Động đất-chấn động kinh tế (K1): Nepal-chất chồng khó khăn

Vụ động đất mới xảy ra ở Nepal ước tính đã tàn phá tới 1/2 nền kinh tế nước này. ĐTTC điểm qua những vụ động đất gây tổn thất lớn nhất xét về mặt kinh tế.

Vụ động đất mới xảy ra ở Nepal ước tính đã tàn phá tới 1/2 nền kinh tế nước này. ĐTTC điểm qua những vụ động đất gây tổn thất lớn nhất xét về mặt kinh tế.

Trước khi bị tàn phá bởi trận động đất chết chóc ngày 25-4, Nepal đã bị vây hãm trong nhiều thách thức: Nghèo đói, cơ sở hạ tầng yếu kém, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 40%, nạn tham nhũng tràn lan và một nhà nước hoạt động không có hiến pháp từ năm 2012 đến nay, các vụ biểu tình và đình công diễn ra liên miên...

Mất 50% GDP

Theo Liên Hiệp quốc, ước tính đến ngày 1-5, số người bị xác nhận thiệt mạng trong trận động đất lên đến 6.260 người, ảnh hưởng tới 8,1 triệu người (hơn 1/4 dân số), trong đó 1,4 triệu người cần được hỗ trợ lương thực. Các bác sĩ cho biết bệnh viện không đủ chỗ. Về thiệt hại kinh tế, U.S. Geological Survey ước tính sự tàn phá của trận động đất vừa qua có thể lên đến 10 tỷ USD, tức ngang ngửa 1/2 GDP hàng năm của quốc gia nhỏ bé này.

Và theo Tập đoàn Tư vấn IHS có trụ sở ở Hoa Kỳ, chi phí để tái thiết Nepal sau động đất ước tính khoảng 5 tỷ USD, tương đương 20% GDP. Nếu xét theo tỷ lệ so với GDP, trận động đất vừa qua ở Nepal có thể là trận động đất gây thiệt hại lớn nhất về kinh tế trong lịch sử hiện đại.

"Các nỗ lực cứu trợ thiên tai tầm mức quốc tế quy mô lớn cần khẩn trương triển khai, cũng như cần hỗ trợ tài chính và kỹ thuật trên quy mô lớn để tái thiết nền kinh tế” - theo Rajiv Biswas, Kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IHS. Biswas cho biết tiêu chuẩn xây dựng nhà ở tại Nepal cực kỳ thấp, đó là lý do tại sao trận động đất vừa qua có sức tàn phá lớn như vậy. Ông cũng cho biết nước này có năng lực rất hạn chế trong việc phục hồi và tái thiết sau thảm họa.

Nằm ở khu vực núi cao giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nền kinh tế của Nepal chỉ tạo ra 20 tỷ USD mỗi năm, Nepal là một trong những đất nước nghèo nhất châu Á. Năm 2013, GDP của nước này chỉ đạt 19,29 tỷ USD, quá nhỏ bé so với 2 nước có chung đường biên giới là Ấn Độ với 1.870 tỷ USD và Trung Quốc với 9.240 tỷ USD. Trước khi động đất xảy ra, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã dự báo kinh tế Nepal sẽ giảm tăng trưởng trong năm nay, chỉ tăng 4,6% so với mức tăng 5,2% hồi năm ngoái.

Với GDP bình quân đầu người hàng năm khoảng 1.000USD, nhiều gia đình ở Nepal sống trong cảnh nghèo đói và một số dựa hoàn toàn vào nguồn kiều hối từ người thân sống ở nước ngoài. Nepal chỉ mới kết thúc nội chiến kéo dài 1 thập niên giữa chính phủ và phần tử ly khai vào năm 2006. Chế độ quân chủ Hindu giáo ở nước này đã bị bãi bỏ, nhưng tê liệt chính trị vẫn còn. Nepal xếp hạng 126 trong số 175 quốc gia về chỉ số nhận thức tham nhũng.

Khó phục hồi

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế chính là du lịch. Theo Bộ Văn hóa-Thể thao-Hàng không dân dụng, cứ 6 lượt du khách đến thăm sẽ tạo được 1 việc làm, hiện có 139.000 người làm việc trong lĩnh vực này. Năm 2013, gần 800.000 du khách nước ngoài đã đến thăm Nepal. Du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 4% cho GDP và đóng góp gián tiếp 8%, theo ông Biswas. Hầu hết du khách đến từ Ấn Độ và Trung Quốc, và nhiều người thích thú với các ngôi đền ở Nepal. Tuy nhiên, đỉnh Himalaya vẫn là mỏ vàng của ngành du lịch Nepal.

Các du khách nước ngoài thường trả cho các công ty du lịch tới 100.000USD để có cơ hội leo lên đỉnh Everest. Một phần khoản phí này sẽ đóng vào ngân sách, trong khi số khác chi cho các khách sạn địa phương. Những người dẫn đường leo núi cũng có thể kiếm một ít, nhưng những năm gần đây tranh chấp đã nổ ra giữa những nhà leo núi và giới chủ. Vụ động đất chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch Nepal.

Trong khi các cơ quan chức năng Nepal nói các hạ tầng điện lực của đất nước không bị động đất làm thiệt hại, hầu hết đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vấn đề cúp điện triền miên là căn bệnh kinh niên của nước này. Trước khi động đất xảy ra, người dân nước này vẫn thường phải chịu cảnh cúp điện kéo dài tới 16 giờ do thiếu điện. Tại bệnh viện, các hãng xưởng và những cơ sở thiết yếu khác, người ta phụ thuộc nhiều vào các loại máy phát điện để có nguồn điện đảm bảo. Nepal nhập khẩu tất cả các sản phẩm dầu mỏ từ Ấn Độ.

Hiện Nepal chỉ còn dự trữ khí đốt được cho 4 ngày và dầu diezel cho 10 ngày tiêu thụ trong nước ở kho dự trữ chính tại Amalekhganj, cách thủ đô Kathmandu 110km về phía Nam, theo Công ty Oil Corp. Vì Nepal nằm trên núi cao nên không thể vận chuyển dầu khí bằng đường thủy, trong khi bằng đường hàng không cũng rất khó khăn. Kathmandu, trung tâm của thảm họa động đất, và khu vực thung lũng xung quanh thành phố này chiếm 1/3 hoạt động kinh tế của cả nước, theo Ngân hàng Trung ương Nepal.

Cảnh hoang tàn ở Nepal sau trận động đất ngày 25-4.

Cảnh hoang tàn ở Nepal sau trận động đất ngày 25-4.

Trước khi xảy ra động đất, thủ đô Nepal đầy rẫy những ngôi nhà cao tầng, được xây dựng cẩu thả với tiêu chuẩn thấp, nhưng chứa đầy người. Theo các chuyên gia, để giảm thiểu thiệt hại do động đất, nhà cửa và các công trình cần được xây dựng kiên cố và chắc chắn, nhưng do người dân Nepal nghèo khổ, trong khi tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã khiến việc có chỗ che mưa nắng trở thành ưu tiên hàng đầu, hơn là có nơi ở an toàn với động đất. Các khảo sát cho biết số người chết do bị nhà sập trong các trận động đất chiếm tới 3/4 ca tử vong.

Trong khi đó, Nepal vẫn còn bị đe dọa với những trận động đất thậm chí còn lớn hơn trận ngày 25-4. Các chuyên gia cho rằng cơn động đất vừa qua tại Nepal có sức công phá tương đương 100 triệu tấn thuốc nổ TNT. Nhưng sức công phá này chỉ bằng 5% số năng lượng đang bị dồn nén, tức vẫn còn "hàng tỷ tấn thuốc nổ" chưa được giải phóng hết khỏi mảng địa chất khu vực. Vì vậy, việc tái thiết Nepal sau động đất đòi hỏi phải có những công trình và nhà cửa chắc chắn hơn, điều này sẽ làm chi phí đội lên rất lớn. Một số chuyên gia ước tính chi phí có thể lên tới 10 tỷ USD, gấp đôi ước tính của IHS.

Một may mắn là ngành nông nghiệp của Nepal cũng chiếm tỷ trọng lớn, cung cấp gần 70% việc làm cho người dân, dù chỉ đóng góp hơn 1/3 GDP. Các nhà kinh tế cũng nhìn thấy tiềm năng của Nepal về nguồn nước, vì đây là nơi có chất lượng nước vào loại tốt nhất thế giới. Đất nước này có khoảng 6.000 con sông trải dài khoảng 28.000 dặm, khiến Nepal trở thành nước có nguồn tài nguyên nước dồi dào thứ hai trên thế giới. Thêm vào đó là khả năng sản xuất thủy điện. Các nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc đã rót nhiều vốn đầu tư vào ngành thủy điện của Nepal.

(Còn tiếp)

Các tin khác