Động đất-chấn động kinh tế (K3): Sumatra-thảm họa lịch sử

Ngày 26-12-2004, trận động đất mạnh hơn 9 độ richter xảy ra ở ngoài khơi đảo Sumatra, Indonesia đã tạo ra các cơn sóng thần tấn công vào bờ biển của 14 quốc gia ven Ấn Độ Dương, cướp đi sinh mạng của hơn 280.000 người tại Indonesia, Thái Lan, Sri Lanka và nhiều quốc gia khác; đồng thời gây thiệt hại hàng tỷ USD.

Ngày 26-12-2004, trận động đất mạnh hơn 9 độ richter xảy ra ở ngoài khơi đảo Sumatra, Indonesia đã tạo ra các cơn sóng thần tấn công vào bờ biển của 14 quốc gia ven Ấn Độ Dương, cướp đi sinh mạng của hơn 280.000 người tại Indonesia, Thái Lan, Sri Lanka và nhiều quốc gia khác; đồng thời gây thiệt hại hàng tỷ USD.

Thương vong kinh hoàng

Với cường độ 9,1-9,3 độ richter, đây là trận động đất lớn thứ hai từng được ghi nhận bởi địa chấn kế, chỉ đứng sau trận động đất ở Chile ngày 22-5-1960 có cường độ 9,5 độ richter. Trận động đất có thời gian kéo dài lâu nhất người ta có thể ghi nhận được: 500-600 giây. Cường độ và độ lan tỏa của nó đủ lớn để có thể khiến trái đất dịch chuyển ít nhất 0,5 inch. Nó cũng kích hoạt các trận động đất ở những khu vực khác, đến tận Alaska (Hoa Kỳ).

Cơn địa chấn khủng khiếp này khởi phát ở Ấn Độ Dương ngay phía Bắc đảo Simeulue, ngoài khơi bờ biển phía Tây của miền Bắc Sumatra, Indonesia. Trận động đất làm phát sinh những con sóng thần cao đến 30m, tàn phá vùng duyên hải Indonesia, Sri Lanka, Nam Phi, Thái Lan và những quốc gia khác. Theo Bộ Y tế Indonesia, chỉ tính riêng tại nước này, số người thiệt mạng đã lên đến 220.000 người. Ước tính tổng số người chết lên đến 280.000 người ở các nước bị ảnh hưởng. Nếu tính theo số người chết, đây là 1 trong 10 trận động đất tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử.

Người ta có thể dễ dàng nhận ra những tác hại trên cộng đồng ngư dân và những người sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, một số được xem là nghèo nhất vùng, mất kế sinh nhai, mất luôn tàu thuyền và phương tiện đánh bắt. Ở những vùng duyên hải thuộc Sri Lanka, nghề đánh bắt thủ công là nguồn cung cấp chính các loại cá trong vùng và công nghiệp thủy hải sản là hoạt động kinh tế chính, thu hút nhân công trực tiếp khoảng 250.000 người, tạo ra nguồn thu ngoại thương căn bản cho đất nước.

Song, theo ước tính ban đầu, đến 66% đội tàu đánh bắt hải sản và cơ sở hạ tầng công nghiệp trong vùng duyên hải đã bị tàn phá bởi những đợt sóng thần, làm đảo ngược hiệu quả kinh tế của địa phương và quốc gia.

Có một số kinh tế gia cho rằng thiệt hại kinh tế của những quốc gia bị ảnh hưởng không nghiêm trọng, vì những tổn thất trong ngành du lịch và đánh bắt hải sản chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong GDP. Nhưng có những cảnh báo về thiệt hại cơ sở hạ tầng, xem đó là nhân tố khó lường. Trong một số khu vực, đồng ruộng và nguồn cung cấp nước uống bị ô nhiễm trong nhiều năm do nước biển tràn vào.

“Một số hòn đảo ở Ấn Độ Dương sẽ vĩnh viễn không có người ở được do nhiễm mặn theo sau thảm họa Sumatra” - một bài báo trên tạp chí khoa học New Scientist viết. Các chuyên gia về nước cũng cảnh báo sự xâm mặn sẽ phá hủy đất trồng và nhiều cộng đồng dân cư sẽ phải phụ thuộc vào trợ giúp từ bên ngoài về cả thức ăn lẫn nước uống trong nhiều năm. Đất bị ngập nước biển trở nên cằn cỗi, cây cối và các loại vi sinh vật rất cần cho đất bị hủy diệt. Hàng ngàn cánh đồng trồng lúa và nông trại trồng xoài, chuối ở Sri Lanka bị hủy hoại hoàn toàn và phải mất nhiều năm để phục hồi.

Động đất và sóng thần cũng ảnh hưởng đến con đường hàng hải đi qua eo biển Malacca vì làm thay đổi độ sâu đáy biển, làm xáo trộn các phao hoa tiêu và những xác tàu chìm. Thiết lập hải đồ hoa tiêu mới phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm.

Các quốc gia trong vùng nỗ lực kêu gọi du khách trở lại, chỉ ra rằng hầu hết cơ sở hạ tầng du lịch vẫn còn nguyên vẹn. Dù vậy, du khách vẫn không mặn mà. Ngay cả những khu nghỉ dưỡng ven bờ Thái Bình Dương của Thái Lan, không bị tàn phá bởi sóng thần, nhưng bị suy sụp vì du khách hủy bỏ kỳ nghỉ. Tuy nhiên, 1 năm sau thảm họa sóng thần, ngành du lịch bắt đầu khởi sắc trở lại và phục hồi hoàn toàn vào năm 2006.

Tổn thất vĩnh viễn

Thiệt hại nặng nề nhất của trận động đất Sumatra là về môi trường. Có những bản tường trình về sự thiệt hại nghiêm trọng tác hại đến các hệ sinh thái như rừng đước, rặng san hô, rừng cây, vùng đất ngập mặn duyên hải, hệ thực vật, đồi cát, cấu tạo đá, nguồn nước ngầm, tính đa dạng sinh học động vật và thực vật. Hơn nữa, sự phát tán chất thải rắn và lỏng cùng các loại hóa chất, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, sự tàn phá hệ thống cống rãnh và những nhà máy xử lý đe dọa môi trường theo hướng khó lường.

Theo các chuyên gia, tác hại lớn nhất là ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm đất do nước mặn thâm nhập đất liền, tạo thành lớp muối trên bề mặt đất trồng trọt. Tại Maldives, có từ 16-17 đảo san hô vòng bị tràn ngập bởi sóng biển nên hoàn toàn không còn nước ngọt và được xem không thể phục hồi trong vài thập niên. Vô số giếng nước phục vụ các cộng đồng dân cư bị vùi lấp bởi đất, cát và nước biển; những tầng nước ngầm (aquifer) bị đá tàng ong xâm lấn. Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) dành 1 triệu USD cho quỹ khẩn cấp và thành lập một lực lượng đặc nhiệm để hợp tác với các chính phủ trong vùng xác định độ nghiêm trọng của những tác hại sinh thái và tìm cách định danh để xử lý chúng.

Cảnh hoang tàn ở tỉnh Aceh, Indonesia 2004.

Cảnh hoang tàn ở tỉnh Aceh, Indonesia 2004.

Chỉ có một điều duy nhất được xem là hệ quả tích cực của sóng thần là nước đã cuốn trôi cát tồn tại hàng thế kỷ trên những phế tích của thành phố cổ 1.200 năm tuổi tại Mahabalipuram ở bờ biển phía Nam Ấn Độ. Phế tích này có những kiến trúc quan trọng như tượng sư tử bằng đá granite chôn nửa thân người, nằm kế cận đền thờ Mahablipuram có từ thế kỷ thứ bảy, và những tượng đắp nổi hình một con voi, đây là một phần trong điều mà các nhà khảo cổ tin là một thành phố cảng cổ đại đã bị chìm sâu dưới đáy biển hàng trăm năm trước.

 Cho đến nay vẫn không có con số chính thức về tổng thiệt hại kinh tế do trận động đất Sumatra gây ra, nhưng số tiền chính phủ các nước ủng hộ các vùng bị thiệt hại lên tới 14 tỷ USD. Trong đó, chính phủ Australia ủng hộ 819,9 triệu USD, Đức ủng hộ 660 triệu USD, Nhật Bản ủng hộ 500 triệu USD, Canada ủng hộ 343 triệu USD, Na Uy và Hà Lan mỗi nước ủng hộ 183 triệu USD, Hoa Kỳ ủng hộ 35 triệu USD...

Ngoài ra, số tiền ủng hộ từ người dân các nước cũng rất lớn, nhưng không được thống kê đầy đủ. Chẳng hạn, người dân Anh ủng hộ 600 triệu USD, cao hơn ủng hộ của chính phủ, và bình quân mỗi công dân Anh ủng hộ 10USD. 

Các tin khác