Luật DN 2014: Những cải cách quan trọng

Mục tiêu cao nhất của việc sửa đổi Luật DN là làm cho DN trở thành một công cụ kinh doanh rẻ, an toàn và hấp dẫn hơn cho nhà đầu tư; qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Mục tiêu cao nhất của việc sửa đổi Luật DN là làm cho DN trở thành một công cụ kinh doanh rẻ, an toàn và hấp dẫn hơn cho nhà đầu tư; qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Thể chế hóa quyền tự do kinh doanh

Thay đổi mang tính đột phá của Luật DN 2014 là thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013, giảm rủi ro và tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh cho DN. Theo đó, DN được quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề luật không cấm. Thủ tục đăng ký thành lập DN được coi là thủ tục khai sinh DN. Giấy chứng nhận đăng ký DN là “giấy khai sinh” của DN mới.

Do đó, giấy chứng nhận đăng ký DN không bao gồm thông tin về ngành nghề kinh doanh của DN, chỉ bao gồm thông tin cơ bản về DN như mã số DN, địa chỉ trụ sở chính và thông tin về người đại diện theo pháp luật. Tại thời điểm thành lập DN, thông tin về ngành nghề kinh doanh dự kiến của DN do DN tự khai và lưu trong hồ sơ đăng ký của mình.

Trong quá trình hoạt động, DN chủ động tiến hành hoạt động kinh doanh mới ngay khi có đủ điều kiện kinh doanh, sau đó thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh để lưu vào hồ sơ đăng ký DN. Thay đổi này sẽ giảm đáng kể rủi ro thương mại và pháp lý cho DN, đồng thời tăng tính chủ động, sáng tạo cho DN trong kinh doanh, qua đó tạo thuận lợi cho DN tận dụng tối đa tiềm năng và cơ hội kinh doanh để phát triển.

Luật DN 2014 tạo thuận lợi tối đa cho quá trình gia nhập thị trường, giảm bớt thời gian và chi phí trong thủ tục thành lập DN. Theo đó, luật đã có nhiều cải cách quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính có liên quan, như bãi bỏ yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm thành lập DN.

Cụ thể, bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định trong hồ sơ đăng ký thành lập DN; rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký DN và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN xuống tối đa không quá 3 ngày; hài hòa hóa, kết hợp đồng thời các thủ tục đăng ký DN, công bố nội dung đăng ký DN, đăng ký lao động và đăng ký bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, Luật DN 2014 thay đổi phương thức quản lý và bãi bỏ thủ tục về đăng ký mẫu dấu của DN. Nội dung, hình thức và số lượng con dấu do DN quyết định trên cơ sở đảm bảo con dấu có 2 nội dung tối thiểu là tên và mã số DN. DN tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu. DN chỉ phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN... Cải cách liên quan đến con dấu của DN không chỉ giúp nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh ở nước ta, mà còn phù hợp với xu hướng giao dịch thương mại và thực hiện thủ tục hành chính qua mạng thông tin điện tử.

Cơ chế vận hành linh hoạt, hiệu quả 

Điểm quan trọng của Luật DN 2014 là giảm chi phí, tạo cơ chế vận hành linh hoạt, hiệu quả cho tổ chức quản trị DN, cơ cấu lại DN, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên công ty. Luật đã bổ sung quy định nhằm nâng cao hiệu lực giám sát nội bộ và giám sát thị trường đối với hoạt động kinh doanh của DNNN, như bổ sung quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, điều kiện của người đại diện phần vốn nhà nước và người quản lý trong DNNN; bổ sung quy định về yêu cầu công khai hóa thông tin đối với DN có sở hữu vốn nhà nước theo thông lệ quốc tế tốt về quản trị DNNN và khắc phục bất cập hiện nay.

Theo đó DNNN sẽ phải công khai hóa thông tin một cách định kỳ và bất thường với mức độ công khai hóa thông tin tương tự như công ty cổ phần niêm yết.

Luật cũng sửa đổi khái niệm DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn nhà nước để tạo sự thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa của DNNN và tăng hiệu quả kinh tế sau cổ phần hóa; đồng thời xác định rõ khái niệm về tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhằm khắc phục cách hiểu không thống nhất, gây nhầm lẫn về địa vị, tư cách pháp lý của công ty mẹ của tập đoàn với cả nhóm công ty hiện nay.

Luật DN 2014 còn cho phép các công ty linh hoạt hơn trong lựa chọn mô hình tổ chức quản trị, trong việc quy định nguyên tắc quản trị cụ thể phù hợp thực tế của công ty. Cụ thể, cho phép công ty cổ phần tự do lựa chọn hình thức tổ chức quản lý theo mô hình “đơn hội đồng” hoặc “đa hội đồng”; cho phép điều lệ công ty quy định cụ thể trình tự, thủ tục triệu tập họp để ra quyết định trong công ty; giảm tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định đại hội đồng cổ đông phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế và nhanh nhạy trong kinh doanh; quy định rõ và hợp lý hơn trình tự, thủ tục giải thể DN; thống nhất một đầu mối và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan có liên quan trong giải quyết thủ tục giải thể. 

DN kỳ vọng nhiều vào Luật DN 2014. Ảnh: LONG THANH

DN kỳ vọng nhiều vào Luật DN 2014. Ảnh: LONG THANH

Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với DN tạo thuận lợi cho các bên có liên quan tham gia giám sát hoạt động của DN, Luật DN 2014 đã quy định phương thức quản lý nhà nước mới, hiện đại phù hợp với sự phát triển ngày càng mở rộng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, luật bổ sung quy định tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật và công khai về hoạt động của DN sau đăng ký kinh doanh (cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN); sửa đổi các quy định nhằm nâng cao mức độ minh bạch hóa và công khai hóa về quản trị và hoạt động của DN, tạo thuận lợi cho các cổ đông, thành viên công ty tham gia giám sát trong nội bộ DN.

Các tin khác