Myanmar: Nhiều tiềm năng, đầy thách thức

Thị trường mục tiêu

Hội chợ triển lãm Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Việt Nam - Myanmar (Ho Chi Minh City Expo) và chương trình khảo sát thị trường tại Myanmar là sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư lớn thường niên của TPHCM nhằm hỗ trợ DN mở rộng thị trường, thiết lập các kênh phân phối sản phẩm tại Myanmar. Tiếp nối thành công, chương trình Ho Chi Minh City Expo lần 5 và khảo sát thị trường tại Myanmar lần 6 được tổ chức tại Mandalay từ ngày 18 đến 24-5.

Thị trường mục tiêu

  Dù tăng trưởng xuất khẩu chưa cao, nhưng Myanmar vẫn được các DN Việt Nam xem là thị trường triển vọng, tiềm năng trong tương lai khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành đưa đến những thuận lợi về thương mại và đầu tư trong khối ASEAN, trong đó có Myanmar. Phải cạnh tranh với hàng từ nhiều nước trong khu vực châu Á, nhưng hàng Việt Nam đang được người tiêu dùng Myanmar đón nhận, nên nhiều DN Việt Nam bắt đầu muốn tìm hiểu, thâm nhập thị trường này.

Nguyễn Thị Hồng,
Phó Chủ tịch UBND TPHCM

Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), cho biết nhiều DN đã xuất khẩu được hàng vào Myanmar đều khẳng định đây là thị trường tiềm năng nhưng đầy thách thức bởi tuy người tiêu dùng không khó tính, nhưng hàng Việt Nam cạnh tranh với hàng của rất nhiều nước châu Á và cả với hàng nội địa của Myanmar.

Vì vậy, thị trường Myanmar không dành cho DN chưa chuẩn bị kỹ khi thâm nhập, cần có sự đầu tư gây dựng hệ thống bán lẻ và tạo uy tín thương hiệu. Các lĩnh vực DN thâm nhập vào Myanmar ngày càng đa dạng hơn.

Về xuất khẩu hàng hóa, các nhóm hàng mục tiêu của DN Việt Nam nhắm vào thị trường Myanmar đang mở rộng, từ đồ nhựa gia dụng, thực phẩm chế biến, nước giải khát, hàng thời trang, điện tử, điện gia dụng, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cho nhu cầu tiêu dùng, đến hàng điện công nghiệp, phân bón, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị công nghiệp… Myanmar đang là một trong những thị trường mục tiêu của nhiều DN Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng, Trưởng phòng xuất nhập khẩu CTCP Bóng đèn Điện Quang, cho biết Điện Quang đã xuất khẩu sang Myanmar từ năm 1999, là một trong những DN đầu tiên đưa hàng Việt Nam vào thị trường Myanmar.

Tăng trưởng doanh số của Điện Quang ở thị trường Myanmar khoảng 15%/năm. Cạnh tranh với hàng cùng loại từ Trung Quốc, nhưng sản phẩm của Điện Quang chất lượng cao và ổn định, giá hợp lý nên được người tiêu dùng Myanmar đánh giá cao. Nhà phân phối sản phẩm Điện Quang có hệ thống bán lẻ trên toàn Myanmar nên việc tiêu thụ khá thuận lợi.

Điện Quang tiếp tục duy trì và phát triển cả về số lượng, doanh số và thị phần ở Myanmar, đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm như: đèn led, đèn compact… vào các kênh công trình. Để tăng độ nhận biết đối với người tiêu dùng Myanmar, Điện Quang đã có nhiều chương trình quảng cáo sản phẩm trên xe buýt và trên các tạp chí.

Từ năm 2009, CTCP Nội thất Hòa Phát đã cung cấp hàng nội thất cho các công trình, dự án và các nhà phân phối ở Myanmar. “Mấy năm qua, Hòa Phát chưa thật tập trung phát triển thị trường Myanmar. Năm nay, công ty tham gia hội chợ và khảo sát lại thị trường này để có thể định hướng việc thâm nhập hiệu quả hơn. Tiếp bước những DN đã thâm nhập thị trường Myanmar nhiều năm kiên trì bám trụ, Hòa Phát tham gia chương trình xúc tiến nhằm tìm kiếm đối tác làm nhà phân phối để xuất khẩu hàng qua Myanmar” - bà Lê Thị Ánh Hồng, Trưởng phòng xuất khẩu CTCP Nội thất Hòa Phát, cho biết.

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, từ năm 2012 đến nay, CTCP Thép TVP xuất khẩu mặt hàng ống thép đen, ống thép mạ kẽm các loại; cung cấp ống thép xây dựng cho các công ty thương mại và công ty xây dựng tại thị trường Myanmar. Hàng hóa cung cấp cho thị trường Myanmar tăng trung bình 10%/năm. Dù phải cạnh tranh với hàng cùng loại từ Trung Quốc, nhưng lợi thế cạnh tranh các mặt hàng của Thép TVP là chất lượng tốt hơn. Ống thép xây dựng của công ty đã có mặt tại 2 khu chợ sắt thép lớn ở Yangon.

Nâng khả năng nhận diện thương hiệu

Bên cạnh xuất khẩu hàng hóa, các DN Việt Nam đã chú ý phát triển xuất khẩu dịch vụ sang Myanmar. Một số dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng của DN Myanmar đã có sự tham gia của đối tác Việt Nam cung cấp dịch vụ. Khi đưa hàng hóa, dịch vụ vào thị trường Myanmar, DN Việt Nam chủ trương không cạnh tranh về giá, mà hướng đến cạnh tranh về chất lượng sản phẩm. Đồng thời, DN cũng chú trọng đầu tư quảng bá hình ảnh ra cộng đồng, đầu tư mẫu mã, bao bì sản phẩm để nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu.

Myanmar: Nhiều tiềm năng, đầy thách thức ảnh 1 

Người tiêu dùng Myanmar  đánh giá cao các sản phẩm hàng Việt Nam
về chất lượng và giá cả. 

Các DN Việt Nam xác định tiếp tục đặt quan hệ đối tác, có kế hoạch phát triển kinh doanh cũng như đầu tư vào Myanmar trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số DN phản ánh việc làm thủ tục hải quan, kiểm dịch của Myanmar vẫn còn chậm và nhiều thủ tục. Vận chuyển hàng hóa bằng tàu tới nơi đã mất 2 tuần, đến Myanmar làm những thủ tục để nhập hàng về kho cũng mất 2-3 tuần. Điều này gây khó khăn cho DN nhập khẩu thực phẩm chế biến ăn liền có vòng đời sản phẩm ngắn 3-4 tháng.

Chi phí vận chuyển hàng từ Việt Nam đi Myanmar cao. Như DN dược phẩm của Việt Nam rất khó cạnh tranh giá với các DN Ấn Độ, Trung Quốc khi đối tác Myanmar nhập khẩu thường yêu cầu tính giá CIF (giao tới cảng Myanmar) trong khi DN Việt Nam phải cộng thêm chi phí vận chuyển cao khiến giá thành sản phẩm nhập khẩu vào Myanmar đội lên rất cao. Bên cạnh đó, nhiều DN tại Myanmar kinh doanh chưa theo thông lệ quốc tế trong phương thức giao hàng, điều kiện thanh toán, vẫn chưa phổ biến hình thức giao dịch qua email, fax hay điện thoại gây hạn chế trong việc trao đổi, thương thảo.

Ông Lê Minh Nhựt, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV SX - TM Thực phẩm - đồ uống Thanh Bình (Bến Tre), cho biết vấn đề giao dịch thanh toán của DN Việt Nam đến nay chưa thuận lợi do phải thông qua một ngân hàng nước ngoài khác. DN Việt Nam luôn muốn thông qua một nhà phân phối tại Myanmar, nhưng khó tìm nhà phân phối có kinh nghiệm và uy tín về từng lĩnh vực: thực phẩm, nước giải khát, hàng thời trang, hàng gia dụng, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị công nghiệp… khiến phải xuất khẩu thông qua các công ty thương mại Thái Lan, Singapore.

Các tin khác