Tôn vinh những người làm nên chiến thắng

Ngày 9-5 tới đây, các nước Đồng minh chống phát xít và hàng loạt các quốc gia, các tổ chức tiến bộ, yêu hòa bình trên thế giới sẽ tổ chức long trọng Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến II (1945-2015).

Ngày 9-5 tới đây, các nước Đồng minh chống phát xít và hàng loạt các quốc gia, các tổ chức tiến bộ, yêu hòa bình trên thế giới sẽ tổ chức long trọng Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến II (1945-2015).

Cuộc chiến này còn được gọi là Đại chiến thế giới thứ II, bắt đầu từ năm 1939 giữa lực lượng Đồng minh và phe Trục theo chủ nghĩa phát xít (Đức, Nhật, Italia), là cuộc chiến thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Chiến sự diễn ra trên hầu hết mọi lục địa, từ Đại Tây Dương, châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải, Thái Bình Dương cho đến Đông Á, Đông Nam Á. Khoảng 62 triệu người đã bị chết do cuộc chiến này, trong đó 60% là thường dân, chết vì bom đạn, dịch bệnh, đói kém và bị diệt chủng; nặng nhất là Liên Xô với 23 triệu người, Trung Quốc 10 triệu người, 16% dân số Ba Lan bị giết... Sau chiến tranh Liên hiệp quốc được thành lập, Hoa Kỳ và Liên Xô trỗi dậy trở thành 2 siêu cường quốc thế giới, chiến tranh lạnh bùng nổ...

10 giờ sáng ngày 30-4-1945, các binh sĩ Liên Xô thuộc Trung đoàn bộ binh 150, sư đoàn bộ binh 2, Phương diện quân Belorussia 1 đã cắm lá cờ chiến thắng lên nóc nhà Quốc hội Đức. Sau đó, mặc dù chiến sự ở khu vực Berlin cơ bản đã chấm dứt nhưng ở Tiệp Khắc, Áo, một số đảo trên biển Baltic quân Đức vẫn không chịu hạ vũ khí. Trước sức ép của quân Đồng minh trên toàn mặt trận, 22 giờ ngày 8-5 (0 giờ ngày 9-5 theo giờ Moscow và một số nước Tây Âu, Hoa Kỳ), Bộ tham mưu Phương diện quân Belorussia 1 đã tìm được một ngôi nhà còn nguyên vẹn trong một trường quân sự ngoại ô Berlin để dùng làm nơi ký kết văn kiện đầu hàng chính thức của nước Đức Quốc xã trước các đoàn đại biểu quân sự của 4 nước Đồng minh (Liên Xô, Anh, Hoa Kỳ, Pháp). Tuy nhiên, chiến sự nhiều nơi vẫn tiếp diễn, phải gần 1 tháng sau Ngày Chiến thắng (Vitory Day) 9-5, tình hình mới được kiểm soát, hòa bình mới cơ bản thiết lập ở châu Âu.

Ngày 22-11-2004, trong phiên họp thường niên, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã nhất trí nhìn nhận Chiến tranh thế giới II là thảm họa chưa từng có trong lịch sử loài người, cần phải xem Ngày Chiến thắng không chỉ là chiến thắng của các cường quốc đánh bại chủ nghĩa phát xít, mà còn phải xem đó là ngày toàn nhân loại tưởng niệm các nạn nhân của cuộc chiến tranh này, đặt tên gọi là Ngày Tưởng niệm và Hòa giải, với hàm ý vĩnh viễn không bao giờ để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới, mà hậu quả của nó có thể diệt vong loài người!

Để đi đến Ngày Chiến thắng, ở mặt trận phía Tây, trước đó 1 năm, ngày 6-4-1944, quân Đồng minh đã đổ bộ lên bờ biển Normandy, phía Bắc nước Pháp trên eo biển Manche, đối diện vương quốc Anh. Ngày này được mệnh danh là D-day, Ngày Dài nhất, diễn biến chiến sự khốc liệt nhất để giải phóng nước Pháp, thọc một mũi tiến công chiến lược làm sụp đổ Đức Quốc xã. Cuộc đổ bộ đã huy động đến 6.939 tàu thuyền, 1.213 tàu chiến, 4.126 tàu đổ bộ. Hỗ trợ cho D-day còn có 2.200 máy bay Anh-Hoa Kỳ tấn công các mục tiêu quân Đức dọc theo bờ biển, 24.000 quân Hoa Kỳ-Canada nhảy dù vào phía sau phòng tuyến địch, chiếm các điểm chiến lược phá vỡ bức tường phòng thủ Đại Tây Dương của Đức.

Trong cuộc đổ bộ lớn nhất lịch sử này, vào ngày đầu tiên có 160.000 quân Đồng minh đã vượt qua eo biển Manche và có đến 10.000 quân chết vào ngày thứ nhất; phía Đức mất 1.000 quân, dân chúng chết khoảng 3.000 người. Tại Normandy hiện nay có nhiều nghĩa trang chôn các chiến sĩ trận vong nhưng lớn nhất, ấn tượng nhất là Nghĩa trang Hoa Kỳ, ở bãi đổ bộ Omaha, nhìn ngay xuống bãi biển Normandy.

Nghĩa trang này là một công viên trắng toát các hàng cây thánh giá xếp hàng thẳng tắp trên bãi cỏ xanh, là nơi an táng 9.389 tử sĩ đã bỏ mình trong cuộc đổ bộ. Trên nhiều thánh giá, có nhiều chiến sĩ hy sinh ngay ngày đầu tiên đổ bộ. Mộ của Tướng Theodore Roosevelt Jr, con của Tổng thống Theodore Roosevelt - vị tướng Hoa Kỳ duy nhất đổ bộ lên Normandy, cũng là quân nhân nhảy xuống đất đầu tiên tại bãi Utah và hy sinh, cũng nằm tại đây cùng các binh sĩ khác một cách bình dị. Nhiều quân nhân chết mất xác chỉ có tên được khắc ghi trên bức tường tử sĩ.

Nghĩa trang Hoa Kỳ tại Normandy được quản lý bởi một đơn vị do một vị tướng phụ trách, được xây dựng với kiến trúc tôn nghiêm, độc đáo, hoành tráng và có thể nói là nghĩa trang đẹp nhất thế giới. Nơi đây là địa điểm tổ chức ngày Lễ Chiến thắng của Đồng minh vào các năm chẵn, là nơi thu hút các cựu chiến binh thế giới đến viếng đồng đội và người dân Hoa Kỳ đến tưởng niệm người thân; cũng là điểm dừng chân của khách du lịch để suy tưởng về một giai đoạn chiến tranh tàn khốc. Có thể nói đến đây ta có cảm giác người đã hy sinh vì nghĩa lớn không lẻ loi, luôn được thế hệ hôm nay tri ân, ngưỡng vọng. Phải chăng đó là cách tôn vinh người làm nên chiến thắng tốt nhất, để họ sống mãi trong tâm tưởng mọi người bất chấp thời gian.

 Một góc Nghĩa trang Hoa Kỳ ở Normandy. Du khách tham quan Nghĩa trang Hoa Kỳ. Tác giả bên mộ chiến sĩ hy sinh ngay ngày đổ bộ đầu tiên. Các địa điểm đổ bộ của quân Đồng minh ở Normandy. Những chiếc xe tăng Hoa Kỳ trong chiến dịch đổ bộ Normandy. Những hiện vật khí tài quân sự trưng bày tại Khu lưu niệm Thế chiến II. Tượng đài chiến sĩ đổ bộ hy sinh. Du khách lặng lẽ nhìn kỷ vật của một nữ chiến sĩ đã hy sinh.

Một góc Nghĩa trang Hoa Kỳ ở Normandy.

Tôn vinh những người làm nên chiến thắng ảnh 2

Du khách tham quan Nghĩa trang Hoa Kỳ.

 Tôn vinh những người làm nên chiến thắng ảnh 3

Tác giả bên mộ chiến sĩ hy sinh ngay ngày đổ bộ đầu tiên.

 Tôn vinh những người làm nên chiến thắng ảnh 4

Các địa điểm đổ bộ của quân Đồng minh ở Normandy.

Tôn vinh những người làm nên chiến thắng ảnh 5

Những chiếc xe tăng Hoa Kỳ trong chiến dịch đổ bộ Normandy.

 Tôn vinh những người làm nên chiến thắng ảnh 6
 Tôn vinh những người làm nên chiến thắng ảnh 7

Những hiện vật khí tài quân sự trưng bày tại Khu lưu niệm Thế chiến II.

 Tôn vinh những người làm nên chiến thắng ảnh 8

Tượng đài chiến sĩ đổ bộ hy sinh.

 Tôn vinh những người làm nên chiến thắng ảnh 9

Du khách lặng lẽ nhìn kỷ vật của một nữ chiến sĩ đã hy sinh.

Các tin khác