Động đất-chấn động kinh tế (K2): Nhật Bản-Thảm họa kép 2011

Ngày 11-3-2011, một trận động đất lên đến 9 độ richter ở ngoài khơi Nhật Bản đã tạo thành những cơn sóng thần cao đến 39m đánh vào nước này, tàn phá nhà cửa và cả những nhà máy hạt nhân, tạo ra thảm họa kép động đất - sóng thần - hạt nhân, làm hàng chục ngàn người chết và thiệt hại hàng trăm tỷ USD.

Ngày 11-3-2011, một trận động đất lên đến 9 độ richter ở ngoài khơi Nhật Bản đã tạo thành những cơn sóng thần cao đến 39m đánh vào nước này, tàn phá nhà cửa và cả những nhà máy hạt nhân, tạo ra thảm họa kép động đất - sóng thần - hạt nhân, làm hàng chục ngàn người chết và thiệt hại hàng trăm tỷ USD.

Động đất-chấn động kinh tế (K1): Nepal-chất chồng khó khăn

Chưa từng có

Sau thảm họa, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản chính thức xác nhận 15.854 người thiệt mạng, 9.677 người bị thương và 3.155 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản; hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. Trận động đất và sóng thần đã làm hệ thống đường bộ và đường sắt hư hại nặng, gây cháy nổ tại nhiều khu vực và làm một con đập bị vỡ.

Khoảng 4,4 triệu hộ gia đình rơi vào tình trạng mất điện, 1,5 triệu hộ bị mất nước. Nhiều nhà máy phát điện đã ngưng hoạt động và ít nhất 3 vụ nổ lò phản ứng do rò rỉ khí hydro đã xảy ra tại các lò phản ứng khi hệ thống làm mát bị hỏng hoàn toàn. Mọi cư dân trong phạm vi bán kính 20km từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và 10km từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima II đã phải sơ tán.

Thủ tướng Nhật Bản lúc đó, ông Naoto Kan, tuyên bố: "Trong vòng 65 năm từ sau Thế chiến thứ II, đây là cuộc khủng hoảng khó khăn và gay go nhất Nhật Bản phải đối mặt". Trận động đất mạnh đến nỗi đã di chuyển đảo Honshu 2,4m về phía Đông và làm lệch trục Trái đất khoảng 10cm. Ước tính thiệt hại lúc đầu tại những nơi bị ảnh hưởng của Nhật Bản vào khoảng 14,5-34,6 tỷ USD. Ngày 21-3-2011, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thiệt hại khoảng 122-235 tỷ USD, trong khi chính phủ Nhật Bản cho biết tổn thất do động đất và sóng thần có thể lên đến 309 tỷ USD - kỷ lục thế giới về thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nền kinh tế Nhật Bản còn chịu thiệt hại do nhiều công ty tạm ngừng hoạt động, gây ra những lo ngại về nguy cơ khủng hoảng tài chính tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Ông Janwillem Acket, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc hãng phân tích Julius Baer, nhận xét: "Trận động đất ngày 11-3 phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng không chỉ gây khó khăn cho hoạt động giao thông vận tải mà còn ảnh hưởng tới sản xuất, thương mại. Hàng hóa qua các cảng biển chiếm khoảng 7% tổng sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong khi những cảng này chỉ có thể trở lại hoạt động sớm nhất sau vài tháng”.

Ngày 14-3-2011, thị trường chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm điểm khi các nhà đầu tư ồ ạt bán ra, do lo sợ về cuộc khủng hoảng hạt nhân tiếp nối sau thảm họa động đất và sóng thần. Động thái bán tháo diễn ra ở tất cả mọi lĩnh vực kinh doanh, trong đó ngành điện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Với đà sụt giảm này, giá trị thị trường cổ phiếu Nhật Bản đã mất đi hàng trăm tỷ USD.

Không chỉ vậy, thảm họa kép còn đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, vì Nhật Bản vốn là nhà cung cấp nguyên liệu/linh kiện quan trọng cho ngành sản xuất toàn cầu. Các tập đoàn Nhật Bản ở thế độc quyền hoặc ở vị trí quan trọng trong việc cung cấp vật liệu tiên tiến, linh kiện và máy móc sản xuất cho ngành công nghiệp điện tử, ô tô và hàng không.

Nhật Bản chiếm tới 20% sản lượng sản xuất chất bán dẫn của thế giới, khi 2 nhà sản xuất hàng đầu về chất bán dẫn là Shin-Etsu và Sumco không có đối thủ tại Hoa Kỳ và châu Âu. Vì vậy, nếu bất kỳ nhà máy nào của 2 nhà cung cấp bị ảnh hưởng bởi trận động đất, ngành công nghiệp điện tử toàn cầu sẽ nhanh chóng chịu tác động.

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng khi các tập đoàn sản xuất ô tô lớn như Toyota, Honda, Nissan… phải tạm ngừng hoạt động. Ngành công nghiệp đóng tàu thế giới cũng bị tác động khi một số nhà máy sản xuất thép tại Nhật Bản, nơi cung cấp 40% lượng thép cho các công ty đóng tàu Hàn Quốc, ngừng hoạt động. Trong khi đó Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ ba thế giới về công nghiệp đóng tàu.

Nỗ lực tái thiết

Ngay sau khi thảm họa xảy ra, ngày 14-3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) rót 15.000 tỷ yen (183 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng để giảm thiểu ảnh hưởng thị trường tài chính. Sau đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã phân bổ ngân sách 25.000 tỷ yen (250 tỷ USD) cho kế hoạch tái thiết 5 năm ở các vùng trung tâm thảm họa.

Tuy nhiên, công cuộc tái thiết không hề đơn giản. Theo đài NHK, tính đến tháng 3-2015, hơn 50% trong tổng số 3.500 doanh nghiệp ở các vùng Đông Bắc Nhật Bản đã đạt mốc doanh số tương đương với giai đoạn trước thiên tai. Số doanh nghiệp còn lại báo cáo doanh số giảm.

Cùng với quyết tâm của chính phủ và nhân dân Nhật Bản, nhiều người tin rằng công cuộc tái thiết có thể kéo Nhật Bản ra khỏi giảm phát kéo dài. Các nhà quy hoạch thiết kế những bản vẽ thị trấn mới trên nền đất cao hơn, sử dụng năng lượng tái sinh và ấp ủ loại bỏ điện hạt nhân.

Tuy nhiên, một thực tế khiến việc tái thiết không như kỳ vọng là chính các ông chủ của các công ty xây dựng mới nắm quyền quyết định xây dựng dự án nào, không phải chính quyền địa phương hay trung ương. Chẳng hạn, dự án xây trường học mới ở thành phố Rikuzentakata đã thất bại vì nhiều công ty cho rằng chính quyền địa phương đã đưa ra mức kinh phí quá thấp. Trong bối cảnh giá nhân công và nguyên vật liệu gia tăng, các công ty có quyền và có lý do hợp lý để lựa chọn dự án.

Đặc biệt, các dự án xây nhà tái định cư cho những người phải di tản được triển khai rất chậm do các công ty không mặn mà. Theo khảo sát của báo Los Angeles Times, tính đến tháng 11 năm ngoái, có tới hơn 93.000 người mất nhà trong thiên tai năm 2011 vẫn phải sống trong các ngôi nhà tạm. Tokyo đã kéo dài chương trình nhà ở tạm đến năm 2017. “Tôi không biết khi nào mới có thể chuyển đến khu định cư mới" - cụ Kazuko Hamahata, một người tạm cư 79 tuổi, nói.

Cầu nguyện cho các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa kép ngày 11-3-2011.

Cầu nguyện cho các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa kép ngày 11-3-2011.

Bên cạnh ngành sản xuất phục hồi chậm chạp, các ngành khác như nông nghiệp và ngư nghiệp cũng rất ì ạch. Theo sau thảm họa, phần lớn đất nông nghiệp ở các địa phương bị nhiễm mặn hoặc phóng xạ. Để phục hồi ngành nông nghiệp, chính phủ đã chi 90 triệu USD để chở đất canh tác từ các nơi khác đến, tuy nhiên chương trình này cũng không mấy hiệu quả.

Đối với ngư nghiệp, chính phủ cho biết có tới 300/319 cảng ven biển đã được phục hồi. Tuy nhiên, Hiệp hội Nghề cá Nhật Bản công bố khảo sát vào tháng 2-2015 cho biết tốc độ phục hồi của ngành này tại vùng thiên tai diễn ra chậm so với kỳ vọng. Chỉ 50% trong số những công ty thủy sản ở các tỉnh Aomori, Iwate, Miyagi, Fukushima và Ibaraki báo cáo năng lực sản xuất phục hồi 80% so với mức trước thiên tai.

(Còn tiếp)

Các tin khác