Cuộc chiến 3G: Cập kênh giá cả, chất lượng

Báo cáo “Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam năm 2014” do hãng nghiên cứu thị trường GFK và Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) cùng các nhà mạng vừa công bố cuối tháng 4-2015, đã dấy lên một cuộc tranh cãi quyết liệt trong cộng đồng người dùng 3G, khi có đến 92% người dùng đồng ý tăng giá cước. Sự cập kênh giữa giá và chất lượng 3G vẫn tiếp tục là một bài toán đau đầu kể cả khi 4G đã cận kề.

Báo cáo “Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam năm 2014” do hãng nghiên cứu thị trường GFK và Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) cùng các nhà mạng vừa công bố cuối tháng 4-2015, đã dấy lên một cuộc tranh cãi quyết liệt trong cộng đồng người dùng 3G, khi có đến 92% người dùng đồng ý tăng giá cước. Sự cập kênh giữa giá và chất lượng 3G vẫn tiếp tục là một bài toán đau đầu kể cả khi 4G đã cận kề.

Chất lượng hay giá cước?

Cụ thể, theo kết quả khảo sát của GFK, chỉ 8% người được hỏi chọn mục “Không đồng ý tăng” trong khi có đến 92% người dùng chọn các đáp án đồng ý tăng cước 3G theo nhiều mức khác nhau. Kết quả này ngay lập tức đã tạo nên phản ứng trái chiều trên cộng đồng mạng, đặc biệt là việc nghi ngờ về một sự “dọn đường” cho đợt tăng giá cước mới.

Mặc dù các nhà mạng đã ngay lập tức khẳng định không có chuyện tăng giá, tuy nhiên nhiều chuyên gia viễn thông lẫn người dùng đều cho rằng tăng cước chỉ là việc sớm hay muộn mà thôi. Điều này càng có cơ sở khi tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cũng cho rằng hiện nay các loại cước phí của Việt Nam đang bán dưới giá thành. Việt Nam là một trong những nước có giá cước 3G rẻ nhất.

Tăng giá là cần thiết nhằm bảo đảm cho nhà cung cấp dịch vụ có lãi để đầu tư hạ tầng. Nếu tăng giá do cạnh tranh không lành mạnh, tăng giá không đúng quy định của pháp luật rõ ràng là bất hợp lý. Nhưng nếu tăng giá theo đúng quy định của pháp luật và tăng giá nhằm góp phần đầu tư nâng cao chất lượng dich vụ tốt hơn, chúng ta nên ủng hộ.

Ông Nguyễn Bắc Son,
Bộ trưởng Bộ TT-TT

Còn nhớ 2 năm trước, vào tháng 4 và tháng 10-2013, việc bắt tay nhau cùng tăng cước 3G của các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đã trở thành một trong những câu chuyện nóng nhất trên thị trường viễn thông. Tại các thời điểm đó, các nhà mạng đều viện dẫn do giá dịch vụ bán ra chỉ bằng 35-68% giá thành nên bắt buộc phải tăng giá.

Cụ thể, giá thành trung bình kế hoạch của năm 2013 đối với dịch vụ 3G là 167,66 đồng/MB (chưa tính thuế GTGT) và 184,4 đồng/MB (gồm thuế GTGT). Trong khi đó, giá cước trung bình trên thị trường là 100 đồng/MB (gồm thuế GTGT), chỉ bằng 54% giá thành. Giá cước sau đợt điều chỉnh cũng trung bình 111 đồng/MB, chỉ bằng 34,9% so với mức giá của khu vực ASEAN (318 đồng).

So sánh tương đối theo thu nhập bình quân đầu người, giá cước 3G của Việt Nam chỉ bằng 18% (trả trước) và 27% (trả sau) so với mặt bằng chung thế giới và bằng 34% (trả trước) và 57% (trả sau) so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, lý do này không được người tiêu dùng chấp nhận bởi chất lượng dịch vụ 3G quá tệ. Một báo cáo của hãng Nielsen cũng trong năm 2013, đã chỉ ra rằng chỉ số hài lòng của người dùng đối với chất lượng dịch vụ 3G giảm từ 71/100 điểm năm 2011 xuống còn 64 điểm vào năm 2012.

2 năm đã trôi qua, 3G đã có một bước phát triển cực kỳ mạnh mẽ, trở thành một trong những công nghệ được đánh giá là thay đổi đời sống của người dân. Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng, tại Việt Nam, đến nay 3G đã phủ sóng tại 63 tỉnh thành, trên 90% dân số, số lượng thuê bao 3G đã tăng lên đến gần 29 triệu thuê bao.

Độ phổ cập này đã nâng mức độ hưởng thụ thông tin, giải trí… của người dân tăng lên vượt bậc. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của 3G không tỷ lệ thuận với chất lượng. Theo báo cáo mới nhất ngày 23-4-2015 của Nielsen, 57% người dùng muốn nhà mạng cải thiện tốc độ đường truyền và chỉ 55% số người dùng hài lòng với dịch vụ 3G. Rõ ràng, độ phủ sóng tăng lên, lượng thuê bao không ngừng tăng nhưng tỷ lệ người dùng hài lòng lại liên tục giảm có thể gợi ra không ít suy nghĩ cho những ai quan tâm đến phân khúc này trên thị trường viễn thông.

Cuộc chiến sẽ quyết liệt?

Mặc dù mức độ hài lòng của người dân chưa cao nhưng theo các chuyên gia viễn thông, với nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt là việc phát triển như vũ bão của các ứng dụng OTT, tương lai của 3G ở Việt Nam thực sự là một con đường sáng. Cụ thể, nhà mạng còn nhiều cơ hội để phát triển dịch vụ 3G khi tỷ lệ người dùng di động đã sử dụng 3G ở 3 thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng) chưa đến 50%; 87% người dùng 3G dùng dịch vụ OTT; 79% người dùng 3G chưa biết về dịch vụ 4G.

Theo các chuyên gia, những con số hấp dẫn này sẽ đẩy thị trường 3G bước vào một cuộc đua tranh quyết liệt giữa các nhà mạng, đặc biệt trong xu hướng chung nhu cầu thoại ngày càng giảm, nhu cầu data (dữ liệu) ngày càng tăng. Thứ trưởng TT-TT Lê Nam Thắng cũng khẳng định, Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng của thế giới và sẽ đến thời điểm người dùng được miễn phí cước thoại, chỉ tính cước data.

Theo ông Tenny Sum (tư vấn cao cấp về chính sách của Tập đoàn Huawei), Việt Nam cũng sẽ đi theo xu hướng ra các gói cước viễn thông miễn phí cuộc gọi. Doanh thu chính nhà mạng thu được từ dịch vụ này là data, không phải thoại.Chuyên gia của Huawei khẳng định, xây dựng mô hình giá chính là chìa khóa thành công cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

Chẳng hạn, Hồng Công cho thêm khách hàng những phút gọi điện miễn phí trong các gói cước 3G. Chính sách và những gói cước kiểu này đều đã được các nhà mạng lớn ở Hoa Kỳ và châu Âu áp dụng khá lâu. Khách hàng đóng một số tiền hàng tháng để sử dụng những gói dữ liệu và sẽ được miễn phí những phút gọi, tin nhắn tương đương với gói cước đã đóng.

Về căn bản, các mức cước chủ chốt của 3 nhà mạng Viettel-VinaPhone-MobiFone giống nhau. Vì vậy sự cạnh tranh quyết liệt nhất sẽ diễn ra ở chất lượng mạng, dịch vụ chăm sóc khách hàng, các chương trình khuyến mại và điều này dù có tăng giá cước hay không, chắc chắn người tiêu dùng cũng sẽ được lợi.

Ông Tenny Sum,
chuyên gia của Tập đoàn Huawei Việt Nam

Trên thực tế, các nhà mạng Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị cho xu hướng này từ đầu năm 2014, thể hiện bằng việc xin giảm cước thoại, bất chấp doanh thu sẽ giảm. Và điều này báo hiệu một cuộc chiến sẽ bắt đầu trong thời gian tới. Nhìn nhận lại miếng bánh 3G, dù có sự góp sức của các nhà mạng nhỏ như Vietnammobile, tuy nhiên, cuộc chiến thực sự chỉ diễn ra ở 3 ông lớn Viettel - VinaPhone - MobiFone, trong đó Viettel đang chiếm ưu thế.

Nếu năm 2013, thị phần 3G của Viettel chỉ ở mức 41,76%, cuối năm 2014 con số này đã lên đến khoảng 50% với hơn 14 triệu người dùng. Tức cứ 2 người Việt Nam có dùng 3G, ít nhất 1 người sử dụng mạng Viettel. Sự lớn mạnh của nhà mạng này có nguyên nhân chính đến từ độ phủ sóng rất rộng.

Tính đến cuối năm 2014 Viettel có hơn 29.000 trạm BTS 3G và là mạng có số trạm 3G lớn nhất phủ sóng toàn quốc, tới tất cả các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo… Người dùng 3G của Viettel không lo mất kết nối với internet khi đi bất kỳ đâu tại Việt Nam. Đây là một ưu thế các mạng di động khác không có được. Ưu thế này của Viettel sẽ đẩy cuộc chiến trên thị trường 3G vào một bước tiến mới, đặc biệt trong bối cảnh việc triển khai mạng 4G đã cận kề.

Theo thông tin từ VinaPhone, 3G sẽ là chiến lược phát triển của nhà mạng này trong thời gian tới. Nhà mạng này đã nâng cấp mạng 3G lên công nghệ HSPA+ (3,5G), có thể cung cấp tốc độ dữ liệu tối đa lên đến 21 Mbps. Như vậy, tốc độ mạng 3G của VinaPhone đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm bắt đầu cung cấp dịch vụ này vào tháng 10-2009.

VinaPhone cũng không giấu diếm tham vọng sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ phi thoại hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2013, VinaPhone đã có trên 90 dịch vụ phi thoại được cung cấp với doanh thu đạt tỷ lệ trên 55% tổng doanh thu cước dịch vụ của mạng di động này. MobiFone cũng hứa hẹn sẽ có những cuộc bứt phá ngoạn mục khi đã xác định rõ, thoại không phải xu hướng của tương lai và 3G đang mở ra một thị trường mới đầy tiềm năng.

Hướng nào cho 3G?

Tăng giá hay đa dạng gói cước vẫn là câu hỏi lớn dành cho 3G, trong bối cảnh thị trường vẫn còn rất rộng mở với đến hơn 100 triệu thuê bao di động vẫn chưa sử dụng đến công nghệ này. Theo báo cáo của các nhà mạng, đến thời điểm này, việc đầu tư cho 3G vẫn là cuộc chơi tốn kém, thực sự chưa “hoàn vốn” dù lượng thuê bao đã tăng ít nhất gấp 4 lần so với trước.

Chính vì vậy, phương án tăng giá vẫn còn được bỏ ngỏ. Một phương án khôn ngoan hơn đó là tiếp tục đa dạng hóa các gói cước để mở rộng đối tượng khách hàng.  Theo đại diện MobiFone, nhà mạng này chưa nghĩ tới việc tăng giá trước mắt mà tập trung đưa ra những gói cước 3G mới có dung lượng lớn hơn và ưu đãi nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày một tăng của khách hàng.

Thí dụ như gói cước 3G FCU90 ưu đãi hơn hẳn gói cước FCU70 trước đó với mức 90.000 đồng/tháng được sử dụng 1 GB tốc độ cao. Tốc độ tối đa của tất cả các gói cước: 7,2 Mbps/1,5Mbps (download/upload). MobiFone đang tung ra ưu đãi cho khách hàng được sử dụng gói cước này được sử dụng tới 1,5 GB tốc độ cao. So với gói FCU70 thì gói cước sau chỉ tăng 20.000 đồng nhưng lưu lượng tốc độ cao lại gần gấp đôi so với trước (600Mb)

Trong cuộc chiến 3G giữa các nhà mạng, người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi.

Trong cuộc chiến 3G giữa các nhà mạng, người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi.

Nhà mạng VinaPhone cũng khẳng định chưa có bất cứ phương án tăng cước 3G mà tập trung vào các gói cước đã có và có thể sẽ đưa ra những chính sách mới để kích cầu dịch vụ 3G. Ông lớn Viettel cũng cho biết đang cơ cấu lại các gói cước và đưa ra thêm một số gói cước mới phù hợp với xu hướng sử dụng 3G của người dùng.

Thể hiện cho điều này là việc Viettel vừa tung ra gói cước 3G có mức cước tương tự như gói cước FCU90 của MobiFone và có ưu đãi dung lượng lớn hơn các gói cước 3G chi phí thấp hơn được đưa ra trước đó. 

Theo các chuyên gia viễn thông, trong vòng vài năm tới, cùng với việc giảm cước thoại, người tiêu dùng cần phải làm quen với việc cước data có thể tăng, bởi tất cả nhà mạng lớn đều đã nhận thức rõ được xu hướng dịch chuyển trên thị trường. Vấn đề là nếu chất lượng không đi cùng với giá cước, các nhà mạng có thể đánh mất một lượng lớn thuê bao, bởi hiện nay internet đang phát triển như vũ bão và wifi cũng đã trở nên phổ biến ở các thành phố lớn - nơi tập trung cao nhất các thuê bao 3G.

Các tin khác