Vốn cho DNNVV: Tháo gỡ điểm nghẽn chính sách

Ngày 15-6-2015, mục Chủ điểm - Sự kiện báo ĐTTC đăng bài viết “Áp lực tăng lãi suất huy động”, phân tích những dấu hiệu cho thấy cuộc đua tăng lãi suất đang bắt đầu. Điều này sẽ tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại (NHTM).

Ngày 15-6-2015, mục Chủ điểm - Sự kiện báo ĐTTC đăng bài viết “Áp lực tăng lãi suất huy động”, phân tích những dấu hiệu cho thấy cuộc đua tăng lãi suất đang bắt đầu. Điều này sẽ tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại (NHTM).

Khó khăn nhất là vốn

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, chia sẻ kết quả khảo sát hiệp hội vừa thực hiện mới đây. Theo đó, khi hỏi các DN điều gì khó khăn nhất khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng, vốn là điều được lựa chọn nhiều nhất. Thực ra không chỉ khảo sát này, lâu nay vốn cho DN luôn là một bài toán khó chưa tìm được lời giải thấu đáo, một phần cũng bởi hầu hết DN Việt Nam là DN có quy mô nhỏ.

Theo báo cáo của Hiệp hội DNNVV, hiện cả nước có khoảng 500.000 DNNVV, chiếm 97,5% tổng số DN đang hoạt động, với vốn đăng ký khoảng 121 tỷ USD, chiếm 30% tổng vốn đăng ký của các DN. Hàng năm các DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP; 30% thu nộp ngân sách nhà nước, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút 51% lao động.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, cộng đồng DNNVV vẫn gặp phải một số hạn chế cố hữu như khó khăn trong tiếp cận chính sách, ưu đãi, mặt bằng sản xuất, đặc biệt tiếp cận vốn vay được coi là khó khăn lớn nhất hiện nay.

Việc vay vốn tín dụng qua hệ thống NH là kênh chủ yếu nhiều DN đang tập trung khai thác, nhưng số DN, nhất là DNNVV tiếp cận được nguồn vốn này thực tế không nhiều. Nguyên nhân, một số DN không đủ điều kiện pháp lý do Hà Nội quy định; một số không đủ kiến thức và trình độ chuyên môn triển khai và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này. Mặt khác, những thủ tục chưa thông thoáng, thiếu kịp thời của các cơ quan phục vụ, dịch vụ làm mất thời cơ của DN trong việc khai thác nguồn vốn này.

TS. Cao Sỹ Kiêm.
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV

Khá nhiều cuộc khảo sát đã cho ra kết quả tương đương. Cụ thể hiện nay chỉ khoảng 30% DNNVV tiếp cận được nguồn vốn vay từ NH, 70% còn lại phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác với chi phí rất cao. Có một thực tế cần phải nhìn nhận, dù nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của các DNNVV vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã đưa ra con số đáng lưu tâm khi gần 70% DN vẫn kinh doanh không có lãi. Khó khăn chồng khó khăn nên việc lãi suất cho vay đang có dấu hiện tăng sẽ thực sự tạo thêm gánh nặng cho DN.

Bàn về nguyên nhân DNNVV khó tiếp cận vốn từ các NH, nhiều chuyên gia đều đồng tình với một số nguyên nhân, như các DN còn hạn chế về năng lực tài chính và tài sản đảm bảo. Và khi không có tài sản đảm bảo các NHTM rất e ngại trong việc cho DN vay vốn. Song hành với đó, báo cáo tài chính của nhiều DNNVV chưa phản ánh đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh, nghĩa là điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xem xét cấp tín dụng của các NHTM.

Ngược lại, về phía các NH hiện nay vẫn thận trọng trong việc cấp vốn tín dụng cho DNNVV, trong khi lại tỏ ra cởi mở đối với các khách hàng là DN lớn. Hiện tại mặt bằng lãi suất chung có giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng sinh lời của DN, lãi suất nợ cũ cao chưa được miễn/giảm phù hợp cũng như chưa được xử lý rốt ráo.

Những bất cập trên đang là rào cản để NH - bên có vốn cần cho vay - và DN - bên thiếu vốn cần đi vay - đến với nhau. Để giải quyết gút mắc này, Chính phủ cũng như các địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, kết nối. Song ngay cả những chương trình này cũng tồn tại nhiều nút thắt.

Nghẽn ở việc hỗ trợ

TPHCM được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước. Vì thế chính quyền TP cũng luôn đi đầu trong việc triển khai các chính sách, hoạt động cụ thể để hỗ trợ DNNVV tiếp cận nguồn vốn vay, như chỉ đạo cho các sở ngành, UBND quận huyện rà soát nhu cầu vốn của DN, tập hợp nhu cầu và đề xuất để TP có hướng hỗ trợ, kết nối. Đến nay toàn TP có 9 đầu mối tổ chức kết nối DN với NH. Trong năm 2014, kế hoạch kết nối DN và NH khoảng 20.000 tỷ đồng, nhưng kết quả đạt được thực tế 40.017 tỷ đồng.

Trong năm 2015 này kế hoạch kết nối tăng lên 60.000 tỷ đồng nhưng đến giữa tháng 6 đã tổ chức ký kết trên 55.000 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, trong thời gian tới NHNN chi nhánh TPHCM cùng với các đơn vị đầu mối tại các quận huyện, Sở Công Thương, Ban quản lý các KCN-KCX… sẽ rà soát, xác định những DN có đủ điều kiện nhưng chưa được tiếp cận nguồn vốn.

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho khối DNNVV là hết sức cấp bách trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Bên cạnh sự tự thân của mỗi DN, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như các địa phương đóng vai trò quan trọng, giúp khơi thông nguồn vốn chảy vào các DNNVV. 

Ông Phạm Ngọc Long,
Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DNNVV

Ngoài chương trình kết nối DN-NH, TPHCM cũng triển khai hỗ trợ nguồn vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh tín dụng. Song công tác này đang gặp nhiều khó khăn do các quy định về điều kiện cần và đủ theo tiêu chuẩn bảo lãnh. Ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng TPHCM, cho biết theo quy định, điều kiện DN phải có để được bảo lãnh, gồm có vốn chủ sở hữu trong dự án trên 15%, có tài sản thế chấp cho NH tối thiểu bằng 15% với khoản vay. Trong đó quy định về điều kiện bảo lãnh đã ngăn cách DN đến với quỹ.

Trong năm 2014, dù thiếu vốn nhưng không DN nào tìm đến quỹ nhờ hỗ trợ. Đồng thời, nguồn lực của quỹ cũng hạn chế bởi không xoay sở được nguồn kinh phí. Hiện tại, rất khó thu hút nguồn vốn đầu tư vào quỹ, bởi quỹ hoạt động theo hình thức không lợi nhuận. Trong khi đó, nếu quỹ có được nguồn vốn 1 đồng có thể hỗ trợ được cho giá trị gấp 5 lần so với vốn hiện có, sẽ giúp DN rất nhiều. Sắp tới, quỹ có chương trình nguồn vốn hỗ trợ của Italia với tổng giá trị 17 triệu EUR, dành ưu tiên cho DN dệt may, đồ gỗ.

Ông Lê Hưng Quốc, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM, cho rằng nếu quỹ bảo lãnh tín dụng phải yêu cầu DN có điều kiện cần và đủ mới được bảo lãnh sẽ không giải quyết được vấn đề về ý nghĩa sự hỗ trợ như DN mong mỏi. Cần phải nhìn vấn đề theo hướng tin tưởng vào DN mới có thể thực hiện được việc hỗ trợ theo đúng nghĩa.

Ngoài ra, TPHCM còn có chương trình kích cầu, sử dụng ngân sách nhà nước để trả bù lãi vay cho DN có dự án theo đúng danh mục đầu tư một số lĩnh vực cần khuyến khích phát triển. Có 3 điều kiện cơ bản để DN tham gia, gồm dự án đúng ngành nghề, lĩnh vực thuộc danh mục quy định của TP; dự án được thực hiện trên địa bàn TP; dự án phải đúng quy hoạch, hợp pháp và được một tổ chức tín dụng chấp nhận cho vay vốn thực hiện. Đây là chương trình được đánh giá rất cao, tuy nhiên khi đưa vào thực hiện không ít DNNVV vẫn không đáp ứng được các tiêu chí chặt chẽ chương trình đưa ra.

Thiếu vốn, yếu cạnh tranh

Câu chuyện thiếu vốn của DNNVV càng trở nên đáng quan tâm hơn trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu nền kinh tế khu vực và thế giới. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhiều DNNVV sẽ tiếp tục bị dồn vào thế yếu khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, vì khả năng cạnh tranh hầu như bằng 0. Trong khi đó, sự hỗ trợ của Chính phủ trong vay vốn, tiếp cận các chính sách còn yếu nên không nhiều đơn vị được hưởng lợi.

Cũng nói về câu chuyện hội nhập, ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch thường trực Hội DN trẻ Hà Nội, nhận định các DN tư nhân, đặc biệt DNNVV đang cảm nhận những thách thức lớn hơn bao giờ hết khi 2015 được xác định là năm hội nhập với rất nhiều hiệp định song phương và đa phương được ký kết và có hiệu lực như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ACE) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chương trình kết nối NH-DN của TPHCM đã hỗ trợ rất lớn cho DN tiếp cận nguồn vốn. Ảnh: CAO THĂNG

Chương trình kết nối NH-DN của TPHCM đã hỗ trợ rất lớn
cho DN tiếp cận nguồn vốn. Ảnh: CAO THĂNG

Các DNNVV Việt Nam đang bộc lộ nhiều điểm yếu cơ bản như năng lực tổ chức điều hành và quản lý, năng lực cạnh tranh chưa cao; sản phẩm chất lượng còn thấp, mẫu mã đơn điệu; thiết bị sản xuất cũ  kỹ, công nghệ lạc hậu nên năng suất kém và giá thành cao…

Thiếu vốn DN không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhất là đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Trong khi đây lại là những yếu tố sống còn trong cuộc cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Theo các chuyên gia, trước hết về phía DN phải  cơ cấu lại sản xuất kinh doanh phù hợp năng lực của mình, cũng như tình hình tài chính hiện có. DN cần chủ động xây dựng các phương án kinh doanh, đặc biệt phải minh bạch, rõ ràng và chuyên nghiệp hơn trong các báo cáo tài chính nhằm tạo niềm tin với NH. Về phía NHNN cần phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu bài bản, dài hơi cơ chế chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển khu vực DNNVV giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2050 đáp ứng yêu cầu mới về hội nhập và triển vọng phát triển tất yếu.

NHNN vận dụng linh hoạt một số công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng định hướng hỗ trợ phát triển khu vực các DNNVV thông qua các hoạt động quản lý, giám sát và thanh tra với hệ thống các NHTM, các định chế tài chính khác. NHNN phải được quyền kiểm soát mọi luồng tài chính chủ yếu khu vực DNNVV liên quan các kênh khác nhau trong nền kinh tế…

Các tin khác