Xử lý nợ xấu và “của để dành”

Nợ xấu của Vietcombank tăng trở lại sau khi kết thúc quý I-2015 trong khi lợi nhuận sụt giảm nhẹ. Kết quả sẽ bất ngờ nếu không nhìn kỹ vào quy mô trích lập dự phòng 1.517 tỷ đồng - được xem như “của để dành” về năng lực xử lý nợ xấu - và chưa bán nợ xấu cho VAMC của NH này. Liệu sự tăng lên đáng kể của nhiều NH đang dành cho chi phí này có là dấu hiệu khả quan về một bước xử lý nợ xấu mới.

Nợ xấu của Vietcombank tăng trở lại sau khi kết thúc quý I-2015 trong khi lợi nhuận sụt giảm nhẹ. Kết quả sẽ bất ngờ nếu không nhìn kỹ vào quy mô trích lập dự phòng 1.517 tỷ đồng - được xem như “của để dành” về năng lực xử lý nợ xấu - và chưa bán nợ xấu cho VAMC của NH này. Liệu sự tăng lên đáng kể của nhiều NH đang dành cho chi phí này có là dấu hiệu khả quan về một bước xử lý nợ xấu mới.

Vì sao nợ xấu Vietcombank cao?

 

Gây bất ngờ nhất trong kết quả kinh doanh quý I-2015 của các NH chính là ông lớn Vietcombank. Luôn được giới đầu tư đánh giá khả quan và được xem là một trong những NH tốt nhất Việt Nam hiện nay, nhưng tỷ lệ nợ xấu đến hết tháng 3-2015 của NH này 2,67%, tăng lên đáng kể so với mức 2,31% hồi đầu năm và là mức cao nhất trong số 8 NH đang niêm yết.

Về kết quả hoạt động kinh doanh, thu nhập lãi thuần trong quý của Vietcombank đạt 3.496 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của NH bị sụt giảm 3%, đạt 1.132 tỷ đồng.

Theo báo cáo, tổng tài sản của Vietcombank bị sụt giảm mạnh 6,5%, tương đương 37.000 tỷ đồng, xuống 539.757 tỷ đồng. Sở dĩ có sự sụt giảm này do Vietcombank đã giảm giao dịch liên NH trong thời gian qua. Cụ thể, tiền gửi và cho vay các TCTD khác giảm hơn 50.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014, còn 95.725 tỷ đồng. Kết thúc quý I, Vietcombank tăng trưởng tín dụng đạt 2,3% trong khi huy động vốn tăng 3,3%.

Đáng chú ý Vietcombank đã dành 1.517 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm trước và NH cũng chưa bán nợ xấu cho VAMC trong quý vừa qua. Đây là mức trích lập khá cao so với BIDV chỉ 979 tỷ đồng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của NH.

Tại Đại hội cổ đông 2015, Vietcombank xây dựng kế hoạch lợi nhuận dựa trên chi phí dự phòng trong cả năm 5.500 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng, tương đương 20% so với năm 2014. Lãnh đạo NH cũng dự kiến sẽ bán khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu năm 2015.

Đây là mức thấp nhất so với các NHTM nhà nước. Trong khi đó BIDV dự kiến bán đến 8.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Tính đến thời điểm hiện tại, Vietcombank đang có một khối lượng trích lập dự phòng xử lý nợ xấu lên hơn 8.291 tỷ đồng. Trong số này có 5.840 tỷ đồng là trích lập dự phòng cụ thể, tức dự phòng rủi ro cho nợ xấu.

Với con số trích lập dự phòng này, Vietcombank là NH có tỷ lệ trích lập dự phòng so với nợ xấu cao nhất hiện nay. Thoạt nhìn kết quả kinh doanh đầu năm, Vietcombank có thể gây thất vọng vì sự sụt giảm lợi nhuận và nợ xấu tăng trở lại.

Song, quy mô trích lập dự phòng rủi ro hiện tại của Vietcombank đang chứng tỏ NH hoàn toàn có khả năng xử lý nợ xấu trên bảng cân đối kế toán. Do vậy dù lợi nhuận có sụt giảm nhưng Vietcombank vẫn được đánh giá là NH có sự tăng trưởng bền vững. Hơn nữa, kinh nghiệm thu hồi nợ của Vietcombank đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2014 với 2.460 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2013. Trong đó thu hồi nợ nhóm 5 chiếm 40% tổng số thu nợ xấu.

“Của để dành”

Theo báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII sáng 20-5, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2015 có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó thanh khoản của các TCTD được cải thiện và đạt hiệu quả xử lý nợ xấu. Báo cáo cho biết theo đánh giá của NHNN, tính đến cuối tháng 2-2015 tỷ lệ nợ xấu 3,59%. Như vậy nếu so với  mức 3,25% vào tháng 12-2014, tỷ lệ nợ xấu đang tăng nhẹ trở lại.

Đến nay, phần lớn NH cũng đã công bố số liệu tài chính quý I-2015. Bức tranh chung là lợi nhuận đã được cải thiện đáng kể, nhiều NH tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước. Tình hình nợ xấu vốn được quan tâm nhất, theo báo cáo hầu hết NH đều dưới mức 3%.

Tuy vậy, nhiều nhà băng đang có xu hướng tăng nợ xấu trở lại trong quý đầu năm. Chẳng hạn SHB có gần 2.980 tỷ đồng nợ xấu, tăng 41% so với đầu năm, riêng nợ có khả năng mất vốn tăng 14% lên 1.704 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của SHB cũng tăng từ 2,03% lên 2,67%. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV tăng từ 2,03% lên 2,23%. Tại Sacombank, tỷ lệ nợ xấu tính đến hết quý I là 1,49% trên tổng dư nợ, tăng so với mức 1,18% cuối năm 2014.

Cũng giống với trường hợp của Vietcombank, nhiều NH đang tăng trích lập dự phòng xử lý nợ xấu. BIDV tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 41% so với cùng kỳ trước lên gần 979 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của OCB cũng gấp 4 lần lên 88 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 13 tỷ đồng. MB cũng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gần 763 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tương tự, Sacombank trích lập dự phòng rủi ro 332 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với quý I-2014.

Hầu hết các NH đều tăng mạnh việc trích lập dự phòng trước khi Quyết định 780 ban hành vào tháng 4-2012 hết hiệu lực. Đây là điều cần thiết để các NH chuẩn bị cho việc nợ xấu có thể phát sinh mạnh trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với lợi nhuận của NH cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Nhiều nhận định cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng là giải pháp tối ưu được nhiều NH lựa chọn.

Theo quan điểm của các lãnh đạo trong ngành, họ phải trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hoạt động và cũng là chủ trương của NHNN. Mặt khác, khoản dự phòng rủi ro kia bản chất cũng là “của để dành”, đến một thời điểm nào đó nó có thể thay đổi cục diện kết quả kinh doanh của NH.

Các tin khác