Thu hút vốn phát triển hạ tầng hàng không

Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển hệ thống hạ tầng hàng không, đặc biệt huy động vốn thực hiện dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, là 2 mục tiêu  được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất với bộ chủ quản trong phương án cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển hệ thống hạ tầng hàng không, đặc biệt huy động vốn thực hiện dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, là 2 mục tiêu  được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất với bộ chủ quản trong phương án cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp.

Gấp rút CPH ACV

 

Giá trị thực tế của ACV để CPH được tính toán trên 37.900 tỷ đồng, trong đó phần vốn góp nhà nước tại doanh nghiệp khoảng 20.700 tỷ đồng. Với 3 lĩnh vực kinh doanh chính là dịch vụ hàng không, dịch vụ phi hàng không và dịch vụ bán hàng, ACV dự báo doanh thu doanh nghiệp sau CPH sẽ rất khả quan. Ngoài ra, ACV đang sở hữu 60 cơ sở nhà đất trong và ngoài sân bay trên cả nước. Tổng diện tích đất ACV đang sử dụng 3.111ha, trong đó phần diện tích đất trong các cảng hàng không 3.100ha.

Theo kế hoạch, ACV sẽ hoàn thành công tác CPH trong năm nay, lượng cổ phần bán ra hơn 2,2 tỷ cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó, bán cho nhà đầu tư chiến lược khoảng 448 triệu cổ phần (20%), bán đấu giá công khai khoảng 75 triệu cổ phần (3,3%), ưu đãi cán bộ công nhân viên khoảng 33 triệu cổ phần (1,5%). Nhà nước sẽ nắm giữ khoảng 1,7 tỷ cổ phần (75%). Số tiền thu được từ bán bớt cổ phần vốn nhà nước tại ACV ước tính trên 3.915 tỷ đồng.

Hoạt động bán đấu giá cổ phần ACV thời gian tới được dự báo khá thuận lợi, bởi trước đó 2 công ty con của ACV là CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) và CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) rất thành công khi bán đấu giá cổ phần ra công chúng. Cụ thể, hồi đầu tháng 4, SASCO được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo giá giao dịch đầu tiên 22.300 đồng/cổ phiếu. Theo tiến độ SAGS sẽ lên sàn trong quý II, với giá giao dịch đầu tiên dự kiến 44.600 đồng/cổ phiếu.

Để đẩy nhanh tiến trình CPH, ACV đang triển khai các bước chuẩn bị bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược song song với quá trình triển khai IPO. Thời điểm phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ phụ thuộc vào tiến trình đàm phán với nhà đầu tư. Dự kiến số lượng nhà đầu tư chiến lược sở hữu 20% cổ phần ACV trong giai đoạn đầu CPH được xác định không quá 3 nhà đầu tư.

ACV sẽ ưu tiên cổ đông chiến lược là tổ hợp tập đoàn tài chính, quản lý khai thác cảng và kinh doanh dịch vụ hàng không và phi hàng không, trong đó có sự tham gia của công ty trong nước. Nhưng thực tế, không nhiều doanh nghiệp trong nước có thể độc lập trở thành nhà đầu tư chiến lược của ACV. Để trở thành nhà đầu tư chiến lược trong cổ phần hóa ACV, đối tác phải đáp ứng 4 tiêu chí về năng lực vận hành, phát triển cảng hàng không, tài chính và cam kết phát triển dài hạn. 

Thu hút nhà đầu tư 

Thu hút vốn phát triển hạ tầng hàng không ảnh 2Việc tìm nhà đầu tư chiến lược cho ACV sẽ không gặp nhiều khó khăn bởi doanh nghiệp khai thác cảng hàng không này đang nắm quyền quản lý, khai thác những tài sản được đánh giá đặc biệt hấp dẫn.Thu hút vốn phát triển hạ tầng hàng không ảnh 3

Ông Vũ Anh Minh,
Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT

Một trong những mục tiêu quan trọng của CPH ACV là thu hút vốn từ cổ đông chiến lược phục vụ việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không tại Việt Nam, đặc biệt là dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần có ít nhất 10 năm quản lý tổ chức kinh doanh dịch vụ phi hàng không trong nhà ga như hàng miễn thuế, chuỗi thức ăn nhanh, là nhà phân phối hay hợp tác nhượng quyền của các nhãn hiệu, thương hiệu quốc tế và Việt Nam.

Thực tế, việc CPH ACV thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Pháp. Gần đây nhất, hồi cuối tháng 3, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông Augustin de Romanet, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Aéroports de Paris (ADP) đã bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược trong chương trình CPH ACV.

“Với vai trò là cổ đông chiến lược, chúng tôi sẵn sàng đóng góp vốn cổ phần tới 25-30% giá trị của ACV trước khi thực hiện IPO trong nước để ACV có vốn cho các kế hoạch phát triển của mình” - ông Augustin de Romanet khẳng định.

Về năng lực phát triển cảng hàng không, ACV mong muốn tìm kiếm các đối tác trong 5 năm qua đã phát triển nhà ga và các tiện ích liên quan trong cảng hàng không có công suất trên 20 triệu khách/năm và có kinh nghiệm phục vụ trên 40 hãng hàng không quốc tế hoặc liên minh hàng không trên thế giới.

Đồng thời, nhà đầu tư chiến lược vào ACV cũng cần có doanh thu hợp nhất trung bình 2 tỷ USD/năm, lợi nhuận hợp nhất trung bình trên 200 triệu USD/năm trong 5 năm qua và cam kết giúp ACV tài trợ đủ khoản vay ưu đãi để xây Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Một điều kiện tiên quyết khác khác cũng được ACV đưa ra nhằm đảm bảo cam kết phát triển lâu dài là nhà đầu tư không chuyển nhượng số cổ phần đã mua từ ACV trong thời gian tối thiểu 5 năm, kể từ thời điểm hoàn tất CPH ACV.

Ngoài ra, trong chiến lược phát triển doanh nghiệp sau CPH, ACV đặt mục tiêu cải thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng hàng không với nhiều dự án lớn. Trong đó có dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Nội Bài trở thành cảng hàng không cấp 4F theo tiêu chuẩn ICAO, tổng công suất dự kiến khoảng 50 triệu khách/năm. Cùng với đó mở rộng cảng hàng không Cát Bi, nhà ga hàng không, sân đỗ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; đầu tư khu hàng không Cảng hàng không Vinh, Cảng hàng không Thọ Xuân, đường cất hạ cánh và nhà ga hàng không Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh...

Để thực hiện các dự án trên, ACV kỳ vọng việc CPH sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn từ các thành phần kinh tế vào lĩnh vực phát triển hạ tầng hàng không, với tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2015-2020 là 43.374 tỷ đồng.

Các tin khác