Cửu vạn bên bờ Kênh Tẻ

Là một đoạn cuối của sông Chợ Đệm, bao năm qua, dòng Kênh Tẻ không chỉ là nơi giao thông thủy bộ của người dân khu vực phía Đông thành phố mà còn là chốn mưu sinh của hàng trăm người phụ nữ nghèo với công việc không thể vất vả hơn, bốc vác thuê. Mặc dù chỉ di chuyển một khoảng cách chừng vài trăm mét, từ ghe lên tới bến, nhưng có nhiều ngày hàng chục tấn hàng hóa, trong những bao tải gần trăm ký đã đi qua trên đôi vai gầy mỏng manh của họ, kèm theo nhiều giọt mồ hôi, và không ít nước mắt.

Là một đoạn cuối của sông Chợ Đệm, bao năm qua, dòng Kênh Tẻ không chỉ là nơi giao thông thủy bộ của người dân khu vực phía Đông thành phố mà còn là chốn mưu sinh của hàng trăm người phụ nữ nghèo với công việc không thể vất vả hơn, bốc vác thuê. Mặc dù chỉ di chuyển một khoảng cách chừng vài trăm mét, từ ghe lên tới bến, nhưng có nhiều ngày hàng chục tấn hàng hóa, trong những bao tải gần trăm ký đã đi qua trên đôi vai gầy mỏng manh của họ, kèm theo nhiều giọt mồ hôi, và không ít nước mắt.

15 năm vác thuê

Mặc dù 2 tuyến đường ven bờ Kênh Tẻ chạy qua địa bàn quận 1, quận 4, quận 7, quận 8 hiện nay là những tuyến đường đẹp của thành phố, nhưng những người mưu sinh bằng nghề bốc vác nơi này hầu như vẫn thế: nhọc nhằn và nghèo khó.

Chia sẻ về công việc, chị Nhạn, một thợ bốc vác, cho biết: “Tôi quê dưới miệt Mỏ Cày (Bến Tre) nhưng từ mấy năm trước, 2 vợ chồng đã giong ghe lên đây làm ăn. Ban đầu lấy dừa, cam, vú sữa dưới quê nhà lên bán. Một thời gian sau, buôn bán thất thường không có lãi nên 2 vợ chồng đành chuyển qua nghề bốc vác cho những chủ tàu lớn. Nghề này tuy nặng nhọc nhưng bù lại, ngơi tay là lấy tiền luôn. Vậy nhưng khổ lắm, nhiều khi trời nắng, vác bao bắp đi trên ván cầu, trượt chân cả người và hàng rớt xuống nước. Tai nạn tuy không ảnh hưởng tới tính mạng, vì mình sinh sống trên sông nhiều nhưng ngày hôm đó coi như làm việc không công. Tất cả đều bị chủ trừ vào tiền hàng chìm xuống sông cả”.

 Miệt mài mưu sinh.

Miệt mài mưu sinh. 

Được biết, ở khu vực này vào lúc thủy triều lên thường có nhiều ghe thuyền lớn chở gạo, bột mì, nông sản, hóa chất… từ các nơi khác đến. Và mọi người phải nhanh chóng bốc xếp hàng hóa cho ghe trở ra kịp, nếu không lại phải đợi con triều ngày hôm sau.

Những chuyến tàu có tải trọng lên đến cả ngàn tấn mang đến sinh kế cho hàng chục nữ cửu vạn nơi đây. Theo đó, chủ tàu thường khoán sẵn cho cửu vạn một số tiền nhất định, sau khi hoàn thành công việc sẽ lấy tiền. Vì thế, gánh nặng mưu sinh được dồn toàn bộ lên đôi vai những nữ cửu vạn này.

Dưới trời nắng gắt, nhìn hàng chục gương mặt nhễ nhại mồ hôi, chúng tôi thấy khá kỳ lạ, mặc dù công việc rất nặng nhọc nhưng hầu hết cửu vạn là nữ. Giải thích về điều này, chị Thoa, một người có thâm niên 15 năm gắn bó với bến sông Kênh Tẻ, cho biết: “Mình vào nghề từ khi còn con gái, rồi sau đó lấy chồng, giờ con gái chuẩn bị vào cấp 3, vẫn ngày đêm bám bến, đợi chờ những chuyến ghe đến và đi”.

Rồi, vừa nhìn ra dòng Kênh Tẻ mênh mang nước, chị tiếp: “Mặc dù nghề bốc vác đã mang đến áo cơm cho gia đình, giúp tôi nuôi con nhưng thực sự, do công việc nặng nhọc, có lẽ chỉ vài năm nữa, tôi phải bỏ nghề, lên bờ kiếm nghề khác. Mà trụ được ở bến sông này như tôi vẫn còn khá vì ơn giời, mình sức vóc không thua kém gì đàn ông chứ như người khác, có lẽ chỉ ngót nghét chục năm chịu không nổi. Xương cốt sau mỗi buổi làm việc giờ nó như rạn ra, cố cho con học xong phổ thông là mình nghỉ”.

Nỗi buồn trên bến vắng

Được biết, dọc bờ Kênh Tẻ bên phía quận 4, quận 7, quận 8 hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp làm nghề trung gian, làm kho chứa hàng nông sản. Hầu hết hàng hóa đều được chuyển từ miền Tây, theo những ghe tàu lên rồi từ đó lại chuyển đi những nơi khác trong thành phố, theo đường bộ. Tuy nhiên, điều nghịch lý là lượng hàng hóa thực tế lưu thông qua những bến sông ở đây tăng lên, nhưng công việc, hay chính xác là thu nhập của cửu vạn lại ít đi.

Hay sinh kế của những người phụ nữ nghèo đang ngày càng hẹp lại, do sự thay đổi của nhiều yếu tố, đặc biệt là các phương tiện cơ giới đang dần thay thế sức lao động con người. Theo anh Hạnh, một chủ tàu làm nghề buôn bán hành tím, khoai lang từ dưới miền Tây lên, trước kia mỗi chuyến hàng phải mất tới 5-6 triệu đồng tiền thuê bốc vác bởi quãng đường từ bến tới kho khá xa, lên đến vài trăm mét. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các ghe lớn đều có trang bị thêm thang truyền.

Nghĩa là các chủ ghe có thể rút ngắn khoảng cách vận chuyển không tốn nhiều chi phí đầu tư, lại có thể tái sử dụng lâu dài. Không những vậy, nhiều kho ở xa còn thuê cả xe tải nhỏ, bốc thẳng từ ghe lên để chở hàng. Và khi công việc nhẹ nhàng, gọn gàng hơn cũng là lúc số tiền những cửu vạn nhận được cũng ít đi. Sinh kế trở nên khó khăn và nhọc nhằn hơn, in hằn trên những gương mặt uể oải và buồn bã.

Theo bà Bảy, một người từng nhiều năm bán cà phê, nước ngọt ở khu vực Miếu Bà bên bờ Kênh Tẻ: “Ngày xưa có lúc bến này thu hút tới vài chục chị em bốc vác, vì ghe thuyền nhiều, công việc nhiều. Tuy có nặng nhọc, vất vả nhưng quan trọng là họ vẫn có tiền, có công việc để làm. Trước một ghe phải thuê cả chục người, còn giờ chỉ cần 2 người đủ cho công việc nên bến cũng ngày một vắng hơn. Nhiều chị em bỏ nghề đi bán vé số, đi làm ôsin bởi việc ở bến không còn nhiều nữa. Như quán của tôi cũng vậy, chỉ làm nơi tá túc tránh nắng và uống trà đá miễn phí chứ cũng không bán buôn được gì nhiều”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dọc theo chiều dài chừng năm cây số ở dòng Kênh Tẻ có khoảng chục bến để ghe thuyền thường đậu lại bốc xếp hàng hóa. Sau khi bốc lên nông sản, họ lại vận chuyển đường, bột ngọt, đồ gia dụng xuống ghe để xuôi về miền sông nước. Trên bến, giờ chỉ còn những người phụ nữ lặng lẽ cam chịu số phận, nhìn ánh nắng nhập nhoạng dần khuất lúc triều lên.

Các tin khác