Đại gia trốn thuế (K2): Những chiêu trò

Chuyển giá, chuyển doanh thu, báo lỗ, xây dựng mê hồn trận công ty mẹ-con ở nước ngoài... nằm trong số rất nhiều những chiêu trò các đại công ty thường dùng để trốn thuế.

Chuyển giá, chuyển doanh thu, báo lỗ, xây dựng mê hồn trận công ty mẹ-con ở nước ngoài... nằm trong số rất nhiều những chiêu trò các đại công ty thường dùng để trốn thuế.

Đổi quốc tịch

Tháng 7-2014, người khổng lồ dược Hoa Kỳ AbbVie đạt một thỏa thuận bom tấn mua lại đối thủ châu Âu Shire. Vụ sáp nhập được Phố Wall cổ vũ, không phải vì nó sẽ thúc đẩy ngành dược học mà sẽ cho phép AbbVie từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ. Với 55 tỷ USD, thỏa thuận của AbbVie là vụ “đảo ngược doanh nghiệp” lớn nhất. Đó là lỗ hổng trong luật thuế của Hoa Kỳ, cho phép các công ty có 20% vốn nước ngoài có thể sáp nhập công ty nước ngoài.

Nói cách khác, nếu một công ty lớn của Hoa Kỳ mua lại một công ty nhỏ hơn nằm ở một thiên đường thuế, nó có thể trở thành một công ty con của công ty nước ngoài đó - và kèm theo sẽ được miễn nhiều nghĩa vụ thuế. Cổ đông AbbVie sẽ tiếp tục kiểm soát 75% công ty, nhưng công ty sáp nhập sẽ khai thuế ở đảo Jersey, thuộc English Channel, nơi Shire đặt trụ sở. Nhờ đó, AbbVie sẽ danh chính ngôn thuận cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 22% xuống 13%. Với doanh thu tới 10 tỷ USD của AbbVie vào năm 2013, số tiền thuế “tiết kiệm” được không hề nhỏ.

Có khá nhiều công ty đã thành công trong việc chuyển “quốc tịch” như AbbVie, từ công ty sản xuất máy tính - thiết bị Applied Materials ở California đến nhà khổng lồ thiết bị y tế Medtronic ở Minnesota, hay đại gia chuối Chiquita đến từ Bắc Carolina. Có rất ít thay đổi trong kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp này. Điều khác biệt nổi bật nhất là họ sẽ phải trả ít tiền thuế hơn cho một chính phủ nước ngoài, thường là Ireland hoặc Hà Lan. Theo ước tính, mánh khóe “đảo ngược doanh nghiệp” sẽ khiến ngân khố Hoa Kỳ thiệt hại khoảng 20 tỷ USD tới năm 2020.

Chuyển lợi nhuận

Năm 2013, Cục Thuế Hoa Kỳ (IRS) thu thuế được nhiều hơn so với trước khủng hoảng năm 2007. Nhưng đào sâu thêm một chút, các công ty đóng ít hơn gần 100 tỷ USD tiền thuế thu nhập liên bang so với trước đại suy thoái (1927-1930), giảm gần 40%. Trong thực tế, lợi nhuận doanh nghiệp và thu thuế của công ty hiện nay có xu hướng ngược nhau. Lợi nhuận tăng 93 tỷ USD vào năm 2013, lên 2.100 tỷ USD (theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ). Tuy nhiên, thuế doanh nghiệp giảm hơn 15 tỷ USD so với năm trước đó. Con số này vượt xa hoạt động “đảo ngược doanh nghiệp”.

Để làm được điều này, các công ty đã thực hiện một thủ thuật đơn giản mà hiệu quả, đó là chuyển lợi nhuận sang các công ty bình phong ở những thiên đường thuế, nơi IRS không thể sờ tới. Ước tính, hiện có hơn 2.000 tỷ USD lợi nhuận của các doanh nghiệp được chuyển ra các công ty con ở nước ngoài, khiến nhà nước thất thoát khoảng 500 tỷ USD tiền thuế.

Trong hơn 1 thế kỷ qua, các công ty Hoa Kỳ được yêu cầu phải đóng thuế cho những khoản thu nhập toàn cầu của họ. Sẽ không có chuyện đánh thuế 2 lần. Những công ty đã đóng thuế cho chính phủ ở nước ngoài có thể dùng biên lai đóng thuế đó để được hoàn thuế tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có một lỗ hổng trong luật thuế của Hoa Kỳ, đó là các công ty không phải đóng thuế nếu lợi nhuận ở nước ngoài của họ chưa “hồi hương”. Nhưng thực tế, rất nhiều khoản lợi nhuận ở nước ngoài đó xuất phát từ Hoa Kỳ, sau đó được chuyển ra nước ngoài để trốn thuế. Một thí dụ điển hình là nhà khổng lồ dược phẩm Pfizer.

Khi công ty phát triển thuốc Viagra, nó chuyển giao các quyền kinh tế về sở hữu trí tuệ sang một công ty bình phong ở Liechtenstein - một thiên đường thuế nổi tiếng tại châu Âu. Bằng cách đó, mỗi viên thuốc bán ra ở Hoa Kỳ công ty mẹ phải trả một khoản tiền bản quyền rất lớn cho công ty bình phong, giúp Pfizer chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế cao là Hoa Kỳ sang nơi thuế thấp hoặc bằng 0 là Liechtenstein.

Theo một phân tích của Audit Analytics, thu nhập nước ngoài của các công ty cấu thành chỉ số Russell 1000 Index đã tăng từ 1.100 tỷ USD năm 2008 lên 2.100 tỷ USD năm 2013, cao hơn cả GDP của Nga. Phân tích cho thấy hầu hết các tên tuổi lớn nhất ở Hoa Kỳ đều có sử dụng thủ thuật này. Đứng hàng top là các công ty Microsoft, với 76 tỷ USD; Pfizer, 69 tỷ USD; ExxonMobil, 47 tỷ USD; Goldman Sachs, 22 tỷ USD; Philip Morris, 20 tỷ USD; Wal-Mart, 19 tỷ USD; McDonald, 16 tỷ USD...

Những mánh lới khác

Ngoài ra, còn những thủ thuật trốn thuế khác. Theo luật Hoa Kỳ, các quỹ ủy thác được giảm đáng kể nhiều loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế đánh trên quà tặng hay thừa kế… Lợi dụng kẽ hở này, nhiều công ty đã chuyển lợi nhuận vào các quỹ ủy thác dưới dạng quà tặng, đầu tư… Những năm gần đây, các cơ quan chức năng Hoa Kỳ đã rất đau đầu đối với hành vi trốn thuế thông qua việc thành lập các tập đoàn kinh doanh đơn nhất (Corporation Sole). Các công ty sẽ trốn thuế dưới danh nghĩa tập đoàn kinh doanh miễn thuế và nộp đơn xin thành lập các tập đoàn kinh doanh dưới lớp vỏ bọc “giáo sĩ” hoặc “người nước ngoài” nhân danh cá nhân, hoặc một tổ chức tôn giáo hay một đoàn thể.

Với những tập đoàn kiểu này, các công ty có thể được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp giống như một đơn vị kinh doanh của các tổ chức tôn giáo. Việc sử dụng các cơ quan từ thiện để làm bình phong che giấu các khoản thu nhập và tài sản không chính đáng để tránh đóng thuế cũng ngày càng nhiều. Chẳng hạn, một công ty chuyển tài sản hay khoản thu nhập vào tài khoản của một tổ chức từ thiện hay một quỹ quyên góp, công ty này sẽ nhận được một khoản miễn giảm thuế tính trên trị giá tài sản đó, trong khi vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng nguồn tiền hay tài sản đó.

Biếm họa về việc trốn thuế của Apple.

Biếm họa về việc trốn thuế của Apple.

Một thủ thuật thường gặp khác là báo lỗ để trốn thuế. Thông thường, đối với những hoạt động kinh doanh thua lỗ, các công ty sẽ không phải nộp thuế. Lợi dụng quy định này, nhiều công ty đã biến đổi những báo cáo tài chính từ chỗ có lợi nhuận sửa chữa lại thành những con số nghèo nàn, công bố thua lỗ để trốn thuế. Đặc điểm cụ thể của hành vi này là khi các công ty khai thuế, họ sẽ ghi mức lợi nhuận bằng 0 sau khi đã chuyển hết lợi nhuận ra nước ngoài, hay báo lỗ vì những khó khăn trong kinh doanh, trong khi đó vẫn khai đầy đủ các khoản thuế đã tạm đóng trước trong năm để nhận tiền hoàn thuế.

Đứng đầu thủ thuật này có lẽ là General Electric (GE). Từ năm 2008-2013, GE thu lợi nhuận hơn 33,9 tỷ USD ở Hoa Kỳ, nhưng đã chuyển hết lợi nhuận ra nước ngoài hòng báo lỗ, từ đó được hoàn thuế hơn 2,9 tỷ USD. Tính bình quân, thuế suất họ phải đóng là -9%, tức nhà nước phải “đóng thuế” cho họ với 9%/năm, một kỷ lục. Chỉ tính riêng năm 2012, GE đã chuyển tới 108 tỷ USD ra các thiên đường thuế ở nước ngoài để né thuế. Nếu số tiền này giữ lại Hoa Kỳ, họ phải đóng tới 37,8 tỷ USD tiền thuế vào năm đó.

(Còn tiếp)

Các tin khác