Nhật-Trung chạy đua ảnh hưởng tại châu Á

Hãng thông tấn Jiji của Nhật Bản đưa tin, hôm nay 21-5, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ công bố kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước châu Á trong 5 năm tới. Động thái của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ra sức vận động cho Ngân hàng Đâu tư hạ tầng châu Á (AIIB) mà Tokyo trước đó từ chối gia nhập.

Hãng thông tấn Jiji của Nhật Bản đưa tin, hôm nay 21-5, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ công bố kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước châu Á trong 5 năm tới. Động thái của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ra sức vận động cho Ngân hàng Đâu tư hạ tầng châu Á (AIIB) mà Tokyo trước đó từ chối gia nhập.

Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đích thân công bố kế hoạch này. Số tiền 100 tỷ USD của Tokyo tương đương với số vốn được dự báo của AIIB, định chế tài chính Trung Quốc cùng hơn 50 quốc gia thành viên sáng lập khác đang thiết lập.

Theo Jiji, Chính phủ Nhật Bản muốn đóng góp cho việc phát triển các cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á thông qua việc phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao kỹ thuật, đồng thời củng cố vị thế của mình trước tham vọng của Trung Quốc tại khu vực.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã tuyên bố Tokyo soạn thảo một kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng của châu Á. Số tiền viện trợ này vừa từ ngân sách công vừa từ tư nhân, sẽ được chuyển giao thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mà Nhật có đóng góp khá nhiều. Phát triển cơ sở hạ tầng đang là nhu cầu thiết yếu tại châu Á, đặc biệt cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực viễn thông, năng lượng và giao thông. Theo ADB, cần phải đầu tư tổng cộng khoảng 8.000 tỷ USD từ 2010-2020.

Nhật Bản đặt trọng tâm vào châu Á trong lúc Trung Quốc chuẩn bị lăng-xê ngân hàng đầu tư riêng của mình, hiện quy tụ được hơn 50 nước. Quan ngại trước sức mạnh đang lên của Bắc Kinh, Washington cũng như Tokyo đều bày tỏ sự nghi ngờ về tính minh bạch của định chế này, và vai trò của AIIB trước các định chế tương tự đã có.

Theo một số chuyên gia kinh tế, Trung Quốc cảm thấy không thể làm được bất cứ việc gì ở Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nên muốn thiết lập một ngân hàng thế giới riêng mà Bắc Kinh có quyền kiểm soát. Việc thành lập AIIB nhằm thay thế dần trật tự hệ thống tài chính quốc tế vốn đang bị Hoa Kỳ và phương Tây chi phối.

AIIB giúp tăng cường ảnh hưởng trong khu vực và toàn cầu của Trung Quốc. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng AIIB sẽ hậu thuẫn cho các dự án do công nhân Trung Quốc xây dựng, và các hệ thống hạ tầng mới sẽ được sử dụng để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc mà nền kinh tế của Trung Quốc không thể hấp thụ.

Nhật Bản đang có kế hoạch hỗ trợ phát triển hạ tầng các nước châu Á.

Nhật Bản đang có kế hoạch hỗ trợ phát triển hạ tầng các nước châu Á.

AIIB, cùng với quỹ hạ tầng Con đường tơ lụa Bắc Kinh đề xuất và đóng góp 40 tỷ USD và nhiều sáng kiến tài chính khác, sẽ đầu tư cho cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á, bao gồm việc hiện thực hóa Con đường tơ lụa trên bộ (NSR) và Con đường tơ lụa trên biển (MSR) hợp thành một mạng lưới liên kết 3 châu lục Á-Âu-Phi, trong đó Trung Quốc là một trong những trung tâm chính.

Chiến lược này giúp Trung Quốc khai thông các kênh thương mại, vận tải, thúc đẩy phát triển khu vực miền Tây và miền Trung còn chậm phát triển, giải quyết vấn đề dư thừa sản xuất và dư thừa ngoại hối. Thành lập AIIB và hiện thực hóa những NSR hay MSR giúp Trung Quốc cạnh tranh và tạo đối trọng với Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) do Hoa Kỳ đề xướng và chiến lược xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, tái cấu trúc trật tự kinh tế quốc tế, đa dạng hóa đầu tư cũng như đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao uy tín của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Dù lý do gì đi chăng nữa, một điều có thể dễ dàng nhận thấy, châu Á, với vị thế quan trọng của mình, đang trở thành đích đến của những cuộc đua giữa các cường quốc.

(Tổng hợp)

Các tin khác