Đam mê sưu tập cổ vật quý

Năm nay gần 50 tuổi, vẫn còn độc thân nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn thật sự là người hạnh phúc và sang trọng nhất ở phố núi trên cao nguyên Lang Biang. Nói vậy, bởi ông đã làm được những điều theo đúng sở thích của mình và hiện là chủ nhân của một bộ sưu tập có một không hai ở Đà Lạt: bộ sưu tập những cổ vật và hiện vật của Đà Lạt xưa và nay đang được trưng bày trong khuôn viên Khu du lịch Thung lũng Tình Yêu.

Năm nay gần 50 tuổi, vẫn còn độc thân nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn thật sự là người hạnh phúc và sang trọng nhất ở phố núi trên cao nguyên Lang Biang. Nói vậy, bởi ông đã làm được những điều theo đúng sở thích của mình và hiện là chủ nhân của một bộ sưu tập có một không hai ở Đà Lạt: bộ sưu tập những cổ vật và hiện vật của Đà Lạt xưa và nay đang được trưng bày trong khuôn viên Khu du lịch Thung lũng Tình Yêu.

3.000 đồ cổ quý hiếm

Ở đó có trên 1.000 hiện vật với nhiều đồ cổ quý hiếm, lạ mắt gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố du lịch nổi tiếng trên cao nguyên Lang Biang xinh đẹp. Đó là chiếc máy tính tiền được sản xuất từ giữa thế kỷ 18, hàng chục chiếc máy hát đĩa quay dây thiều hiệu Pathe của Pháp với đủ kích cỡ, chiếc máy may hiệu Singer cực nhỏ.

Ngoài ra, còn có các bộ sưu tập tiền Việt cổ, bao gồm tiền Bảo Đại, Đông Dương, Pháp thuộc, Việt Minh; và cả những bộ sưu tập gốm sứ từ đời nhà Minh (Trung Quốc)…

 Ông Nguyễn Văn Tuấn bên dàn máy nghe nhạc cổ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn bên dàn máy nghe nhạc cổ. 

Nhưng làm sao để có những của hiếm đó trong khi ông không có việc làm ổn định? Trong một buổi chiều gặp gỡ, ông Nguyễn Văn Tuấn tâm sự: “Lúc nhỏ, tôi mê môn lịch sử và cũng rất thích chơi đàn guitar. Học xong cấp 3, tôi cùng vài người bạn chơi trong một ban nhạc ở khu phố rồi lên phường và cấp thành phố. Tôi kiêm luôn nghề dạy đàn cho các em học sinh và những người có nhu cầu để sống qua ngày”.

Năm 1992, ông Tuấn tình cờ nhìn thấy một chiếc lư đồng cũ có nhiều hoa văn lạ tại một vựa phế liệu ở Đà Lạt, ông nghi là đồ cổ nhưng lại không mua được vì không đủ tiền. Ức lắm, nên bắt đầu từ đó ông Tuấn vừa chơi nhạc, vừa đi dạy đàn rồi dành dụm tiền bạc để có thể mua được những món đồ mình ưng ý.

Đến năm 1995, ông Tuấn đã có bộ sưu tập trên 100 món, trong đó có nhiều món quý giá, như: bộ đĩa sứ tráng men ngọc (celadon) mà các vua chúa thường dùng để phát hiện độc tố (nếu thức ăn có chất độc sứ sẽ đổi màu) hay như những chiếc máy hát đĩa quay dây thiều hiệu Pathe của Pháp sản xuất từ nửa đầu thế kỷ 20…

Cũng năm 1995, “nhà sưu tầm trẻ” bị sập bẫy khi bỏ ra một số tiền lớn mua hàng chục chiếc đĩa đời Tống, nhưng khi đem về xem lại mới phát hiện đó là những sản phẩm… gốm Lái Thiêu (Bình Dương).

Buồn mất mấy ngày, ông Tuấn phải lo “cày” để trả nợ cho khoản học phí cay đắng ấy. Đam mê chơi đồ cổ, ông quyết định thi vào khoa Sử, Đại học Đà Lạt để tăng thêm nguồn tri thức về lịch sử đồng thời tìm kiếm các tài liệu liên quan đến cổ vật để bổ khuyết cho những kiến thức còn quá ít ỏi của mình.

Ông Tuấn cần mẫn sưu tập. Cứ thế, đến nay bộ sưu tập của ông đã khá phong phú, đa dạng với trên 3.000 cổ vật và hiện vật của Đà Lạt xưa và nay, trong đó một nửa được trưng bày tại Khu du lịch Thung lũng Tình Yêu, số còn lại được cất giữ ngổn ngang tại nhà mẹ như một nhà kho lớn.

Đó là những cái hũ quý được chế tác từ đời Minh với chi chít những vết men rạn tự nhiên theo dấu chân chim như những mạch máu trong cơ thể, là hàng trăm hiện vật gốm sứ Celadon, là những bộ đồ trà cổ xưa… Đó còn là hàng chục chiếc máy hát đĩa quay dây thiều, những chiếc lò sưởi, bếp củi của Pháp do người Pháp mang theo để dùng trong thời gian công cán tại Đà Lạt trong những thập niên 30-40 của thế kỷ 20, là bảng sắc phong “Tiết hạnh khả phong” của vua Bảo Đại ban cho một phụ nữ ở Đà Lạt vào những năm 40 của thế kỷ trước…

Kho cổ vật của ông Tuấn thật sự làm tôi ngỡ ngàng. Thế nhưng, hiện tại ông vẫn phải vừa chơi nhạc vừa làm MC cho các đám cưới, tiệc liên hoan, vừa đi dạy đàn để có tiền đổ vào “cuộc chơi” chưa có điểm dừng của mình.

Lưu giữ nét độc đáo Đà Lạt xưa

 Ông Nguyễn Văn Tuấn thổ lộ: “Tôi còn nợ tiền nhiều lắm nên vẫn chưa mua được chiếc máy tính để làm tư liệu cho bộ sưu tập. Có khi vừa trả xong khoản này tôi lại phải đi vay mượn tiếp vì nếu không có tiền sẽ không mua được những món đồ mình thích. Và nếu mình không mua lập tức các vựa ve chai sẽ đập bẹp dí để cân phế liệu. Nhiều khi cũng rất cần tiền, nhưng nếu phải bán đi một món đồ nào đó tôi lại thấy tiếc. Với lại, mục đích của tôi là muốn lưu giữ những món đồ này như một nét văn hóa của thời quá vãng Đà Lạt cho mai sau nên tôi xác định mình chỉ là một nghệ nhân chớ không thể là thương nhân”. Nhưng sao không lấy vợ để bớt nhọc nhằn? - tôi thắc mắc.

Tuấn cười buồn rồi nói như giãi bày: “Trước đây, tôi cũng đã có quen một vài cô, nhưng hầu hết các cô đều không “sướng” lắm với công việc sưu tầm, lưu giữ cổ vật như tôi. Có cô còn hỏi: món này bán được bao nhiêu vậy anh? Thấy mình không hợp nên tôi đành lặng lẽ rút lui”. Còn bây giờ thì sao? Tuấn mỉm cười vẻ bí mật.

Quả thật, đến xem phòng trưng bày hiện vật ở Thung lũng Tình Yêu và nghe ông kể chuyện, tôi đã trải qua từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tôi tự hỏi, vì sao ông lại dám liều cả nửa đời người chỉ với mơ ước để cho mai sau du khách trong, ngoài nước và cả người Đà Lạt biết được những nét độc đáo trong từng công việc như bếp núc, nghe nhìn, giải trí… của người Đà Lạt ở thế kỷ trước?

Ông quả thật là người hạnh phúc và sang trọng, bởi như ai đó đã từng nói: “Sang trọng là làm được những điều mình thích”. Tôi chúc ông thành công với đam mê của mình và cũng ao ước làm sao có một ngôi nhà đủ rộng để Nguyễn Văn Tuấn trưng bày đầy đủ những hiện vật của Đà Lạt xưa và nay để mọi người có dịp thưởng thức và chiêm nghiệm.

Các tin khác