Lão nông tạo dáng cổng cây

Ông Trịnh Nhân Kỳ ở thôn Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội), đã trồng và uốn hệ thống cổng và tường bằng cây ô-rô tuyệt đẹp. Giữa làng quê thanh bình, hàng rào của gia đình ông Kỳ đã được 23 năm tuổi hiện lên xanh mướt, trữ tình khiến du khách đến thăm ngày càng đông.

Ông Trịnh Nhân Kỳ ở thôn Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội), đã trồng và uốn hệ thống cổng và tường bằng cây ô-rô tuyệt đẹp. Giữa làng quê thanh bình, hàng rào của gia đình ông Kỳ đã được 23 năm tuổi hiện lên xanh mướt, trữ tình khiến du khách đến thăm ngày càng đông.

Người nông dân yêu cây

Vốn là một lão nông, nhưng ông Kỳ rất thích chơi cây cảnh. Từ thời thanh niên, ông đã mê mẩn những hàng tường rào bằng dâm bụt, ô-rô cũng như những gốc cổ thụ ở quê hương. Nhưng trước quá trình đô thị hóa, cây xanh trở nên hiếm dần, cổ thụ chỉ còn một vài cây, những chiếc tường cây dần biến mất. Ông ao ước có thể tự tay mình trồng và chăm sóc, tạo nên một hình cổng cây lớn để thỏa mãn tình yêu.

Vậy là, từ năm 1992, ông bắt tay vào công việc. Ông nhận thấy không gian nhà tuy không rộng nhưng rất phù hợp. Nếp nhà cổ ông vẫn giữ, trong khu sân gạch ông kê nhiều chậu cây cảnh các loại và vài lồng chim cảnh. Phía trước là ao làng lớn, một chiếc cổng hình cổng chùa hướng ra đó sẽ tạo ấn tượng mạnh. Ông Kỳ cho biết, trong mấy năm đó, ông cũng thấy lác đác ở các làng quê có hộ trồng loại cây này. Nhưng họ làm không đẹp. Ông muốn làm một tác phẩm nghệ thuật, chứ không đơn giản chỉ là tạo nên một hàng rào.

 Ông Trịnh Nhân Kỳ dành nhiều tâm huyết chăm sóc tác phẩm nghệ thuật.

Ông Trịnh Nhân Kỳ dành nhiều tâm huyết chăm sóc tác phẩm nghệ thuật. 

“Tôi vừa mua, vừa xin cây ô-rô về. Đây là loài cây khó sống nên phải chăm sóc rất khéo mới sống và lên đều nhánh. Tôi cứ phải trồng đi trồng lại, rồi dặm những cây chết. Trải qua 8 năm trồng tỉa, cuối cùng tôi cũng có một hệ thống hàng rào tạm ưng ý. Và để thực hiện ý tưởng làm chiếc cổng mô phỏng cổng chùa, tôi tích cực nuôi, uốn cây và tác động tích cực bằng chất hữu cơ để chúng có thể mọc dài theo đúng ý” - ông Kỳ chia sẻ.

Vậy là, tổng cộng phải mất 10 năm ông mới có một chiếc cổng ưng ý. Chính bản thân ông cũng không biết mình đã bỏ ra bao nhiêu công, cắt mòn biết bao nhiêu cái kéo để thực hiện tác phẩm. Giờ đều đặn, nếu dịp mưa nhiều, cứ 5 ngày ông cắt tỉa một lần. Những tháng nắng hạn, khoảng 8 ngày ông đầu tư một ngày “đẫy” chỉnh sửa, để cây khỏi bị rườm rà, lởm chởm. Từ đó đến nay, chiếc cổng đã hiện diện được hơn chục năm, cống hiến cho cảnh quan của thôn Trường Yên một công trình nghệ thuật giá trị, được du khách nhiều nơi về tham quan, chụp hình lưu niệm. Nói về tác phẩm nghệ thuật này, ông Kỳ cho biết bản thân đã đi tham khảo một số ngôi chùa để hình thành công việc uốn, cắt, tỉa. Khi tác phẩm ra đời, người dân xung quanh mới trầm trồ thán phục.

Tài sản quý giá

Đó là lời nhận xét của nhiều lão nông ở thôn Trường Yên về cổng nhà ông Kỳ. Họ bảo rằng, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã xóa sổ nhiều cổ thụ làng quê, kể cả những bức tường cây đậm chất quê Bắc bộ. Việc làm của ông Kỳ rất ý nghĩa, không chỉ là cách để bảo lưu một giá trị truyền thống, mà còn nhắc nhở mọi người hãy yêu cây, bảo vệ cây. Ông Kỳ tâm sự: “Khi làm tôi cũng chỉ nghĩ nó bình thường, chỉ tốn công thôi. Sau đó hoàn thiện tôi thấy nó giá trị thật. Một giá trị nông thôn đấy. Nó là tài sản chung của mọi người trong làng. Tôi sẽ gìn giữ, bảo vệ. Sau này con cháu tôi cũng sẽ giữ bức tường và cổng cây quý giá đó. Mấy năm nay, khách về chơi, thăm đông lắm. Tôi vui và thấy cần có trách nhiệm, chịu khó tỉa cắt cho cây đẹp hơn”.

Mấy năm nay, khách về thăm đông đúc, ông Kỳ tự nhận thấy cần phải cắt tỉa cẩn thận hơn, bởi tác phẩm của ông đã trở thành tài sản chung của nhiều người: “Giờ tôi mới hiểu hết giá trị của hàng rào và cổng cây đó. Nhiều vị khách nói với tôi rằng đây là giá trị văn hóa nông thôn. Các ông ấy bảo tôi cố gắng gìn giữ. Năm nay tôi 70 tuổi rồi, các con tôi cũng đã có tuổi, nhưng đều yêu quý cây cảnh cả”.

Là hàng xóm, nể phục trước việc làm kỳ công của ông Kỳ, ông Trịnh Văn Bắc cho hay: “Hơn chục năm trước, cứ thấy ông ấy tỉ mần trồng trồng, tỉa tỉa rồi lại cắt cắt chính tôi còn sốt ruột. Sao ông ấy không nghỉ ngơi. Thế rồi biết ông ấy làm một việc rất ý nghĩa, tôi thấy nể phục. Ông Kỳ đúng là người có tâm huyết, khiến cả thôn đều thán phục”.

Nhìn vào những tác phẩm nghệ thuật, nhiều người nghĩ đó không chỉ là tường rào, là cổng mà là cả một kho tàng quý báu còn sót lại giữa những làng quê thanh bình. Và hơn thế, kho tàng ấy đang được bảo lưu bởi những người không chỉ biết cấy cày mà rất yêu nghệ thuật. Họ lúc nào cũng muốn sống xanh, sống xuân và màu xanh ấy, quyện với màu xanh của đất trời, tạo nên sức sống đặc biệt, mang phong cách hồn quê.

Các tin khác