Hạ tầng giao thông “bội thu”

Hạ tầng cả nước đang bước vào “mùa vàng bội thu” khi hàng loạt công trình cầu, đường, nhà ga, bến, cảng suốt dọc dải đất hình chữ S được khánh thành. Đặc biệt trong năm 2015, nhiều công trình sẽ đóng vai trò động lực của sự phát triển như Quốc lộ 1 (QL) - tuyến đường thiên lý Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên; cảng quốc tế Lạch Huyện, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây…

Hạ tầng cả nước đang bước vào “mùa vàng bội thu” khi hàng loạt công trình cầu, đường, nhà ga, bến, cảng suốt dọc dải đất hình chữ S được khánh thành. Đặc biệt trong năm 2015, nhiều công trình sẽ đóng vai trò động lực của sự phát triển như Quốc lộ 1 (QL) - tuyến đường thiên lý Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên; cảng quốc tế Lạch Huyện, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây…

Khánh thành hàng loạt công trình trọng điểm

Giai đoạn 2012-2014 cả nước đã có 134 công trình giao thông khởi công và khánh thành, nhiều nhất từ trước đến nay. Riêng trong năm 2015 sẽ có 164 dự án tiếp tục triển khai, trong đó khởi công 48 dự án và hoàn thành 116 công trình. Theo Nghị quyết của Quốc hội, tuyến đường thiên lý xuyên trục Bắc Nam, nâng cấp mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh chiến lược (QL14) qua Tây nguyên xuyên trục Đông Tây sẽ phải hoàn thành cuối năm 2016.

Nhưng với quyết tâm sớm thông 2 tuyến đường huyết mạch này, thời gian qua Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) đã dồn lực đầu tư bằng nhiều hình thức, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, phấn đấu cán đích trong năm nay, sớm khoảng 1 năm so với mục tiêu. Bên cạnh 2 trục Bắc Nam, Đông Tây, nhiều tuyến cao tốc chạy qua nhiều địa phương, kết nối các vùng miền cũng sẽ kịp cán đích cuối năm 2015.

Có được kết quả trên nhờ nhiều “bệ phóng” hạ tầng trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả, kịp thời phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong năm 2013-2014 như: Cụm dự án cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài và Nhà ga T2 Nội Bài, cao tốc Nội Bài - Lào Cai…

Các dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, nút giao cầu Thanh Trì - QL5, hầm chui Thanh Xuân… ở Hà Nội dù đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, nhưng Bộ GTVT vẫn kiên trì mục tiêu đưa vào vận hành cuối năm 2015, phục vụ yêu cầu giảm tải cho giao thông thủ đô.

Siêu dự án cảng biển quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) và dự án mở cửa biển qua kênh Quan Chánh Bố (ĐBSCL) được khởi công trong năm 2015, dự kiến hoàn thành trong năm 2017 đang mở ra cánh cửa đưa vận tải biển Bắc Nam ra biển lớn, giúp giảm tải cho đường bộ, kết nối với các phương thức vận tải khác.

Chưa hết, nhiều dự án hạ tầng giao thông cũng đang lan tỏa, phủ kín các vùng nông thôn, miền núi, rút ngắn khoảng cách với đồng bằng. Trong năm 2015, 186 cầu treo dân sinh sẽ hoàn thành, không chỉ giúp bà con vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn xóa đói giảm nghèo, tăng cường giao thương, mà còn trở thành bước chạy đà cho tiến trình xây dựng hơn 4.000 cầu dân sinh khác trên khắp cả nước với tinh thần “nhịp cầu yêu thương”.

Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh nhận định: “Chưa bao giờ hạ tầng giao thông ở vào giai đoạn bứt phá như hiện nay. QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên và hơn 600km đường cao tốc sẽ sớm hoàn thành mục tiêu hạ tầng của Đảng, Nhà nước và sẽ trở thành những cái tên đi vào lịch sử.

Năm 1995, QL1 được xây dựng bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, với 2 làn xe, nhưng phải mất hơn 10 năm mới hoàn thành. Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 hiện nay sẽ mở rộng thành 4 làn xe, đi qua 17 tỉnh, dài hơn 1.300km, đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng sắp hoàn thành chỉ trong hơn 2 năm hoàn toàn bằng nội lực”.

Chính sách và sự quyết tâm

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước cho đầu tư công ngày càng hạn hẹp, nhất là vốn cho xây dựng hạ tầng chỉ đáp ứng 20-25% nhu cầu thực tế, ngành GTVT đã linh hoạt vận dụng, coi đây là chính sách đột phá: “trải thảm đỏ” thu hút các nhà đầu tư chung tay với Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng. Đặc biệt, trong điều kiện ngân hàng đang hạ nhiệt lãi suất tín dụng, sẵn sàng bỏ vốn đầu tư các dự án giao thông, ngành GTVT đã nắm bắt được cơ hội vàng này thực hiện hàng loạt loại hình dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BT (xây dựng - chuyển giao), PPP (hợp tác công tư).

Từ năm 2012 đến nay, tổng số vốn huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp vào hạ tầng giao thông của Bộ GTVT lên tới 160.000 tỷ đồng, đã đầu tư vào 132 dự án, cao gấp 10 lần ngân sách. Vì vậy, trong khi nhiều lĩnh vực đầu tư công bị đình trệ vì thiếu ngân sách, trên công trường các dự án giao thông trọng điểm vẫn luôn tấp nập.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác từ tháng 9-2014. Ảnh: Lã Anh

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác từ tháng 9-2014. Ảnh: Lã Anh

Điều đáng nói, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong từng dự án giao thông luôn được Bộ GTVT đặt lên hàng đầu, để đảm bảo sự thành công của các công trình. Đây cũng được coi là một trong những chính sách hiệu quả ít ngành nào làm được hiện nay.

Thực tế minh chứng ở hầu hết các dự án giao thông, người đứng đầu, chủ đầu tư, giám đốc điều hành dự án hay giám đốc nhà thầu… đều phải trực tiếp lăn lộn ra công trường để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình và để bảo vệ chính vị trí làm việc của mình bằng hiệu quả. Đối với các công trình trọng điểm quốc gia, cần thúc tiến độ, chất lượng, việc “tư lệnh ngành” trực tiếp giao ban tại hiện trường không còn là chuyện hiếm hiện nay.

Bộ GTVT cũng đang ấp ủ kế hoạch phát triển mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hầu hết lĩnh vực hoạt động đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt, để sớm đưa ngành giao thông theo kịp và hòa nhập với tiến trình quốc tế.

Các địa phương trong cả nước đang háo hức chờ đợi cờ hoa phấp phới từ các công trình giao thông với tinh thần “không đợi giàu mới làm đường, mà làm đường trước để tạo ra sự thịnh vượng”. Điều này thể hiện ở vị trí 74/138 nước trong báo cáo xúc tiến thương mại toàn cầu năm 2014 của Diễn đàn Kinh tế thế giới về giao thông.

Các tin khác