Đợt sóng ngắn hạn tích cực?

Đã từ khá lâu, TTCK mới có một phiên tăng khiến nhiều người cảm thấy mát lòng như phiên 20-5 vừa qua. VN Index từ gần 537 điểm tăng lên hơn 550 điểm, HNX Index từ 77,44 điểm tăng lên 79,34 điểm cùng với thanh khoản trên cả 2 sàn đạt xấp xỉ 2.400 tỷ đồng.

Đã từ khá lâu, TTCK mới có một phiên tăng khiến nhiều người cảm thấy mát lòng như phiên 20-5 vừa qua. VN Index từ gần 537 điểm tăng lên hơn 550 điểm, HNX Index từ 77,44 điểm tăng lên 79,34 điểm cùng với thanh khoản trên cả 2 sàn đạt xấp xỉ 2.400 tỷ đồng.

Tín hiệu khả quan

Ngày 18-5, khi VN Index từ 537 điểm giảm xuống 529 điểm, giá của nhiều CP đã thấp đến mức khiến nhiều người đã tếu táo rằng đó là sự “xúc phạm” cho giá trị CP và giá trị của doanh nghiệp. Thực chất, dù VN Index chỉ mới dưới 530 điểm nhưng giá của nhiều CP đã chạm đáy 6-12 tháng hoặc tương đương khi VN Index tiệm cận 510 điểm.

Dù vậy, lực bắt đáy của phiên này cũng không mấy ấn tượng khi GTGD trên cả 2 sàn HOSE và HNX chỉ đạt gần 1.800 tỷ đồng. Phiên 19-5, thị trường hồi phục trong sự hồ nghi, dù VN Index tăng gần 8 điểm lên 537 điểm, còn HNX Index tăng 0,93 điểm lên 77,44 điểm. Lúc này, tín hiệu tích cực nhất có lẽ là việc khối ngoại mua ròng trong cả 2 phiên 18 và 19-5 đạt hơn 110 tỷ đồng và tỷ trọng giao dịch của khối này có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, mọi sự nghi ngại đều đã được giải tỏa trong phiên 20-5 khi thị trường tiếp tục khả quan từ phiên sáng và bùng nổ trong cả phiên chiều.

Có thể nói, diễn biến của TTCK trong phiên 20-5 vô cùng quan trọng, từ điểm số, giá trị cho tới mặt tâm lý. Giá của nhiều CP sau khi giảm về các vùng quá bán hoặc quá rẻ đều đã bật mạnh và chỉ trong khoảng 3 phiên có thể đem lại lợi nhuận trên dưới 10% cho các NĐT. Điển hình nhất có lẽ là nhóm CP của các CTCK.

Theo đó, sau khi tạo đáy 19.100 đồng/CP vào ngày 18-5, SSI đã hồi phục nhẹ vào phiên 19-5 trước khi tăng trần vào ngày 20-5 lên 20.500 đồng/CP. Hay như HCM sau khi giảm xuống 25.400 đồng/CP vào ngày 19-5 cũng đã tăng trần lên 27.100 đồng/CP trong ngày 20-5. Rồi VND cũng có diễn biến tương tự khi tăng lên 11.200 đồng/CP. Cần nhấn mạnh rằng đã rất lâu rồi người ta mới thấy SSI có giá 1.9, HCM giá 2.5 hay VND 1.0 và việc nhóm CP của các CTCK tăng trần cũng là điều cực kỳ hiếm hoi.

Một điểm nữa cũng cần chú ý là việc VN Index chỉ trong một phiên đã vượt qua mốc 540 điểm và chạm mốc tâm lý quan trọng 550 điểm. Trong khoảng 2 tháng qua, ngưỡng 540 điểm được xem là đáy của thị trường khi nhiều lần VN Index chạm đến ngưỡng này đều bật mạnh. Trong lần sụt giảm mới nhất, VN Index đã rơi hơi quá đà khi thậm chí còn xuống dưới 530 điểm nhưng việc bật lên trở lại trong phiên 20-5 một lần nữa khẳng định khả năng phòng thủ của thị trường khi VN Index đạt 540 điểm.

Tuy nhiên, việc VN Index có 2 ngày giảm xuống dưới 540 điểm cũng cho thấy biến động của thị trường trong trạng thái chưa có một thông tin mang tính bước ngoặt để tạo nên xu thế mới là khá lớn và rủi ro. Trường hợp nếu NĐT không quá lệ thuộc vào việc cân bằng trạng thái margin/vốn (giải chấp), việc mua và nắm giữ trong lúc này có thể là cơ hội để sở hữu CP với giá rẻ. Trong trường hợp, đánh tất tay lúc này kèm theo sử dụng margin quá đà, nguồn vốn có thể bị thiệt hại trước khi cơ hội đến trở lại vì thị trường ngay trong giai đoạn đáy cộng với việc thiếu thông tin có thể tạo ra những đợt rung lắc dữ dội. 

TTCK từ đầu năm đến nay diễn biến không thuận lợi, thanh khoản giảm sút dẫn đến nguồn thu của CTCK bị ảnh hưởng và khiến cho kỳ vọng vào nhóm CP của CTCK giảm. Tuy nhiên, sự sụt giảm khi đến mức thái quá sẽ tạo thành sức bật sau đó và giá trị của những CTCK hàng đầu vẫn được nhìn nhận đúng mức.

Khi “lòng tham” trỗi dậy

Thanh khoản vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng/phiên cộng với điểm số tăng mạnh trong phiên 20-5 cũng gợi mở không ít vấn đề. Nhìn vào các giao dịch sẽ thấy bên mua khá hào phóng khi sẵn sàng trả các mức giá cao, thậm chí giá trần cho không ít CP nóng, một số CP đầu cơ cũng hiện diện khối lượng dư mua khủng với sự tự tin cao độ. Cần nhắc lại rằng khi thị trường dùng dằng tại ngưỡng 540 điểm của VN Index, dòng tiền tham gia khá dè dặt.

Một trong những nguyên nhân có thể là chờ đợi một đợt giảm để đưa mặt bằng giá CP xuống khoảng 5-10% nữa để mua và cơ hội bật mạnh cũng sẽ cao hơn. Như đã nói ban đầu, khi VN Index ở ngưỡng dưới 530 điểm nhiều CP có giá tương đương khi chỉ số này ở ngưỡng 510 điểm, nghĩa là giá rất rẻ. Chính sự dồn nén này đã kích thích lòng tham của dòng tiền, đồng thời những người nào giữ CP ở mức giá thấp như vậy cũng không còn muốn bán ra. Đây chính là cơ sở để tạo nên sự thắng thế cho bên mua.

Ảnh minh họa: LONG THANH

Ảnh minh họa: LONG THANH

Thực chất, 2.400 tỷ đồng cũng không phải là mức quá lớn của thanh khoản, nếu so với trung bình 3.000 tỷ đồng/phiên của năm 2014 vẫn còn kém, nhưng nó biểu hiện sự hào hứng của bên mua vào. Và giá CP có thể đắt hơn 5-10% so với vài phiên trước nhưng nhìn về dài hạn vẫn được xem là hấp dẫn. Chính thanh khoản tăng khá trong một phiên giao dịch tăng mạnh có thể là chỉ báo quan trọng về mặt tâm lý cho thị trường. Nghĩa là kỳ vọng của NĐT dành cho thị trường vẫn được giữ nguyên, cơ hội sinh lời trên TTCK vẫn còn.

Một điểm quan trọng nữa, vùng 540-550 điểm chính là xuất phát điểm của VN Index trong năm 2015. Tại vùng giá này, VN Index đã không ít lần bị thử thách với nhiều mức độ khác nhau, nhưng cuối cùng đều đã trụ được và điều này có thể tạo ra một vùng đáy vững chắc cho thị trường trong thời gian tới. Có thể nói, TTCK đã đi gần hết nửa năm 2015 với những đợt rung lắc, thử thách và thiếu thông tin, sự dồn nén về mặt giá trị hay tâm lý là rất rõ ràng.

Sự hồ nghi có thể dần được thay thế bằng kỳ vọng TTCK đã tạo đáy và đang chờ cơ hội gia tăng trở lại. Trong ngắn hạn, thử thách dành cho VN Index sẽ là khả năng trụ vững trên ngưỡng 550 điểm trong 2 phiên cuối 21 và 22-5 và khả năng quay trở lại ngưỡng 80 điểm của HNX Index. Trong trường hợp các mốc điểm quan trọng được giữ vững kèm theo thanh khoản tiếp tục trên 2.000 tỷ đồng/phiên, có thể kỳ vọng vào một đợt sóng ngắn hạn tích cực cho thị trường.

Các tin khác