Nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế

Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội được thống nhất nhận định tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát (CPI) tháng 5 tăng 0,16%, 5 tháng tăng 0,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục xu hướng tăng và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, 5 tháng tăng 9,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tiếp tục tăng cao và đạt 9,05%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/5 tăng 4,26%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt  4,95 tỷ USD, tăng 7,6%; vốn ODA giải ngân đạt 749 triệu USD, tăng 11,8%.
 

Hôm qua 27-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2015. Có thể nói, bức tranh kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015 đã được đánh giá khá rõ nét.

Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội được thống nhất nhận định tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát (CPI) tháng 5 tăng 0,16%, 5 tháng tăng 0,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục xu hướng tăng và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, 5 tháng tăng 9,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tiếp tục tăng cao và đạt 9,05%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/5 tăng 4,26%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt  4,95 tỷ USD, tăng 7,6%; vốn ODA giải ngân đạt 749 triệu USD, tăng 11,8%.

Tuy nhiên, nhiều khó khăn nổi lên thời gian qua như sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhất là Nam Trung bộ và Tây nguyên; tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn, nhất là gạo, cao su, trái cây, ảnh hưởng đến đời sống nông dân.

Xuất khẩu của khu vực trong nước giảm 2,7%; khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2014... Từ đó, các yêu cầu cấp thiết được đặt ra, như các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình hạn hán ở miền Trung và Tây nguyên, triển khai kịp thời các phương án bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống của người dân.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho nông dân, nhất là về tiêu thụ nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; Bộ Công Thương nghiên cứu đánh giá tình hình xuất khẩu suy giảm của khu vực kinh tế trong nước để kịp thời có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu…

Dịp này nhiều vấn đề nóng trong 5 tháng qua đã được đưa ra phân tích, tìm giải pháp khắc phục, như vấn đề mới 5 tháng đầu năm 2015, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá hết biên độ 2%, từ nay đến cuối năm, có thể vẫn còn các yếu tố tác động tới sự ổn định của tỷ giá, vậy cơ chế điều hành tỷ giá sẽ tiếp tục như thế nào, ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết từ đầu năm 2015, trên cơ sở phân tích, dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, NHNN đã đề ra định hướng điều hành tỷ giá không quá 2%.

5 tháng qua, căn cứ vào thực tiễn, NHNN đã 2 lần điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Sau 2 lần điều chỉnh tỷ giá, thị trường ngoại tệ và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định theo mục tiêu điều hành. Về tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ 2015 dự kiến chiếm khoảng 16,1% so với tổng thu ngân sách, tăng so với 2 năm trước đó, Bộ trưởng Nên cho biết tại Báo cáo 221/BC-CP ngày 18-5-2015 của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, khóa 13, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 12,6%; năm 2014 là 13,8% và năm 2015 dự kiến khoảng 16,1%. Như vậy, tỷ lệ này vẫn ở dưới mức quy định không quá 25%.

Chính phủ đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 14-2-2015 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, trong đó có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các khoản vay mới để chủ động bảo đảm nghĩa vụ trả nợ trong tương lai trong giới hạn cho phép.

Từ những thuận lợi, khó khăn trên, về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô. Theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời. NHNN bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý trong năm theo chỉ tiêu cả năm đã đề ra; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; bảo đảm điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định và theo tín hiệu thị trường.

Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, giải ngân các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách; phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội. Đặc biệt, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, trong đó, triển khai đồng bộ các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; bảo đảm sự phục hồi vững chắc của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.

Về tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng lưu ý tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước, trong đó đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch, phương án đã được duyệt của từng bộ, ngành, địa phương.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để bảo đảm thực hiện theo đúng lộ trình. Đồng thời tiếp tục xử lý các khó khăn, vướng mắc trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. “Cổ phần hóa không phải là lấy tiền về cho ngân sách nhà nước mà quan trọng là nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Các tin khác