Cải cách không làm méo mó thị trường

Báo cáo nghiên cứu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và biến dạng thị trường được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố sáng 27-5 tại Hà Nội, cho thấy hiện có khoảng 800 DNNN với tổng giá trị tài sản 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 80% GDP, vốn chủ sở hữu 1,1 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 180.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 30% GDP hàng năm. Điều đáng lưu ý là nguồn lực khổng lồ này chỉ tập trung vào 8 tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu.

Báo cáo nghiên cứu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và biến dạng thị trường được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố sáng 27-5 tại Hà Nội, cho thấy hiện có khoảng 800 DNNN với tổng giá trị tài sản 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 80% GDP, vốn chủ sở hữu 1,1 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 180.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 30% GDP hàng năm. Điều đáng lưu ý là nguồn lực khổng lồ này chỉ tập trung vào 8 tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu.

 

Khu vực DNNN hiện có vị trí quan trọng tại nhiều quốc gia, tuy nhiên quy mô và đóng góp của khu vực DNNN vào cơ cấu GDP lại rất khác nhau giữa các nước. DNNN tại các nước châu Phi đóng góp khoảng 15%, tại châu Á khoảng 8%, khu vực Mỹ Latin khoảng 6% GDP. Tại các nước phát triển (OECD) quy mô và tài sản của DNNN chỉ tương đương 15% GDP.

Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nên giảm quy mô, số lượng DNNN xuống còn 30 với mức đóng góp GDP 5-8% là phù hợp. Dù khác nhau về quy mô tài sản, tỷ lệ đóng góp GDP hàng năm, nhưng khu vực DNNN tại Việt Nam và các nước trên thế giới đều chi phối, cung cấp nhiều dịch vụ quan trọng như hạ tầng, tài chính, dầu khí, gas, điện, khoáng sản, dịch vụ viễn thông, vận tải hàng không, đường sắt…

TS. Phạm Đức Trung, Phó trưởng Ban Cải cách và phát triển DN (thuộc CIEM), cho biết từ năm 2013 đến nay hệ thống văn bản luật đã nỗ lực đặt DNNN trong một khuôn khổ chung với khu vực DN tư nhân. Nhưng cách thực thi và ứng xử của Nhà nước và các chủ thể khác đã tạo ra nhiều ưu thế, đặc quyền, đặc lợi cho một bộ phận DNNN trong các lĩnh vực như gia nhập thị trường, hoạt động trên thị trường và rút khỏi thị trường.

Nghiên cứu của CIEM cũng chỉ ra 14 biểu hiện làm méo mó thị trường của khu vực DNNN, như làm tăng chi phí và tạo rào cản gia nhập thị trường; được ưu tiên cấp vốn vay, cấp vốn đầu tư từ ngân sách, ưu thế tiếp cận đất đai, chưa tính đúng tính đủ chi phí, cơ chế định giá trên thị trường; nhiều DNNN yếu kém được Nhà nước trả nợ thay, giải cứu trước nguy cơ phá sản…

Cụ thể, trong lĩnh vực tiếp cận các nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản, DNNN luôn được ưu đãi hơn khu vực tư nhân. Hàng năm khu vực DNNN luôn được cấp vốn đầu tư từ ngân sách, thể hiện qua các năm như sau: 5.757 tỷ đồng (2012), 751,5 tỷ đồng (2013), 2.286,5 tỷ đồng (2014), 1.473 tỷ đồng (2015).

Sau 30 năm đổi mới, việc tái cơ cấu DNNN vẫn là câu chuyện thời sự, vẫn cần xem lại vai trò, chức năng của khu vực DN này. Để đưa nền kinh tế thị trường của Việt Nam đến một nấc cao hơn, không có cách nào khác ngoài việc thực hiện tái cơ cấu DNNN. Nhiều nước tách rõ ràng giữa quản lý nhà nước và chủ sở hữu nhà nước tại DNNN, đồng thời áp đặt ngân sách cứng và kỷ luật thị trường với khu vực DNNN.

TS. Nguyễn Đình Cung,
Viện trưởng CIEM

Bên cạnh đó, khu vực này cũng có lợi thế trong tiếp cận các nguồn vốn vay thương mại từ sự bảo lãnh của Nhà nước. Đến hết quý I-2014 tổng nợ vay ngân hàng thương mại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) khoảng 500.000 tỷ đồng. Không chỉ vậy, khu vực DNNN luôn chiếm ưu thế trong vay nợ nước ngoài phục vụ hoạt động kinh doanh đầu tư phát triển. Phần lớn nguồn vay nợ nước ngoài của DN Việt Nam dành cho các TĐ, TCT.

Tổng dư nợ nước ngoài của DNNN đến hết năm 2014 là 325.936 tỷ đồng, trong đó vay tự trả 24%, vay lại từ Chính phủ 38%, Chính phủ bảo lãnh vay 38%. Trong tiếp cận nguồn lực đất đai, theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương, ước tính DNNN đang nắm giữ 70% mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Một số DNNN như TĐ Than khoáng sản Việt Nam, TĐ Công nghiệp Cao su Việt Nam, các nông lâm trường… vừa trực tiếp sử dụng, vừa là đầu mối trung gian thực hiện một phần chức năng quản lý nhà nước về đất đai. Theo TS. Phạm Đức Trung, những lợi thế trong tiếp cận nguồn lực của khu vực DNNN thời gian qua đã làm thị trường thiếu động lực cạnh tranh, làm biến dạng các loại thị trường do DNNN thống lĩnh.

Một nhân tố khác trong hoạt động của khu vực DNNN đang dẫn đến sự méo mó của thị trường hiện nay là chế độ hạch toán chưa tạo điều kiện để DNNN tính đúng, tính đủ chi phí, làm sai lệch quan hệ cạnh tranh bằng giá cả. Điều này biểu hiện qua kỷ luật tài chính tại các DNNN, năm 2013 có 41/108 TĐ, TCT có nợ phải trả lớn gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

Tổng dư nợ phải trả của khu vực DNNN lên đến 1,7 triệu tỷ đồng. Điều đáng nói, dường như DNNN đang thiếu áp lực về gia tăng lợi nhuận, trước năm 2013 trừ TĐ Dầu khí quốc gia Việt Nam, hầu hết lợi nhuận của DNNN được giữ lại để bổ sung cho vốn điều lệ hoặc chi cho đầu tư phát triển. 2013 là năm đầu tiên thu ngân sách có khoản thu từ lợi nhuận kinh doanh của DNNN, nhưng trong khi lợi nhuận của các DNNN đạt trên 137.000 tỷ đồng, ngân sách chỉ thu được gần 30.000 tỷ đồng từ 20 TĐ, TCT.

Nguyên nhân của thực trạng trên được chỉ ra do sự đối xử khác biệt giữa DNNN với khu vực DN khác. Từ đó dẫn tới thị trường không cạnh tranh công bằng, hiệu quả, đưa đến những tín hiệu thị trường sai lệch và kéo theo sự phân bổ nguồn lực không đúng chỗ.

Từ góc nhìn cá nhân, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nêu quan điểm câu chuyện DNNN có gốc rễ xa hơn. Cần làm rõ lĩnh vực nào Nhà nước can thiệp, lĩnh vực nào để thị trường quyết định. Từ đó đưa ra mục tiêu DNNN phải đảm bảo trong mỗi lĩnh vực. Không nên để DNNN xuất hiện ở khắp mọi nơi, làm mọi lĩnh vực, xuất hiện ở mọi chỗ…

Một chuyên gia kinh tế thẳng thắn cho rằng cải cách DNNN rất khó, vì từ khi đổi mới đến nay cứ loay hoay làm mãi không thoát ra. Bây giờ muốn giải quyết vấn đề kinh tế cần giải quyết được cả các vấn đề ngoài kinh tế. Yêu cầu cấp thiết hiện nay phải cải cách DNNN mới phát triển được khu vực tư nhân. Dư địa phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ không còn nếu không quyết liệt cải cách DNNN để tạo động lực phát triển mới.

Các tin khác