4G - nhà mạng chưa sẵn sàng

Giữa lúc 3G đang được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ thì theo lộ trình của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), đầu năm 2016 Việt Nam sẽ triển khai 4G. Với những ưu thế vượt trội, 4G có thể khiến cuộc đua trên thị trường cung cấp dịch vụ data càng trở nên sôi động và quyết liệt. Tuy nhiên, động thái chính của các nhà mạng hiện nay vẫn là tiếp tục mở rộng 3G thay vì sốt sắng với công nghệ mới này, kể cả những nhà mạng đang khá lép vế trong cuộc đua 3G như VinaPhone hay MobiFone. Đâu là nguyên do?

Giữa lúc 3G đang được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ thì theo lộ trình của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), đầu năm 2016 Việt Nam sẽ triển khai 4G. Với những ưu thế vượt trội, 4G có thể khiến cuộc đua trên thị trường cung cấp dịch vụ data càng trở nên sôi động và quyết liệt. Tuy nhiên, động thái chính của các nhà mạng hiện nay vẫn là tiếp tục mở rộng 3G thay vì sốt sắng với công nghệ mới này, kể cả những nhà mạng đang khá lép vế trong cuộc đua 3G như VinaPhone hay MobiFone. Đâu là nguyên do?

4G - công nghệ ưu việt

 

4G (fourth generation), là công nghệ truyền thông không dây thứ tư, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa trong điều kiện lý tưởng lên tới 1 cho đến 1,5 Gb/giây. Nói một cách dễ hiểu, nếu như thông thường, hầu hết các mạng 3G hiện tại đều có tốc độ từ 400 Kbps  cho đến 1,5 Mbps, một mạng không dây sử dụng công nghệ 4G sẽ có tốc độ nhanh hơn mạng 3G từ 4 đến 10 lần.

Điều này sẽ mang đến ưu thế vượt trội cho 4G trong việc truyền tải những dịch vụ dữ liệu rất lớn như hội nghị truyền hình, chơi game trực tuyến, xem phim… Những thao tác thông thường trên mạng internet như lướt web hay mail không còn là vấn đề lớn. Đặc biệt, 4G có thể thay thế một cách hoàn hảo các đường truyền internet cố định (kể cả đường truyền cáp quang) với tốc độ không thua kém, vùng phủ sóng rộng lớn hơn và có tính di động rất cao.

Kể cả khi Việt Nam có 4G thì 3G và 4G sẽ vẫn tồn tại song song trong một thời gian rất dài, như GSM 2G đã tồn tại 20 năm nay. 4G giống như hệ thống đường cao tốc, được xây dựng ở một số tuyến đường đặc biệt, phục vụ một số nhu cầu đặc biệt. Một khi chạy lên đó người dùng phải chấp nhận trả phí cao hơn. Ngược lại, những ai không có nhu cầu cứ tiếp tục đi theo đường bình thường và sẽ không phải trả thêm phí.

Ông Thiều Phương Nam,
Tổng giám đốc Qualcom Việt Nam

Chưa hết, theo ông Qin Liang, Phó Chủ tịch phụ trách mảng sản phẩm LTE của Huawei, nếu lấy 3G làm đối trọng so sánh, khác biệt lớn nhất sẽ là chi phí trên 1 bit. “Có một thực tế là nhu cầu dùng dữ liệu ngày càng tăng lên, nhưng người ta lại không muốn trả tiền nhiều hơn. Như vậy chúng ta phải cung cấp tốc độ cao hơn với cùng chi phí và 4G chính là giải pháp mà chi phí trên mỗi bit rẻ hơn hẳn” - ông Qin Liang cho biết.

Theo báo cáo của Ericsson Mobility Report, tới năm 2020, thế giới sẽ có 3,5 tỷ thuê bao công nghệ 4G LTE tương đương với 70% dân số toàn cầu. Theo đó, năm 2020 số lượng thuê bao băng rộng di động cũng sẽ chiếm 90% tổng số thuê bao di động.

Số liệu của Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA) cũng cho thấy tính đến cuối năm 2014, thế giới có 360 mạng 4G đã được thương mại hóa tại 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Còn theo số liệu của Informa, số người sử dụng 4G trên toàn cầu hiện đạt 400 triệu và dự kiến sẽ đạt 1 tỷ người dùng vào năm 2017.

Như đã phân tích, xu hướng giảm cước thoại, thậm chí miễn phí và chỉ thu cước data đang thực sự hiện hữu tại Việt Nam. Điều này càng khiến việc triển khai 4G chỉ là “một sớm một chiều”. Với mô hình 2G dành cho dịch vụ thoại, 3G dành cho dịch vụ dữ liệu cơ bản và 4G dành cho dịch vụ tốc độ cao, các nhà mạng sẽ có được sự định vị hệ thống ưu việt nhất.

Tuy nhiên, có một thực tế là dù các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối như Samsung, Huawei, Qualcom đều khẳng định Việt Nam không nên bỏ qua thời điểm vàng để triển khai đồng loạt 4G, thậm chí Bộ TT-TT cũng khẳng định 4G đã ở vào thời điểm chín muồi, động thái chung của các nhà mạng như Viettel, MobiFone hay VinaPhone vẫn là thận trọng và khá dè dặt. Một trong những lý do các nhà mạng đưa ra là điều kiện kinh tế của phần lớn người dân Việt Nam chưa thích hợp để mua thiết bị đầu cuối có hỗ trợ công nghệ này với mức giá 60-70USD.

Cuộc chơi nhiều tốn kém

Theo các chuyên gia viễn thông, chi phí chắc chắn là rào cản lớn nhất để các nhà mạng hào hứng với 4G, trong khi đến nay 3G vẫn chưa đủ để bù lỗ sau 5 năm triển khai. Thực tế cho thấy, 4G là một cuộc chơi đầy tốn kém bởi để nâng được thêm một G, nhà mạng bắt buộc phải tiến hành nâng cấp hệ thống với chi phí rất cao.

Còn nhớ, khi triển khai mạng 3G, các doanh nghiệp viễn thông đã phải đầu tư 2,5 tỷ USD cho mạng lưới trong thời gian 2009-2012 và 4G có thể sẽ còn cao hơn. VinaPhone từng thẳng thắn chia sẻ vấn đề cung cấp cơ sở hạ tầng cho việc triển khai dịch vụ 4G rất lớn, ít nhất phải mất 80.000-100.000 vị trí đặt các trạm mới đáp ứng được việc triển khai 4G. Trong khi đó, từ thực tế của 3G, có thể thấy khó có thể tăng mức cước 4G cao hơn so với giá cước 3G hiện nay.

Chưa hết, ngành công nghiệp nội dung số nước ta đến thời điểm này vẫn còn nghèo nàn, đã trở thành rào cản lớn cho sự phát triển của 4G. Có một thực tế đáng suy ngẫm, dù 3G đã triển khai được 5 năm, độ phủ sóng lên tới 90% dân số, tuy nhiên ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam vẫn còn được xem là mới mẻ.

Đơn cử, trên nền tảng 3G, người sử dụng hiện nay chủ yếu mới dùng để lướt web, nghe nhạc, xem video… trong khi đó, công nghệ này có thể đáp ứng những nhu cầu lớn hơn như xem tivi, xem phim, chơi game, các dịch vụ dữ liệu lớn... Trong khi đó, khi triển khai 4G, nhà mạng phải triển khai nhiều dịch vụ giá trị gia tăng để các thuê bao dùng dịch vụ dữ liệu nhiều hơn vì đây là các dịch vụ sẽ làm tăng doanh thu cho nhà mạng.

Chính Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cũng thừa nhận, nếu chỉ đơn thuần lướt web, mail, người dùng sẽ chẳng cần đến 4G, nhất là khi chất lượng 3G đang ngày càng tốt hơn. Công dụng của 4G chủ yếu là để xem tivi, chơi game, để tải những dịch vụ dữ liệu rất lớn.

Đây cũng được xem là một trong những lý do mà 4G cho đến thời điểm hiện tại vẫn tạm thời chỉ mang tính chất là cuộc dạo chơi của các nhà mạng. Dù khẳng định là đã sẵn sàng, thời điểm chính thức triển khai công nghệ này chắc chắn sẽ được các đại gia viễn thông cân nhắc và xem xét chặt chẽ hơn trước rất nhiều.

Các tin khác