Vải thiều có bớt chật vật?

Dù có thêm một số thị trường xuất khẩu nhưng câu chuyện tiêu thụ vải thiều năm nay vẫn còn nhiều điều phải bàn, bởi các thị trường mới luôn có những đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng.

Dù có thêm một số thị trường xuất khẩu nhưng câu chuyện tiêu thụ vải thiều năm nay vẫn còn nhiều điều phải bàn, bởi các thị trường mới luôn có những đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng.

Xuất khẩu còn nhiều rào cản

Ngày 12-5 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Australia cho biết đã phê chuẩn việc nhập khẩu trái vải của Việt Nam đã qua xử lý bức xạ và thông báo cho các nhà nhập khẩu của nước này. Đây được xem là tin vui cho trái vải thiều của Việt Nam khi thời điểm vụ thu hoạch vải năm 2015 đang đến rất gần. Như vậy, tính đến thời điểm này, ngoài những thị trường truyền thống là Trung Quốc, một số nước trong khu vực ASEAN… nay con đường xuất khẩu của trái vải Việt Nam đã rộng hơn khi có Hoa Kỳ và Australia đồng ý nhập khẩu.

Nhiều ý kiến đánh giá việc có thêm thị trường mới sẽ giúp giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Song theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mùa vụ 2015 Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính, chiếm khoảng 90% tổng lượng xuất khẩu.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, việc xuất khẩu vải sang Australia không đơn giản vì những yêu cầu khắt khe của thị trường này. Trái vải xuất khẩu sẽ phải đáp ứng các điều kiện về vùng trồng, cơ sở trồng vải phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và thu hoạch đảm bảo giảm thiểu sinh vật gây hại trên quả vải. Những vùng trồng vải này phải áp dụng Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số.

Cơ sở phải lập và lưu lại hồ sơ, nhật ký sản xuất. Ngoài ra, việc chiếu xạ cũng là một thách thức không nhỏ bởi các cơ sở chiếu xạ được phía Hoa Kỳ và Austraila chấp nhận lại nằm ở phía Nam trong khi khu vực trồng ở phía Bắc. Rồi việc làm sao để quả vải vẫn giữ được độ tươi ngon dù phải đi một quãng đường xa cũng là vấn đề cần được quan tâm tính toán.

Vận chuyển xa, chi phí trồng, chăm sóc, chiếu xạ… sẽ là những nguyên nhân khiến giá thành quả vải của Việt Nam bị đẩy lên. Như vậy thêm một nút thắt cần được gỡ là tính toán giá thành sao cho cạnh tranh. Vì tại Australia cũng đã có vải do nông dân nước này trồng.

Theo một số thông tin, hiện trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội đang được đầu tư nâng cấp để phục vụ công tác chiếu xạ vải xuất khẩu tại khu vực miền Bắc, cùng đó, công nghệ xử lý, bảo quản giữ tươi quả vải 4-6 tuần của Israel đã được tỉnh Bắc Giang tiếp cận. Một vấn đề quan trọng khác là làm sao để quảng bá tốt hình ảnh cũng như chất lượng của trái vải Việt Nam tại những thị trường này.

Bởi nếu không quảng bá tốt có xuất sang cũng khó tiêu thụ. Mà xưa nay chuyện quảng bá hình ảnh cho nông sản Việt Nam vẫn còn là một điểm yếu chưa được khắc phục. Có thể thấy trong những nỗ lực đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đoàn đàm phán Việt Nam luôn nỗ lực để các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam trong đó có nông sản rộng đường vào thị trường thế giới.

Nội địa đừng quên chất lượng

Năm 2014, chiến lược đẩy mạnh tiêu thụ vải tại thị trường nội địa trong đó chú trọng đến những thị trường lớn như TPHCM đã được các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm do quả vải gặp khó khăn trong quá trình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Năm nay, theo tính toán của Bộ Công Thương, với tổng sản lượng ước đạt khoảng 200.000 tấn quả tươi như trên, dự báo sẽ được tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả tươi); xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 80.000 tấn (trong đó khoảng 85% là quả tươi, 15% là quả sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh).

Riêng tại thị trường nội địa,  vải tươi được tiêu thụ rộng khắp toàn quốc, trong đó, tập trung nhiều tại các địa phương khu vực phía Bắc và các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng,  TPHCM… và các tỉnh phía Nam. Thị trường phía Nam được đánh giá tiếp tục sẽ là khu vực tiêu thụ nội địa quan trọng, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.

Có thể thấy thị trường nội địa đang trở thành cứu cánh cho nhiều sản phẩm trong đó có quả vải. Tuy nhiên, có một vấn đề rất quan trọng nhưng hay bị bỏ quên đó chính là chất lượng sản phẩm cho thị trường nội địa. Tại nhiều diễn đàn, nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc xung quanh vấn đề này. Trong khi xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe nhất, tiêu thụ nội địa mọi thứ lại quá dễ dãi, việc trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hay Global GAP để tiêu thụ tại thị trường nội địa vẫn còn là câu chuyện chưa quen tai.

Nói về quả vải, do đặc thù thời gian bảo quản ngắn, trái vải nhanh xuống chất lượng nên khi tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam cũng gặp khó khăn. Nhưng dường như chỉ nghe bàn đến công nghệ bảo quản trái vải tươi xuất khẩu chứ chưa nghe nhắc nhiều đến làm cho thị trường nội địa.

Cần phải nhắc lại, nếu sản phẩm đạt chất lượng tốt thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ chấp nhận chi trả một mức giá xứng đáng. Nên những suy nghĩ kiểu như thị trường trong nước không thể bán giá cao cần phải được thay đổi. Để vải thiều cũng như nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có đầu ra đảm bảo cần có sự chung tay của các bộ ngành, các DN và cả nông dân. Sân chơi đang ngày một hòa nhập, thị trường nội địa nếu không thận trọng cũng khó giữ, khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Các tin khác