Đừng để lợi bất cập hại

Trong số báo mới đây, ĐTTC có bài viết phản ánh việc Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ nhiều phương án chuyển nhượng quyền khai thác các sân bay, cảng biển. Nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ mối quan tâm và đặt vấn đề muốn mua một số dự án như cảng Quảng Ninh, Hải Phòng, Sài Gòn, Nha Trang; nhà ga T1 sân bay Nội Bài, sân bay Phú Quốc, nhà ga sân bay Đà Nẵng...

Trong số báo mới đây, ĐTTC có bài viết phản ánh việc Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ nhiều phương án chuyển nhượng quyền khai thác các sân bay, cảng biển. Nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ mối quan tâm và đặt vấn đề muốn mua một số dự án như cảng Quảng Ninh, Hải Phòng, Sài Gòn, Nha Trang; nhà ga T1 sân bay Nội Bài, sân bay Phú Quốc, nhà ga sân bay Đà Nẵng...

Mới đây, Thủ tướng đã chính thức giao Bộ GTVT hoàn thiện đề án huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng hướng, bởi theo tính toán đến năm 2020 nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nước ta lên đến 1 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, vốn ngân sách, vốn ODA và trái phiếu chính phủ chỉ đáp ứng được 30%, còn lại phải huy động xã hội hóa để thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, tại cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tuần trước ở Hà Nội, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng nếu khung pháp lý chưa đầy đủ, việc bán hay chuyển nhượng cảng biển, sân bay sẽ lợi bất cập hại. Bởi lẽ đây là những vấn đề rất mới ở Việt Nam, chưa có thể chế để điều tiết; đồng thời phải trả lời hàng loạt câu hỏi đặt ra là chuyển nhượng cơ sở hạ tầng đó với giá nào, thiết lập thị trường ra sao để đảm bảo công khai, minh bạch, mọi người giám sát được, tránh thất thoát tài sản công…?

Đặc biệt, việc tránh độc quyền sau khi xã hội hóa đầu tư hạ tầng là điều cần được quan tâm nhất khi chuyển nhượng. Theo đó, phải xây dựng thể chế quy định về mặt kinh tế cho thị trường này vận hành. Thí dụ quy định người sở hữu sân bay không được là các hãng hàng không đang được các nước đã xã hội hóa hạ tầng thực hiện triệt để nhằm tránh tình trạng sân bay của một hãng, nhất là ở các sân bay lớn.

Trong báo cáo đánh giá bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị cần tổng kết, đánh giá việc thí điểm chủ trương xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục và GTVT, có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn tình trạng độc quyền, bảo đảm cho người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ với chi phí rẻ hơn, chất lượng tốt hơn.

Theo ủy ban này, việc nhượng quyền khai thác công trình giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không cần tính toán thận trọng, kỹ lưỡng, phải có tầm nhìn chiến lược và xây dựng đề án được các cấp thẩm quyền phê duyệt và không làm tăng gánh nặng chi phí dịch vụ quá sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp.

Do việc bán sân bay, cảng biển chưa có tiền lệ và có nhiều yếu tố vượt ra khỏi khuôn khổ chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng như hoạt động bán tài sản nhà nước, nên cần thực hiện thí điểm trước khi nhân rộng mô hình này. Sau khi có tổng kết thí điểm cần xây dựng khuôn khổ pháp lý quy định rõ hình thức chuyển nhượng quyền khai thác từ Nhà nước sang tư nhân.

Có vậy, việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông mới thực sự phát huy hiệu quả, không rơi vào tình cảnh lợi bất cập hại như nhiều chuyên gia cảnh báo.

(Hà Nội)

Các tin khác