Khả quan kinh tế vĩ mô

Theo TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, so với báo cáo đánh giá tình hình kinh tế của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, tình hình kinh tế diễn biến từ đầu năm tới giờ tích cực hơn nhiều.

Theo TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, so với báo cáo đánh giá tình hình kinh tế của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, tình hình kinh tế diễn biến từ đầu năm tới giờ tích cực hơn nhiều.

Kinh tế vĩ mô diễn biến tích cực

 

Tại kỳ họp này, về những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ và so sánh với báo cáo tại kỳ họp thứ 8. "Tôi cho rằng, so với báo cáo đánh giá của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, tình hình kinh tế diễn biến từ đầu năm tới giờ tích cực hơn nhiều" - ông Lịch nói.

Cụ thể, những dấu hiệu tích cực có thể thấy trên một số mặt cơ bản như tốc độ tăng trưởng kinh tế, vấn đề ổn định vĩ mô, vấn đề kiểm soát giá cả, củng cố hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước... Tuy nhiên cũng xuất hiện một số vấn đề mới.

Thứ nhất, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, thị trường cho nông sản, giá cả giảm... Điều này cho thấy cần phải xem lại chính sách. Thứ hai, vấn đề nhập siêu xuất hiện trở lại. Hiện mức nhập siêu đã vượt chỉ tiêu 5% kim ngạch xuất khẩu Quốc hội cho phép, phải tính toán lại. Khó khăn nêu trên liên quan đến một vấn đề dài hạn, đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn, đó là việc tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế.

Trong đó, vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ đang quá chậm để có thể chuyển nền kinh tế từ gia công sang sản xuất. Lần này phải bàn rất kỹ vấn đề này để giải quyết cho có căn cơ. Chỉ như thế mới giải quyết được căn bệnh nhập siêu tái phát.

Giải quyết nợ công không nên nóng vội

Nhận định đối với những vấn đề kinh tế vĩ mô dư luận quan tâm như nợ công, nợ xấu của ngân hàng, lãi suất... TS. Trần Du Lịch cho rằng vấn đề nợ công không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Chúng ta đã đặt ra lộ trình đến 2020, đưa tỷ lệ nợ công về mức cho phép. Những năm sau, khi GDP tăng cao, mức độ nợ công so với GDP sẽ giảm xuống.

Đây là vấn đề đã được Chính phủ đặt ra và đang trong lộ trình giải quyết. Mặt khác, Việt Nam là nền kinh tế có tích lũy thấp, dựa vào nguồn thu sẽ không đủ, nếu muốn đầu tư không thể không vay nợ, trong khi yêu cầu phát triển không thể không đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học... Vì vậy, không nên nóng vội, đòi hỏi giải quyết ngay vấn đề nợ công.

Về vấn đề nợ xấu, theo kết quả giám sát mới đây trên địa bàn của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, cho thấy nếu đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu ở mức 3% năm 2015 là đạt được. Cụ thể, khảo sát 12 ngân hàng thương mại cổ phần, tỷ lệ nợ xấu chỉ có 2,45%. Về tín dụng, điều đặc biệt lần đầu tiên trong nhiều năm, 4 tháng đầu năm dư nợ tín dụng tăng trên 4%, trước đây nhiều năm không tăng được. Điều này chứng tỏ dòng vốn đã được khai thông.

Lãi suất tuy còn cao nhưng đã giảm bình quân được 1,5%. Đối với lãi suất trung hạn, lãi suất 5 nhóm ưu tiên ở mức 7% là chấp nhận được. Tuy nhiên, nên giảm 1-2% nữa để khuyến khích các doanh nghiệp tái đầu tư và cũng phù hợp với mặt bằng lạm phát. Thực tế đối với doanh nghiệp hiện nay, vấn đề lớn không phải là lãi suất mà quan trọng họ cần vốn trung hạn để tái đầu tư.

Điều hành của Chính phủ khẩn trương, toàn diện

Khả quan kinh tế vĩ mô ảnh 2Hội nhập là cuộc chơi của doanh nghiệp, do vậy doanh nghiệp phải chủ động vì Nhà nước không làm thay doanh nghiệp. Khi gia nhập WTO có nhiều ý kiến lo lắng nhưng cuối cùng ta được nhiều hơn mất, hội nhập sắp tới cũng thế. Về phía Chính phủ, phải minh bạch chính sách, phải rõ ràng. Nên tập trung vào triển khai chương trình hành động đã đề ra, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp về thông tin, cam kết nào đã xong cần công bố cho doanh nghiệp biết, đồng thời thông tin cho doanh nghiệp những chính sách dự kiến, những tính toán vĩ mô...
Khả quan kinh tế vĩ mô ảnh 3

TS. Trần Du Lịch

Đánh giá về công tác điều hành của Chính phủ, TS. Trần Du Lịch cho biết ông rất ấn tượng việc Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 01 với những giải pháp tương đối toàn diện và triển khai nghị quyết cũng rất khẩn trương. Đặc biệt, Chính phủ rất mạnh dạn và nhanh chóng ban hành Nghị quyết 19 lần thứ hai, trong đó tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh.

Nếu kết quả đúng như mục tiêu Nghị quyết 19 hướng đến chắc chắn sẽ có tác động rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong điều hành của Chính phủ, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, còn một vấn đề mà Chính phủ có chủ trương, có đề án, có kế hoạch nhưng triển khai còn chậm là vấn đề tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, trong đó có vấn đề nông lâm nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.

Về công tác điều hành, Chính phủ cần xem xét và cân nhắc kỹ vấn đề tỷ giá, mặc dù tỷ giá có tác động đến nhiều mặt nhưng mục tiêu hướng đến là phải khuyến khích nội địa hóa và có lợi cho xuất khẩu nông sản. Dĩ nhiên, để nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thì phụ thuộc vào nhiều chính sách khác, nhưng tỷ giá cũng đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy nội địa hóa thành công.

Đối với cải cách thể chế, Chính phủ đã rất mạnh dạn khi ban hành và thực hiện những quy định nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, điều cần phải tháo gỡ hiện nay là vấn đề quyền và trách nhiệm bộ máy các cấp; cần làm rõ việc nào của bộ, ngành và việc nào của địa phương. Thí dụ trên địa bàn TPHCM, một hóa chất không biết nguồn gốc, độc hại, được bày bán tự do thì trách nhiệm của ai, của Trung ương hay của địa phương.

Liên quan đến lộ trình hội nhập kinh tế, theo TS. Trần Du Lịch, chúng ta đừng lo lắng quá, mặc dù còn nhiều doanh nghiệp chủ quan nhưng những doanh nghiệp lớn có tính toán cả. "Tôi đã đi tìm hiểu những doanh nghiệp da giày và dệt may, các đơn vị này cho biết đều đang tính toán để thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu và thị trường" - ông Lịch cho hay.

Các tin khác