Về với ruộng đồng

12 là con số đầu tiên hình thành nên lực lượng "3 cùng" từ năm 2006. Đây là lực lượng cùng nông dân ra đồng ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), sáng lập. Họ là những kỹ sư trẻ, con em của nông dân, tốt nghiệp đại học chuyên ngành về nông nghiệp. Họ về với đồng ruộng, cùng ăn, cùng ở và cùng làm với nông dân. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đặt cho lực lượng kỹ sư trẻ làm công việc này cái tên “3 cùng”. Và 1.271 là con số kỹ sư nông nghiệp trẻ, tuổi từ 25-27 hiện đang làm công tác "3 cùng" từ Bắc chí Nam. Dự kiến đến năm 2018 con số này sẽ là 5.000 kỹ sư.

12 là con số đầu tiên hình thành nên lực lượng "3 cùng" từ năm 2006. Đây là lực lượng cùng nông dân ra đồng ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), sáng lập. Họ là những kỹ sư trẻ, con em của nông dân, tốt nghiệp đại học chuyên ngành về nông nghiệp. Họ về với đồng ruộng, cùng ăn, cùng ở và cùng làm với nông dân. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đặt cho lực lượng kỹ sư trẻ làm công việc này cái tên “3 cùng”. Và 1.271 là con số kỹ sư nông nghiệp trẻ, tuổi từ 25-27 hiện đang làm công tác "3 cùng" từ Bắc chí Nam. Dự kiến đến năm 2018 con số này sẽ là 5.000 kỹ sư.

Trăn trở với ruộng đồng

Bên bờ kênh Trung Uơng của huyện Tân Hồng, Đồng Tháp, buổi chiều những ngày cuối xuân trời nắng rất gắt, tôi đã nghe câu chuyện của một người bạn: Huỳnh Văn Thòn. Anh không nói về mình mà nói về một người khác. Anh kể chuyện chú Ba Hiếu là bí thư xã từ năm 1963-1967, những năm kháng chiến ác liệt, xã anh hùng có những người con anh hùng. Chú làm Bí thư huyện Hồng Ngự, nơi gian khổ, ác liệt đã không giết được chú. Năm 1973-1974 chú ở tỉnh đội Kiến Phong, tham gia giải phóng hoàn toàn Chợ Mới.

Sau giải phóng chú tham gia làm kinh tế ở Sở Thượng, Hồng Ngự tập hợp lực lượng để phân lũ, rửa phèn. Sau đó, chú là Bí thư huyện Tân Hồng, là quyền Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp. Chú là người đã báo cáo với Thủ tướng Võ Văn Kiệt phương án thoát lũ của hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL… Bạn tôi coi chú Ba Hiếu là tấm gương sống cho mọi người noi theo. 84 tuổi chú Ba vẫn minh mẫn nói về quá khứ, viễn cảnh tương lai, vẫn đau đáu chuyện dân, chuyện nước: Làm sao khai mở cho ĐBSCL, làm sao cho dân bớt nghèo bớt khổ, giữ yên bờ cõi.

Từ chuyện chú Ba Hiếu chuyển qua chuyện của anh và công ty hồi nào không hay. Anh nói lúc đầu công ty mới thành lập chỉ lo bán thuốc trừ sâu. Nông dân nói bán thuốc phải có hướng dẫn, thì hướng dẫn. Nông dân nói bảo vệ được cây lúa nhưng không có giống tốt, thì nghiên cứu giống. Vậy là trung tâm giống ra đời. Lúa có giống tốt, năng suất cao, giá thành rẻ, chất lượng tốt lại lo chuyện tiêu thụ. Lúa không có lò sấy kịp, lên mọng. Đã có người nông dân tự vẫn vì 100 tấn lúa không kịp sấy...

Đau lắm. Từ đó, công ty đã làm thử việc xây dựng nhà máy chế biến, sấy lúa ở Vĩnh Bình. Nông dân kêu tư thương ép giá quá, công ty mua lúa. Mô hình công ty anh làm không có tiền lệ, xuất phát từ suy nghĩ của anh là làm sao tạo chuỗi giá trị lúa gạo khép kín… Với quyết tâm đó, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã dần xây dựng 5 nhà máy lương thực: Vĩnh Bình, Thoại Sơn - An Giang; Tân Hồng - Đồng Tháp; Vĩnh Hưng - Long An; Vĩnh Lộc - Bạc Liêu.

Bước đầu khởi sự không ai tin anh xây được nhà máy lương thực ở Tân Hồng, họ tưởng anh nói chơi. Cực kỳ khó khăn, anh nói, nhưng chưa là gì với những người khai mở vùng đất này và cả với những người đã chiến đấu bảo vệ vùng đất này. Cứ nghĩ cái khó chẳng đáng là bao là làm được. Anh đã đưa má anh vô coi anh xây nhà máy, vừa để má anh biết công việc của con trai, vừa để thể hiện quyết tâm sắt đá. Nhà máy ở Vĩnh Bình và Thoại Sơn, công ty đã thu được lợi nhuận, Tân Hồng năm nay huề vốn, sẽ có lợi nhuận vào năm tới.

Anh Thòn tâm sự: “Tôi nói với anh em kỹ sư trẻ là những người như chú Ba lo cho dân trước khi lo cho mình. Sau khi về hưu chú Ba về ở vùng đất này, mình là thanh niên lại chọn nơi sung sướng, công việc nhẹ nhàng à? Chỗ nào thuận thì ở, chỗ nào dễ mình làm, nghĩ coi sao được. Không được so đo hơn thiệt, mà có so thì so với cái khó, đừng so với cái dễ. Khát vọng của chúng tôi là muốn làm cho nghề nông, sản xuất nông nghiệp bớt đi nhọc nhằn, gian khổ; người dân giàu nước giàu, dân thịnh nước thịnh.

Anh nói người nông dân của mình luôn ở thế bị động, nghĩ mà xót xa. Đừng trách thương lái ép giá nông dân, họ cũng kinh doanh, mà kinh doanh phải có lời, có dịp phải tận dụng cơ hội… Mục tiêu là phải thay đổi vị thế của người nông dân. Chỉ có thay đổi phương thức làm ăn, tổ chức sản xuất lại mới giúp bà con nông dân thay đổi cuộc sống. Phải để bà con sống và làm giàu bằng chính công sức của mình, trên đồng ruộng của mình. Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã làm được điều này, xây dựng vùng nguyên liệu với 105.000ha; đến năm 2018 sẽ tăng lên 300.000ha. Công ty hướng đến việc chuyển giao cho các công ty khác cùng làm với 1,5 triệu ha đất trồng lúa ở ĐBSCL, sản xuất theo phương thức chuỗi giá trị khép kín.

Giám đốc Thòn cởi mở: “Chúng tôi mới giúp bà con giải quyết những khó khăn về vốn, khoa học kỹ thuật, chế biến, tiêu thụ, hiệu quả kinh tế; thay đổi vị thế của người nông dân, làm cho họ bớt cơ cực… Nhưng tôi vẫn cứ nghĩ ngợi xa xôi hơn, phải nâng cấp khâu chế biến. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở chút lợi do tiết kiệm vật tư, chút tiền lãi ngân hàng, năng suất, giá thành, thương hiệu cao hơn một chút, gom lại thành cái lớn, nhưng không đủ lớn để giải quyết phần lợi nhuận tăng 30-80%. Trên thực tế, nếu bà con lời 30-40%, tính ra chỉ khoảng 10 triệu đồng năm, không đủ sống làm sao làm giàu.

Đưa công nghiệp chế biến vô, nâng cao giá trị mới có cơ hội, có vốn để tái đầu tư, nâng cao đời sống, phân phối lại cho nông dân. Tôi muốn làm sao đẩy lợi nhuận của bà con sau năm 2020 từ 50-80% và 100%, nếu chúng ta thành công trong khâu chế biến sâu sản phẩm từ hạt lúa. Hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo khép kín, phát triển quy mô lớn hơn, đời sống nông thôn mới chắc chắn sẽ đạt được. Tôi tin rằng khát vọng chính đáng cho vùng đất này chắc chắn sẽ thành sự thật...”.

Huỳnh Văn Thòn là một cựu học sinh miền Nam. Anh tốt nghiệp Đại học Kinh tế và trở về làm nông nghiệp, làm bạn của nhà nông. Anh là Anh hùng Lao động thời Đổi mới và Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) cũng là đơn vị Anh hùng Lao động.

Kỹ sư chân đất lội đồng

 Tôi đã về thăm vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm Thoại Sơn, Tân Hồng, gặp hàng trăm kỹ sư trẻ “3 cùng” và cảm nhận ở họ tình yêu nông thôn, cây lúa.

Đoàn Thanh Hường sinh năm 1983, tốt nghiệp Khoa chuyên ngành phát triển nông thôn, Trường Đại học An Giang. Hường bắt đầu công tác từ năm 2007, làm việc ở Bạc Liêu, xuống Cà Mau rồi về Sóc Trăng, Vĩnh Long. Những ngày đầu tiên tại Giá Rai tỉnh Bạc Liêu, Hường được phân công phụ trách chốt, có 12 nông dân, diện tích làm 3 vụ. Nhiều khó khăn chờ đón Hường. Khi đó công ty chưa có điểm đặt chốt, Hường phải di chuyển 45 cây số để đi làm. Hường cũng không nhớ nhà người nông dân mình phụ trách. Rồi tâm lý sợ nông dân vì mặc cảm mình mới ra trường, chưa có thực tế, vì kỹ năng giao tiếp chưa tốt…

Hường bắt đầu đi thăm ruộng với các chú, các anh nông dân, vô nhà uống trà. Không thể chạy đi chạy về 90 cây số nên Hường phải ở nhờ nhà nông dân. Bà con mời ăn cơm không dám ăn, mà không ăn thì đói vì ở vùng ruộng đồng đâu có quán, tiệm. Chả lẽ ăn mì tôm hoài. Vậy mà tới lúc, quay vòng hết nhà này qua nhà khác một tuần, sáng Hường ăn cơm nhà này, chiều nhà kia. Riết rồi tới nước phải lên lịch. Gần tới giờ là bà con gọi điện thoại: “Con ơi về ăn cơm”. Nhà nông dân trở thành gia đình Hường hồi nào không hay.

Sau 2 năm ở Bạc Liêu, tới ngày Hường nhận quyết định về Cà Mau công tác. Trên đường về Cà Mau, đi ngang Giá Rai, Hường ghé nhà chú Năm Nhưng. Nói ghé, nhưng từ quốc lộ rẽ vô phải đi 10 cây số nữa mới tới nhà chú Năm. Khi Hường báo tin chuyển về Cà Mau công tác, hai chú cháu chỉ nhìn nhau. Những lần gặp trước đây, có đủ thứ chuyện để nói với nhau, nào chuyện con heo, vịt, cây cam, cây lúa. Giờ cả buổi không ai nói gì. Từ ngày Hường rời Bạc Liêu, cứ 3 ngày bà con lại điện thoại hỏi thăm. Đám cưới Hường, các chú lội hơn 200 cây số đi dự. Nghe tin vợ Hường có bầu, có chú hốt cả ổ trứng ngỗng gởi cho.

Nguyễn Thế Huy sinh năm 1981, tại Tam Bình, Vĩnh Long. Em tốt nghiệp ngành trồng trọt Đại học Cần Thơ. Và từ năm 2006, Huy trở thành bạn nhà nông để giúp nông dân hạn chế dịch hại, tăng năng suất lúa. Từ sáng tới tối, Huy cùng nông dân ra đồng, làm việc với bà con trên đồng suốt 7, 8 năm trời. Huy đã thực sự trở thành nông dân. Chiều chủ nhật về nhà thấy nhớ bà con, nhớ đồng ruộng, Huy cứ nôn nóng, muốn trở lại với công việc.

Ở vùng nguyên liệu, mỗi nhóm có 10-15 người cùng làm việc, như anh em hơn là đồng nghiệp, cùng chia sẻ, cùng gánh vác công việc. Anh em sống với nhau nhiều hơn ở gia đình nhất là những khi dịch hại, cả tháng không về nhà. Lúc đầu chỉ 1 người phụ trách huyện, giờ 4-5 người phụ trách 1 huyện đỡ vất vả hơn. Mỗi nhóm có trưởng nhóm, rồi trưởng khu vực, cao hơn là trưởng vùng, nhưng anh em tự quản là chính.

Huy nói những sinh viên mới ra trường ai cũng bỡ ngỡ, nhưng cứ sống và chia sẻ hết mình với nông dân, làm việc hết mình, đem kiến thức ra áp dụng thực tế… sẽ tiến bộ nhanh. Cũng đừng ngại công việc vất vả quá. Để thay đổi suy nghĩ của nông dân, không thể chỉ bằng lời nói, phải chuyển giao và thuyết phục bà con làm theo. Huy cười và kể cho tôi nghe chuyện làm việc ở vùng nguyên liệu đã 7-8 năm. Bà con coi nhóm Huy như con cháu trong nhà, đứa nào tính nết ra sao, thích ăn món gì bà con đều biết. Anh Đoàn ở Tiểu Cần đã hốt nguyên ổ vịt đang ấp hơn hai chục cái vì biết Huy thích ăn hột vịt lộn chiên. Dì 3 Đáng biết nhóm của Huy thích món vịt kho gừng nên dì hay nấu…

Lực lượng “3 cùng” luôn đồng hành cùng nông dân.

Lực lượng “3 cùng” luôn đồng hành cùng nông dân.

Đỗ Văn Đạt sinh năm 1987, quê ở Chợ Mới An Giang, bắt đầu công việc của mình năm 2011 ở vùng nguyên liệu Châu Thành. Thời gian tuy ngắn nhưng em đã trải nghiệm sâu sắc. Mới ra trường ai cũng muốn có sự nghiệp, nhiều sinh viên chọn thành thị, không muốn về nông thôn. Trong khi đó, nông thôn lại rất cần lực lượng trí thức. Người nông dân rất giàu kinh nghiệm trồng lúa nhưng lại hạn chế trong tiếp nhận kiến thức, khoa học kỹ thuật. Vì vậy kỹ sư phải xuống đồng, lội ruộng hướng dẫn bà con canh tác hiện đại, hiệu quả.

Cao Hoàng Tú cho rằng nông dân cũng giống như ba, má mình. Vì vậy anh coi gia đình nông dân như gia đình mình; ăn ở, trao đổi kinh nghiệm, nhận được chia sẻ. Tú phụ trách địa bàn nguyên liệu rộng 60-80ha, cùng nhóm trưởng theo nông dân từ đầu vụ đến khi lúa vô nhà máy; nhận kỹ thuật mới để chuyển giao đến tận nông dân. Chiều phải lên lịch mai làm gì. Sáng mở máy tính coi danh sách nông dân nào chà lúa, xuống giống rồi mình đi xuống đồng. Cuối vụ kiểm tra lịch thu hoạch của nông dân…

Cha Tú là nông dân lâu đời, nòng cốt, ông nội Tú cũng là nông dân. Được sinh ra từ vùng lúa, Tú biết ở nông thôn bây giờ rất cần lực lượng trẻ, cần những thanh niên đã đi học trở về xây dựng quê hương. Với kiến thức các kỹ sư trẻ trải nghiệm có thể giúp nâng tầm sản xuất cho bà con nông dân, nâng cao năng suất cây lúa. Nước ta là nước nông nghiệp, nông nghiệp phát triển sẽ kéo theo đất nước phát triển.

Các tin khác