Những kiến nghị tâm huyết

Theo đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.854 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Các ý kiến, kiến nghị tập trung vào 6 nội dung cơ bản về tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đời sống nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; giáo dục, đào tạo; y tế; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và việc thực hiện cải cách hành chính.
 

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sáng 20-5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.

Theo đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.854 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Các ý kiến, kiến nghị tập trung vào 6 nội dung cơ bản về tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đời sống nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; giáo dục, đào tạo; y tế; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và việc thực hiện cải cách hành chính.

Cử tri đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau 4 năm thực hiện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số tiêu chí quá cao cho phù hợp với tính chất của các vùng, miền; tăng mức hỗ trợ cho các xã, huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách cho các vùng đặc thù nhằm giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình.

Về tình hình nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp (gạo, dưa hấu, hành tây, vú sữa, hành tím, thanh long, vải thiều, cá tra), tình trạng được mùa, mất giá và ùn ứ hàng hóa trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, cử tri đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 để thực hiện được chức năng nghiên cứu, dự báo thị trường, quy hoạch sản xuất, cung cấp đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.

Phấn khởi trước sự nỗ lực của các ngành, các cấp chung tay xóa đói, giảm nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhưng cử tri còn băn khoăn về quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay là thấp, không còn phù hợp với nhu cầu đảm bảo cuộc sống tối thiểu trên thực tế. Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét, rà soát và điều chỉnh lại chuẩn hộ nghèo sát thực tế hơn; xây dựng chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với thực tế từng vùng, miền, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và cải cách hành chính, rất nhiều ý kiến của cử tri và Nhân dân cả nước cho rằng việc phát hiện và phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế; việc xử lý tham nhũng chưa kịp thời, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp so với quyết định của tòa án; đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và kiên quyết xử lý các đối tượng tham nhũng, lãng phí, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, lãng phí.

Đặc biệt, nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng về chất lượng khám, chữa bệnh, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm đối với người bệnh của một bộ phận nhân viên y tế, bác sĩ; việc cơ sở y tế không niêm yết giá thuốc, giá dịch vụ theo quy định; công tác kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thuốc chữa bệnh chưa được thường xuyên; việc nhập khẩu trang thiết bị y tế cũ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ tiêu chuẩn tại một số bệnh viện; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Cử tri đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền các địa phương tiếp tục có những giải pháp hiệu quả hơn nữa để khắc phục các yếu kém, sai phạm nói trên.

Phản ánh về Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014, nhiều cử tri cho biết còn một số bất cập, như việc bắt buộc mua thẻ bảo hiểm y tế đối với tất cả các thành viên trong hộ gia đình là chưa phù hợp với những hộ gia đình khó khăn về kinh tế, việc phải chứng minh sự tham gia bảo hiểm y tế của từng thành viên trong hộ gia đình khi các thành viên học tập, lao động, công tác ở những nơi khác nhau là phức tạp. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hướng dẫn riêng về việc quy định mua bảo hiểm y tế bắt buộc, tạo điều kiện cho Nhân dân được khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên tùy theo mức độ bệnh của người bệnh…

Cử tri đề nghị Chính phủ và các cơ quan nhà nước tiếp tục giải quyết các kiến nghị tại các kỳ họp Quốc hội trước, như: tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn, giải thể, tạm ngừng hoạt động; tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện còn hạn chế; mất an toàn trong xây dựng các công trình giao thông…

Các tin khác