Thú vui sưu tầm cây nắp ấm

Hơn 2 năm nay, thú vui mua, trồng cây nắp ấm được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là các bạn trẻ bởi loài cây này được dùng trang trí nhà cửa, làm thuốc và có hình dạng khá lạ mắt. Nắm bắt được nhu cầu này, sau 4 năm theo học ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, bạn Vũ Nhật Phương không làm đúng ngành mà hướng sang công việc khác phù hợp với sở thích của mình, đó là sưu tầm, mua bán cây nắp ấm.

Hơn 2 năm nay, thú vui mua, trồng cây nắp ấm được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là các bạn trẻ bởi loài cây này được dùng trang trí nhà cửa, làm thuốc và có hình dạng khá lạ mắt. Nắm bắt được nhu cầu này, sau 4 năm theo học ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, bạn Vũ Nhật Phương không làm đúng ngành mà hướng sang công việc khác phù hợp với sở thích của mình, đó là sưu tầm, mua bán cây nắp ấm.

Cây nắp ấm (còn gọi là cây bắt mồi hay cây ăn thịt), có tên khoa học Nepenthes mirabis, là loài cây phân bố nhiều ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Thay vì ra hoa cây nắp ấm lại mọc ra một bộ phận có hình như một chiếc nắp đậy và thông thường có 2 loại bình là bình dài và bình tròn. Chính đặc điểm lạ kỳ này cộng thêm tác dụng chữa bệnh nên cây nắp ấm gần đây đang được nhiều người tìm mua về làm cảnh vừa để làm thuốc. Nắm bắt được xu thế đó, nhiều người đã sưu tầm, mua giống về ươm trồng và bán.

Trong đó, điển hình là anh Vũ Nhật Phương, sinh năm 1991, kết duyên với công việc hấp dẫn từ sự đam mê. Anh Phương cho biết đã đam mê sưu tầm cây cảnh từ năm lớp 8, ban đầu chỉ chơi theo sở thích. Dần dần có một số người thấy lạ nên tới mua một vài chậu về trồng thử. Từ đó, Phương mới tiến hành trồng với số lượng nhiều hơn. Tận dụng diện tích sân thượng của gia đình tại phường 17, quận Gò Vấp để mở rộng quy mô vườn ươm của mình, Phương đã sưu tầm nhiều loại cây khác như phong lan, hoa sứ, nắp ấm…

Và hiện tại anh chỉ tập trung vào cây nắp ấm. Sau một thời gian trồng và nhân giống, thấy có hiệu quả lại được khá nhiều người tìm mua, Phương quyết định tìm thuê một mảnh vườn với diện tích 180m2 và tiến hành dời khu vườn của mình qua đó để tiện cho việc chăm sóc và đi lại.

Chàng trai trẻ đam mêm công nghệ sinh học cho biết ngoài vườn ươm ở TPHCM anh còn có thêm 1 vườn ươm giống rộng 200m2 nữa ở trên huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai để đảm bảo có thể cung cấp đủ các loại giống một cách kịp thời. Việc trồng và chăm sóc cây bắt mồi này rất dễ dàng, không cần bón phân, chỉ tưới nước cây có thể sống khỏe. Do vậy số vốn ban đầu Vũ Nhật Phương bỏ ra chỉ khoảng 10 triệu đồng, đồng thời anh có thể đảm bảo vườn ươm của mình phát triển tốt mặc dù ở xa.

 Khách hàng đến tận vườn để chọn cây nắp ấm tùy sở thích.

Khách hàng đến tận vườn để chọn cây nắp ấm tùy sở thích. 

Theo Phương, việc nhân giống khá đơn giản, chỉ cần chiết nhánh, giâm xuống đất hay chậu kiểng sau vài tháng lên cây non, không tốn công sức, phân bón. Anh chia sẻ thêm: “Những người trồng cây nắp ấm làm cảnh thường theo phương pháp nhân giống bằng hạt hoặc giâm cành. Tuy nhiên, nhân giống bằng hạt gặp nhiều khó khăn. Phải mất khoảng 3 tuần hạt mới nảy mầm, đến lúc cây trưởng thành phải mất 2 năm.

Phương pháp giâm cành tuy có nhanh hơn nhưng cũng phải mất gần 2 tháng cây mới tạo rễ và hơn 3 tháng mới tạo được 1 ấm”. Nắm rõ quy trình và thời gian sinh trưởng của cây nắp ấm, anh Phương thường xuyên tiến hành ươm trồng và nhập cây giống về để có thể cung cấp cho người mua bất cứ lúc nào. Được biết trên thị trường, giá một cây nắp ấm bắt mồi dao động từ khoảng 50.000-700.000 đồng tùy theo từng loại và hình dáng của bình.

Tại khu vườn của anh Phương, thông thường cây loại thường có giá 50.000 đồng. Ngoài ra, một số loại giống khác được nhập từ Thái Lan về có giá tới vài trăm ngàn đồng tùy theo kích thước của cây. Hầu hết việc đặt mua cây đều thực hiện trên ở trên mạng. Theo đó, Phương tạo một trang facebook cây bắt mồi, khách hàng có nhu cầu mua sẽ đặt qua tin nhắn, sau đó sẽ đến tận vườn mua để có thể thoải mái lựa chọn cây theo sở thích của mình. Với phương thức kinh doanh này, trung bình mỗi tháng Vũ Nhật Phương có thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng. Thời điểm này vườn của Phương không đủ cây để cung ứng ra thị trường vì sức mua ngày càng tăng.

Khi được hỏi cụ thể về công dụng bắt mồi của cây nắp ấm, Phương cho biết, thực ra không hẳn là cây nắp ấm có khả năng bắt mồi như mọi người hay nghĩ mà chính xác do cấu tạo kỳ lạ của cây tạo nên sự thú vị. Phía đầu nắp ấm của cây bắt mồi luôn tiết ra một loại chất lỏng giống như mật có khả năng thu hút kiến, gián, sâu, bọ... Sau khi ăn phải mật, chúng ngã vào ấm và không thể bò hoặc bay ra ngoài. Đồng thời, cây sẽ tiết chất nhờn tương tự enzim để phân hủy con mồi chuyển hóa thành chất dinh dưỡng để nuôi cây.

Anh Nguyễn Thành Nam, một khách hàng đang chọn mua cây nắp ấm chia sẻ: “Nhìn cây này khá lạ mắt lại có thể làm cảnh, trang trí. Ngoài ra, nghe nói cây chữa được một số bệnh như vàng da do viêm gan, đau loét dạ dày, tá tràng, sỏi niệu quả, huyết áp cao... nên tôi mua mấy cây về để sẵn trong nhà, vừa để chưng cho đẹp, vừa có nhiều công dụng tốt”.

PGS.TS Bùi Văn Miên (trường Đại học Nông Lâm TPHCM) cho biết: "Cây nắp ấm không chỉ là một loại cây cảnh đang rất được ưa chuộng vì có thể dùng để trang trí trong nhà, quán cà phê do hình dáng rất đẹp, mà còn góp phần tiêu diệt côn trùng và không gây thối rữa. Bên cạnh đó, cây nắp ấm còn có giá trị về y học".

Vũ Nhật Phương cho biết có rất nhiều người có sở thích sưu tầm cây nắp ấm như anh và đã lập ra một hội chuyên sưu tầm cây nắp ấm, bao gồm các thành viên ở TPHCM và một số tỉnh khu vực Nam bộ. Số lượng thành viên có khi lên đến gần 200 người, song hoạt động thường xuyên và có vường ươm, có khả năng cung cấp đủ để bán khoảng 50-70 người.

Các tin khác