Đại gia trốn thuế (K3): Nỗ lực kiểm soát

Những mánh lới né thuế, trốn thuế của các đại công ty khiến các chính phủ thất thoát hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD mỗi năm. Vì vậy, làm thế nào để ngăn chặn trốn thuế luôn là mối quan tâm lớn của các nước, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính 2007-2008.

Những mánh lới né thuế, trốn thuế của các đại công ty khiến các chính phủ thất thoát hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD mỗi năm. Vì vậy, làm thế nào để ngăn chặn trốn thuế luôn là mối quan tâm lớn của các nước, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính 2007-2008.

Đại gia trốn thuế (K2): Những chiêu trò

Đại gia trốn thuế (K1): Những nghi án tiền tỷ

Hoa Kỳ

Tháng 10-2009, Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Tuân thủ thuế đối với tài khoản nước ngoài (FATCA) và triển khai từ tháng 3-2010. FATCA được xem là công cụ pháp lý chính của Hoa Kỳ hiện nay để chống lại các hành vi trốn thuế. Theo quy định FATCA, các tổ chức tài chính nước ngoài (FFI) cần phải xác định chủ tài khoản cũng như các tổ chức dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ và cung cấp cho Cục Thuế Hoa Kỳ (IRS) thông tin về tài sản, thanh toán thu nhập và dòng tiền thương mại trong năm tài khóa.

Theo đó, FATCA yêu cầu tất cả định chế tài chính bên ngoài Hoa Kỳ gửi thông tin thường xuyên trên tài khoản tài chính của cá nhân hoặc pháp nhân Hoa Kỳ cho IRS; đồng thời các công dân Hoa Kỳ sống ở bất kỳ đâu, báo cáo về các tài khoản tài chính của họ bên ngoài Hoa Kỳ, các tổ chức tài chính nước ngoài báo cáo cho IRS về khách hàng người Hoa Kỳ của họ.

Theo đó, FATCA yêu cầu công dân Hoa Kỳ có tài sản tài chính nước ngoài với giá trị trên 50.000USD phải báo cáo chi tiết thông tin về tài sản đó theo một mẫu đơn được gắn cùng với tờ khai thuế hàng năm của những người nộp thuế. Việc báo cáo này được áp dụng cho các tài sản nắm giữ trong năm tài chính bắt đầu sau ngày 18-3-2010. Công dân Hoa Kỳ nào không thực hiện sẽ bị phạt 10.000USD, tăng tiếp lên 50.000USD nếu tiếp tục vi phạm.

Ngoài ra, khoản thuế còn thiếu do các tài sản tài chính nước ngoài không khai báo sẽ chịu mức phạt bổ sung 40%. Nếu không tham gia thỏa thuận với IRS, các khoản thanh toán có nguồn gốc liên quan tới Hoa Kỳ của một FFI, bao gồm cổ tức và lợi nhuận do các doanh nghiệp Hoa Kỳ chi trả, sẽ chịu mức thuế khấu trừ 30%. FFI cũng sẽ chịu mức thuế 30% với toàn bộ tiền thu được từ việc bán tài sản liên quan tới Hoa Kỳ.

Để tuân thủ FATCA, các tổ chức tài chính nước ngoài có thể ký thỏa thuận trực tiếp với IRS hoặc các nước đối tác ký thỏa thuận liên chính phủ (IGA) với Hoa Kỳ. Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra 2 mô hình IGA để giảm bớt gánh nặng và hỗ trợ việc thực hiện FATCA tại các nước đối tác.

Dạng mô hình tương hỗ cho phép các FFI báo cáo lên cơ quan chính phủ của nước sở tại trước, sau đó báo cáo lên IRS. Dạng mô hình không tương hỗ cho phép các FFI báo cáo trực tiếp lên IRS. Ủy ban Phối hợp Quốc hội Hoa Kỳ về Thuế ước tính FATCA sẽ tăng nguồn thu từ thuế mỗi năm khoảng 792 triệu USD trong 10 năm tới.

Tuy nhiên, FATCA vẫn còn nhiều lỗ hổng, chẳng hạn không kiểm soát được việc các công ty cố gắng trốn thuế thông qua việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Vì vậy, ngày 22-9-2014, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã thông báo một số quy định mới nhằm vá lại lỗ hổng pháp lý cho phép các công ty trong nước chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài dưới hình thức sáp nhập để trốn thuế.

Trong đó có quy định các công ty nước ngoài cần sở hữu ít nhất 50% cổ phần của các công ty mẹ ở Hoa Kỳ mới được cấp phép làm nơi đặt trụ sở chính. Ngoài ra, bổ sung các điều luật để có thể thu hồi các khoản trốn thuế của các doanh nghiệp nước này trong thời gian qua. Theo luật trước đó, chỉ cần các công ty con sở hữu 20% cổ phần của các công ty mẹ, các công ty mẹ tại Hoa Kỳ được phép chuyển trụ sở chính ra nước ngoài (xem Kỳ 2).

Toàn cầu

Có thế nói FATCA là một bước tiên phong trong nỗ lực chống trốn thuế toàn cầu, dù vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, nhiều nước cũng có những bước đi để cho ra những đạo luật tương tự FATCA của riêng mình, có thể kể đến EU và các nước châu Âu. Ngày 29-10-2014, 51 quốc gia đã ký thỏa thuận chống trốn thuế tại cuộc họp được điều phối bởi Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) diễn ra tại Berlin, Đức.

Mới đây nhất, ngày 11-5, chính phủ Australia đã công bố một dự luật trấn áp việc trốn thuế đối với 30 công ty đa quốc gia. Dự luật chống trốn thuế mới được đưa ra có thể sẽ buộc 30 công ty đa quốc gia phải tái cơ cấu doanh nghiệp của mình trước năm sau. Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey cho hay 30 công ty này đã chuyển lợi nhuận thu được từ Australia sang những quốc gia khác có mức thuế thấp hơn như Singapore và Thụy Sĩ.

Mặc dù từ chối tiết lộ danh tính của những công ty này, nhưng ông Hockey khẳng định bằng chứng tố cáo sai phạm của họ “khá rõ ràng”. Với dự luật chống trốn thuế mới, các công ty sai phạm sẽ phải tiến hành cải cách hoạt động kinh doanh trước năm tới. Ngoài ra là đề xuất buộc những công ty buôn bán sản phẩm kỹ thuật số như sách điện tử cũng phải nộp thuế hàng hóa và dịch vụ. Các công ty trốn thuế sẽ phải chịu mức phạt lên tới 100% số tiền thuế đã trốn.

Liệu những nỗ lực của các chính phủ có thể kiểm soát được hành vi trốn thuế của các đại công ty?

Liệu những nỗ lực của các chính phủ có thể kiểm soát được hành vi trốn thuế của
các đại công ty?

Trên phạm vi rộng hơn, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính G7 (FATF) đã dành nhiều thập niên tìm kiếm cách thức cải thiện minh bạch tài chính để ngăn cản rửa tiền, trốn thuế. Đến năm 2013, OECD đã cho ra đời Kế hoạch Hành động về trụ sở và chuyển lợi nhuận (BEPS), đề ra những điểm mấu chốt cần sửa đổi luật thuế quốc tế.

Cho đến nay, hơn 1/4 các nước trên thế giới (bao gồm tất cả các quốc gia EU, Mexico, quần đảo Virgin thuộc Anh, Bermuda, và quần đảo Cayman) đã ký Thỏa thuận Thẩm quyền đa phương (MCAA), đảm bảo việc trao đổi thông tin tài chính tự động giữa các nước theo lộ trình. Hơn 90% các quốc gia này sẽ bắt đầu thu thập dữ liệu vào tháng 1-2016 và bắt đầu chia sẻ từ tháng 9-2017. Các quốc gia còn lại sẽ bắt đầu thu thập dữ liệu đầy đủ vào năm 2017 và chia sẻ vào tháng 9-2018.

Những đề xuất trong BEPS gồm các nội dung chính: (i) Thiết lập một cơ chế đánh thuế thu nhập doanh nghiệp trên cơ sở hợp tác phù hợp toàn cầu; (ii) Phục hồi đầy đủ hiệu ứng và lợi ích của các chuẩn mực quốc tế; (iii) Đảm bảo tính minh bạch trong khi thúc đẩy sự ổn định và tính có thể dự báo được của chính sách thuế/tài chính; (iv) Thúc đẩy sự tham gia của các chính phủ và triển khai nhanh chóng các biện pháp.

Các tin khác