Lo ngại cải cách trên giấy

“Địa phương nào, ngành nào cũng nói cải thiện môi trường kinh doanh nhưng thực tế DN có ghi nhận chuyển biến không mới là vấn đề. Tôi đi họp với cộng đồng DN ở Bắc Giang hỏi mấy trăm DN có biết Nghị quyết 19 (NQ19), không cánh tay nào giơ lên”. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), bình luận về việc thực hiện NQ19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tại các địa phương.

“Địa phương nào, ngành nào cũng nói cải thiện môi trường kinh doanh nhưng thực tế DN có ghi nhận chuyển biến không mới là vấn đề. Tôi đi họp với cộng đồng DN ở Bắc Giang hỏi mấy trăm DN có biết Nghị quyết 19 (NQ19), không cánh tay nào giơ lên”. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), bình luận về việc thực hiện NQ19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tại các địa phương.

Chưa chạm đến DN

 

Báo cáo tình hình thực hiện NQ19 được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cuối tuần trước, cho thấy NQ19 đề ra 13 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và 80 giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành địa phương, nhưng đến ngày 17-6 cơ quan này mới nhận được kế hoạch triển khai NQ của 11 bộ, cơ quan ngang bộ và 11 địa phương.

Đặc biệt, mục tiêu cải cách theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, giảm thủ tục, giảm chi phí cho DN được dự báo khó đạt. Hiện nay một số bộ đang chuẩn bị ban hành thêm thông tư mới đè lên các thông tư cũ, như Bộ Y tế có quy định về giấy chứng nhận kiểm dịch thực phẩm; Bộ Xây dựng chuẩn bị ban hành quy định về chứng chỉ hành nghề kinh doanh bất động sản…

Trong khi nhiều địa phương chưa hiểu triển khai NQ19 thế nào, công cụ và cách thức thực hiện cũng chưa rõ ràng. Điều này được ông Đậu Anh Tuấn lý giải do việc thực hiện NQ19 đang thiên về thay đổi quy định, chưa quan tâm đến thực tiễn. Cải thiện môi trường cạnh tranh quốc gia mà không đề cập đến chính quyền địa phương cấp tỉnh trong bối cảnh phân cấp mạnh hiện nay sẽ khó mang lại hiệu quả thực tiễn.

Trong lĩnh vực thông quan hàng hóa qua biên giới, ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), cho rằng sau hơn 1 năm thực hiện NQ19 các cơ quan hải quan mới thoát khỏi sức ì. Hiện vẫn còn hàng loạt vướng mắc về thủ tục hành chính, như hệ thống hải quan điện tử chỉ cho phép DN kê tờ khai hải quan không quá 50 dòng. Riêng với DN nhập linh kiện điện tử, ô tô phải kê khoảng 100 tờ khai cho 1 lô hàng, kèm theo đó DN phải đến NH để lấy 100 giấy nộp tiền, chi phí về thời gian rất lớn.

Thí dụ, 1 DN dăm gỗ tại miền Trung xuất khẩu một tàu 40.000 tấn, phải chia thành 80 lô để thực hiện kiểm dịch, mỗi lô kiểm dịch hết 500.000 đồng và phí kiểm dịch cả chuyến hàng lên đến 43 triệu đồng, tương đương giá trị của 30 tấn dăm gỗ. Hoặc trường hợp DN xuất khẩu cá tra tại miền Tây khi xuất khẩu bất kỳ lô hàng nào đều phải xin giấy xác nhận xuất khẩu từ Hiệp hội Cá tra tại Cần Thơ. Mỗi lần xin giấy xác nhận DN phải nộp 100.000 đồng cộng chi phí đi lại. Đây là quy định trái luật bởi Hiệp hội Cá tra không có quyền từ chối các lô hàng xuất khẩu của DN.

Dừng ở cải cách thể chế

3 tháng đầu năm kết quả thực hiện NQ19 mới là những hoạt động, chỉ tiêu đạt đến đâu chưa đo lường được. Các bộ có triển khai thực hiện nhưng chậm, kế hoạch hành động không đúng mục tiêu. Việc thực hiện cải cách môi trường kinh doanh nằm trong quyền cấp bộ, nếu các bộ trưởng xắn tay vào là xong.

TS. Nguyễn Đình Cung,
Viện trưởng CIEM

Báo cáo tình hình thực hiện NQ19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do CIEM thực hiện đã ghi nhận kết quả bước đầu về cải cách thể chế trong năm 2014 dựa trên các chỉ số Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, chỉ tiêu khởi sự kinh doanh cải thiện 72 bậc, bảo vệ nhà đầu tư cải thiện 105 bậc, tiếp cận điện năng cải thiện 12 bậc, nộp thuế, bảo hiểm cải thiện 27 bậc.

Nhưng mức độ cải thiện đang tập trung vào lĩnh vực cải cách thể chế, cụ thể Luật DN 2014 yêu cầu thời gian đăng ký kinh doanh 3 ngày; Thông tư 33/2014/TT-BCT quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng (khoảng cách so với yêu cầu NQ19 là 15 ngày); Thông tư 26/2015/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, quản lý thuế và hóa đơn yêu cầu giảm 380 giờ nộp thuế/năm; Quyết định 1018/QĐ-BHXH yêu cầu giảm 100 giờ nộp bảo hiểm/năm…

Báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh 2015 được WB công bố cho thấy tại Việt Nam thời gian khởi sự kinh doanh 34 ngày, trong đó thời gian đăng ký kinh doanh 14 ngày; tiếp cận điện năng 115 ngày; nộp thuế, bảo hiểm 872 giờ; thông quan hàng hóa qua biên giới với hoạt động xuất khẩu 21 ngày, nhập khẩu 21 ngày; giải quyết thủ tục phá sản DN 60 tháng.

Trong khi đó, NQ19 đặt mục tiêu trong năm 2015 cải thiện môi trường kinh doanh đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN 6, trong đó thời gian nộp thuế và bảo hiểm không quá 171 giờ (thuế 121,5 giờ, bảo hiểm 49,5 giờ); tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt trên 90%; thời gian thông quan biên giới tối đa 13 ngày với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày với hàng hóa nhập khẩu; thời gian khởi sự kinh doanh 6 ngày; tiếp cận điện năng với lưới điện trung áp không quá 36 ngày; giải quyết thủ tục phá sản DN không quá 30 tháng.

Kết quả rà soát điều kiện kinh doanh của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) thời gian qua cho thấy trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 198 ngành nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; 69 ngành nghề kinh doanh cần có chứng chỉ hành nghề hoặc thẻ hành nghề; 31 ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, tiền ký quỹ. Tương ứng với 267 ngành nghề trên là 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó có 3.299 điều kiện kinh doanh hiện đang quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ.

Theo Luật Đầu tư 2014, chỉ có Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới có quyền ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh. Do vậy, gần 3.300 điều kiện kinh doanh tại các thông tư, quyết định cấp bộ hoặc tương đương sẽ bị bãi bỏ và hết hiệu lực kể từ ngày 1-7. Trong báo cáo cải thiện môi trường kinh doanh trình Chính phủ vào cuối tháng 6, Bộ KH-ĐT sẽ kiến nghị Chính phủ bãi bỏ hàng ngàn điều kiện kinh doanh trái luật này. Theo đó, các bộ có nhiều điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ là Bộ Tài chính 497 điều kiện; Bộ Công Thương 488 điều kiện; Bộ NN-PTNT 398 điều kiện; Bộ Y tế 466 điều kiện; Bộ GT-VT 319 điều kiện và NHNN 288 điều kiện.

NQ19 cũng yêu cầu 10 bộ, ngành rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm trong năm nay.

Các tin khác