Băn khoăn phố đi bộ

Lần đầu tiên Việt Nam có phố đi bộ. Nhưng xem ra công trình này đang gây nhiều băn khoăn, bởi từ khi khánh thành đến nay, mọi người đến đây ít đi bộ mà chỉ tổ chức tụ họp, vui chơi, ăn uống.

Lần đầu tiên Việt Nam có phố đi bộ. Nhưng xem ra công trình này đang gây nhiều băn khoăn, bởi từ khi khánh thành đến nay, mọi người đến đây ít đi bộ mà chỉ tổ chức tụ họp, vui chơi, ăn uống.

1. Nằm ngay trung tâm TP, quảng trường trước tượng đài Bác Hồ (phố đi bộ Nguyễn Huệ) được UBND TPHCM đưa vào sử dụng dịp 30-4 sau 7 tháng thi công. Đây được xem là quảng trường đẹp và hiện đại nhất Việt Nam với chiều dài 640m, rộng 64m, kéo dài từ UBND TPHCM đến bến Bạch Đằng.

Đối với nhiều nước, người dân thường tận dụng để được đi bộ, thư giãn, vận động cho khỏe mạnh, nhưng ở Việt Nam, dù đi vài chục mét người dân cũng thường đi xe máy. Đồng ý đi xe máy sẽ tiết kiệm được thời gian so với đi bộ, nhưng ngược lại sẽ gây ô nhiễm môi trường, và điều quan trọng hơn người dân Việt Nam đang dần mất thói quen tốt, đi bộ mỗi ngày. Nếu bỏ ra mấy phút để tiết kiệm thời gian so với việc bỏ ra hàng giờ đồng hồ và tiền của, công sức để điều trị sức khỏe sau này, ắt hẳn ai cũng biết cái lợi nghiêng về phía nào.

Một không gian lý tưởng để người dân TP thư giãn sau ngày làm việc. Ảnh: LONG THANH

Một không gian lý tưởng để người dân TP thư giãn sau ngày làm việc.
Ảnh: LONG THANH

Có mặt tại phố đi bộ lúc 5 giờ chiều, nắng đã bắt đầu nhẹ kèm theo làn gió thoảng từ dòng sông Sài Gòn thổi vào làm dịu đi hơi nóng của ngày hè oi bức. Nhiều người thong thả đi ngắm những tòa nhà cao tầng lung linh. Có nhiều em nhỏ mang theo xe trượt, giày trượt thoải mái chạy nhảy, đuổi bắt nhau trên đường phố. Còn người lớn, các bạn thanh niên ít đi lại mà ngồi nhiều.

Giữa phố đi bộ ngắn ngủn có hàng chục nhóm ngồi túm năm, tụm bảy, trải dài từ bên này sang bên kia đường, không phân biệt đâu là làn đường đi lên hay đi xuống. Không chỉ ngồi nói chuyện, tâm sự, nhóm nào cũng mang theo đồ ăn, thức uống trải ra giữa đường rồi thoải mái nhâm nhi, chè chén. Thỉnh thoảng lại bắt gặp một vài nhóm tổ chức sinh nhật cho bạn bè, người thân, hát hò tưng bừng cả một khu vực.

Và sau khi tiệc tàn, những đống rác với vỏ chai, hộp xốp, bao ni lông, thức ăn… nằm lăn lóc ở trên đường, thân phận phụ thuộc vào chiều gió bay. Mặc dù mang theo đồ ăn, nước uống là quyền tự do của mỗi người, nhưng với ý thức bảo vệ môi trường kém như vậy không biết phố đi bộ sẽ còn được bao lâu, và còn nhiều người đến trong thời gian tới khi mùi hôi, bẩn bốc lên mà không có ai dọn dẹp, giữ gìn môi trường chung.

2. Ông Phùng Văn Phú, 57 tuổi, sống ở quận 3, thỉnh thoảng lại ra dạo mát, tản bộ bất bình: "Giờ đi đến đâu cũng gặp cảnh người người, nhà nhà tụ tập ăn uống, phố đi bộ ngồi ăn uống xả rác tràn lan như vậy xem ra không còn gì đặc biệt nữa. Mọi người nên xây dựng thói quen đi bộ, giữ gìn vệ sinh chung nếu không sẽ trở thành nơi ăn uống, tụ tập như những nơi bình thường".

Ngay từ khi đưa vào hoạt động, UBND TPHCM đã có quyết định cấm buôn bán tràn lan, do vậy các cửa hàng 2 bên đường hầu hết đều đóng cửa lúc đêm bởi trước giờ ở đây thường kinh doanh những mặt hàng thời trang hay các công ty làm giờ hành chính và khách sạn. Chung quanh phố đi bộ chỉ rải rác 2, 3 quán cà phê nhưng đều thuộc dạng phục vụ khách “vip” vì vậy ít người ghé vào.

Cũng bởi thực tế đó, khi người dân đi bộ có nhu cầu đương nhiên các gánh hàng rong lại có cơ hội kinh doanh, buôn bán. Và cứ thế hàng rong lại tập trung ở phố đi bộ ngày càng nhiều với đủ mẹo chào mời. Khoảng 6 giờ chiều, các gánh hàng rong bắt đầu tập trung 2 bên đường, bởi từ 7 giờ tối các xe đi lại đều bị cấm lưu thông trong phạm vi của phố đi bộ. Đa phần các mặt hàng là đồ chơi trẻ em, nước uống, trái cây, đồ ăn vặt… được người bán ngụy trang khá kỹ lưỡng. Người để trong ba lô, người để giỏ xách... để che mắt bảo vệ, dân phòng. Rồi cứ thế người bán hàng thản nhiên đến từng người, từng nhóm chào mời.

Với tâm lý nhiều người, buôn bán những nơi đông người qua lại, đặc biệt những người có nhu cầu ăn uống, vui chơi lại không tốn tiền thuê mặt bằng nên cơ hội bán được nhiều hàng càng cao. Một anh bán bánh tráng trộn cho biết: “Chỗ nào cũng cấm hàng rong, đặc biệt đây lại là phố đi bộ, là chủ trương xây dựng của TP. Nhưng biết làm sao được, miễn là bán đắt khách, có lời mình chịu lén lút chút cũng không sao. Bảo vệ đuổi thì chạy ra, còn không bị phát hiện bán tiếp, người người, nhà nhà đều vậy chứ đâu riêng gì mình”.  

Phố đi bộ lung linh nhạc nước nghệ thuật. Ảnh: CAO THĂNG

Phố đi bộ lung linh nhạc nước nghệ thuật. Ảnh: CAO THĂNG

3. Một, hai, ba, rồi nhiều người bán hàng có suy nghĩ như anh bán bánh tráng trộn cộng thêm ý thức của người dân còn kém, liệu phố đi bộ, công trình xây dựng gần 430 tỷ đồng sẽ sạch đẹp, tồn tại được bao lâu. Thiết nghĩ việc cầm một cái vỏ chai, hộp xốp… bỏ vào thùng rác đâu có mất nhiều công sức, chưa kể rác này lại do chính mình xả ra.

Nói như vậy không có nghĩa vơ đũa cả nắm, nhưng rất nhiều người mặc dù biết việc làm của mình không đẹp, nhưng vẫn làm với thái độ vô tư. Song muốn hòa nhập tốt, cải thiện tốt và để lại ấn tượng tốt trong mắt du khách, bạn bè thế giới năm châu, trước hết mỗi cá nhân chúng ta phải ấn tượng và hãnh diện được với chính mình trước.

Để thực hiện được điều đó, mỗi người nên nghiêm khắc với bản thân mình hơn, thay đổi ý thức bảo vệ môi trường cho gia đình và toàn xã hội, góp phần xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh. Đặc biệt là những nơi dành cho cộng đồng, xã hội như ở phố đi bộ. Có như thế phố đi bộ mới có thể ngày một sạch sẽ và mang ý nghĩa đúng với cái tên UBND TP và mọi người đang cố gắng xây dựng.

Các tin khác