường Việt Nam. Cũng vì thế, ngoài những thương hiệu ngoại, một cuộc đua khốc liệt cũng đang diễn ra trong nước. Hiện nay cả nước có gần 4.000 DN tham gia sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó hầu hết các công ty dược đều tham gia vào mảng này.

Thực phẩm chức năng thường được quảng cáo có tác dụng chữa bách bệnh.

Thực phẩm chức năng thường được quảng cáo có tác dụng chữa bách bệnh.

Nói về chất lượng sản phẩm nội, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, từng chia sẻ với ĐTTC: “Hiện nay các DN Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng phục vụ cho người tiêu dùng, phần lớn các nhà sản xuất chính là những công ty dược có uy tín, có máy móc thiết bị hiện đại, chính vì thế chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng khi sử dụng các sản phẩm của Việt Nam”.

Bác sĩ Diệp cũng lưu ý thêm những khó khăn khi dùng hàng ngoại như ngôn ngữ. Bởi người tiêu dùng khó có thể hiểu hết tất cả những thuật ngữ chuyên môn nhà sản xuất ghi trên sản phẩm. Nếu sản phẩm có nhãn phụ, thường chữ cũng rất bé. Chưa kể khi sử dụng sản phẩm có vấn đề, việc liên hệ với nhà sản xuất rất khó khăn.

Tất nhiên, việc lựa chọn sản phẩm nội hay ngoại vẫn do người tiêu dùng quyết định. Song như đã nói, thực phẩm chức năng chỉ là thực phẩm hỗ trợ và phải sử dụng trong thời gian dài mới có tác dụng như mong muốn, nên người tiêu dùng cũng không nên quá vội vàng khi đưa ra quyết định. Nhiều ý kiến cũng cho rằng các cơ quan chức năng phải siết chặt quản lý hơn nữa, nhưng thực tế việc quản lý giá, chất lượng cũng như quản lý quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng vẫn còn là thách thức lớn với các cơ quan quản lý nhà nước.

Các tin khác