Cần nghị quyết riêng về CPH DNNN

Một trong những nội dung quan trọng tại báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra tuần qua, chính là vấn đề liên quan đến cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trao đổi với ĐTTC về nội dung này, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng:

Một trong những nội dung quan trọng tại báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra tuần qua, chính là vấn đề liên quan đến cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trao đổi với ĐTTC về nội dung này, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng:

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết riêng về CPH DNNN để bảo đảm hiệu quả của quá trình CPH, tăng cường giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ đã xác định, trong năm 2015 phải CPH 289 DNNN để hoàn thành kế hoạch CPH 432 DNNN trong giai đoạn 2011-2015.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm xác định đúng giá trị DN CPH, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát DNNN; đẩy mạnh thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ; giảm tỷ lệ vốn nhà nước trong các DN mà Nhà nước không cần giữ chi phối; cổ phần hóa DNNN cần bám sát nguyên tắc thị trường và định hướng thị trường.

Tôi cho rằng nếu Quốc hội có nghị quyết riêng về vấn đề CPH DNNN sẽ tạo được sự đồng thuận cao hơn. Nhất là hiện nay chúng ta đang chuyển sang xã hội hóa cảng biển, cảng hàng không, liên quan đến dịch vụ công. Đây là vấn đề đang được nhiều người dân quan tâm, lo lắng. Nếu Quốc hội có nghị quyết, tôi nghĩ sẽ có những thuận lợi hơn trong thực hiện các chương trình lớn như vậy.

Ông Vũ Viết Ngoạn

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, tính hiệu lực của nghị quyết sẽ không cao bằng luật. Và thực tế đã cho thấy nhiều nội dung tại các Nghị quyết của Quốc hội đã không được thực hiện nghiêm?

Ông VŨ VIẾT NGOẠN: - Nếu để ban hành một luật như vậy sẽ mất nhiều thời gian, trong khi đó để cho ra đời một nghị quyết sẽ nhanh hơn. Bên cạnh đó, do nội dung cũng chỉ là cụ thể hóa một số vấn đề đã được đưa ra trước đó, nên tôi cho rằng chỉ cần ban nghị quyết là được.

Mặt khác, nghị quyết nếu có cũng sẽ thể hiện quan điểm riêng của Quốc hội về vấn đề này. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc tái cơ cấu cần phải tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; coi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ khoa học, công nghệ cao là nhân tố quyết định để tăng năng suất lao động; phấn đấu đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội theo nghị quyết của Quốc hội.

Cùng với đó là yêu cầu giảm tỷ lệ vốn nhà nước trong các DN mà Nhà nước không cần giữ chi phối; tăng cường giám sát tài chính, giám sát hoạt động và đổi mới đội ngũ lãnh đạo quản lý DN góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

- Lộ trình CPH DNNN giai đoạn 2011-2015 đã đi gần hết chặng đường, nhưng hiện nay mới chỉ có đề xuất về việc ra một nghị quyết hoặc luật, theo ông, liệu có muộn không?

- Muộn còn hơn không bao giờ. Trong vấn đề này, tôi nghĩ không bao giờ là muộn. Bởi lẽ, nghị quyết nếu có sẽ không chỉ liên quan đến việc CPH, mà còn có những nội dung về chuyển nhượng quyền khai thác mà hiện nay đang dự định thí điểm.

Bên cạnh đó, CPH là cả một chương trình lớn, nằm trong Nghị quyết của Đảng. Chính vì vậy, giai đoạn hiện nay CPH DNNN đang được đẩy mạnh hơn, quyết liệt hơn sẽ hợp lý nếu có Nghị quyết riêng của Quốc hội. Điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện.

- Việc CPH DNNN thời gian tới sẽ tập trung nhiều vào các DNNN có tài sản lớn. Theo ông, Quốc hội có nên có giám sát chuyên đề về tài sản của Nhà nước tại các DN hay không?

- Đúng là Quốc hội nên có giám sát chuyên đề như vậy. Từ đó có thể đưa ra những yêu cầu để các bên thực hiện tốt hơn.

- Từ nay đến hết năm, cả nước sẽ còn phải CPH khoảng 289 DN. Nếu so với mục tiêu của giai đoạn 2014-2015, thời gian qua việc CPH DNNN diễn ra quá chậm. Là người từng trải qua các cương vị từ DN, cơ quan lập pháp và nay là cơ quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, ông nhìn nhận gì về sự chậm trễ này?

- Việc chậm CPH DNNN có nhiều lý do. Thứ nhất là quyết tâm chính trị, mà trực tiếp là của các cơ quan liên quan, DN chưa cao và vấn đề này đến gần đây mới được đẩy mạnh tới cấp bộ, tập đoàn, tổng công ty. Tất nhiên, việc chậm cũng có lý do việc CPH các DN rất phức tạp nên khó tránh khỏi việc ngại ngần trong thực hiện, thậm chí tìm hướng khác.

Bên cạnh đó, các quy định, chính sách liên quan đến CPH như đánh giá lại tài sản, trong đó có đất đai có những khó khăn nhất định. Ngoài ra, thị trường chứng khoán giai đoạn hiện nay chưa có sự phát triển mạnh như đã từng xảy ra trong quá khứ nên việc phát hành, huy động vốn có những khó khăn nhất định. Điểm cuối cùng là cách thức liên quan đến chủ trương CPH.

Nếu chỉ CPH bằng cách bán cổ phần ra bên ngoài 5-7% sẽ không tạo điều kiện để thu hút vốn chiến lược trong, ngoài nước. Bán cổ phần với khối lượng nhỏ như vậy chỉ tạo cơ hội cho những nhà đầu tư lướt sóng còn những nhà đầu tư lâu dài chưa có sự an tâm. Bên cạnh đó, cũng cần phải có giải pháp để có thể thu hút nhà đầu tư chiến lược trước khi thu hút vốn công chúng trên thị trường. Đó chỉ là các trình tự về mặt kỹ thuật và hoàn toàn có thể xử lý được.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác