Tạo động lực bứt phá mới

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh, để có động lực mới, Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) phát triển; giúp nhà khoa học sống được bằng những sản phẩm gắn với đời sống thực tiễn; giải đáp những vướng mắc trong sản xuất, tạo ra sản phẩm mới với chi phí thấp và chất xám cao hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh, để có động lực mới, Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) phát triển; giúp nhà khoa học sống được bằng những sản phẩm gắn với đời sống thực tiễn; giải đáp những vướng mắc trong sản xuất, tạo ra sản phẩm mới với chi phí thấp và chất xám cao hơn.

Có thể làm được nhiều hơn

 

Công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng từ năm 1986 đến nay đã đi được chặng đường gần 30 năm. PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng thành tựu lớn nhất thời gian qua là đổi mới phương thức phát triển, biến Việt Nam từ nền kinh tế nông nghiệp khép kín, lạc hậu sang nền kinh tế thị trường, thể hiện qua tăng trưởng GDP, thu hút đầu tư, tỷ lệ thoát nghèo…

Kinh tế Việt Nam nhờ Đổi mới đã thoát khỏi hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau, con người đi sau rốt", chuyển sang nền kinh tế mở, bước đầu tiếp thu công nghệ thế giới.

“Đó là sự đổi đời ghê gớm. Cũng nhờ đó Việt Nam đã vào nhóm nước có thu nhập trung bình, thoát khỏi nhóm nước thu nhập thấp. Dù ai có thể phàn nàn nhưng sự thay đổi đó đã thay đổi số phận một dân tộc” - PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ.

Những năm gần đây, năng lực cạnh tranh nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân.

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG

Nhìn lại gần 30 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nhận định, những bước phát triển vượt bậc của đất nước đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế, mà bước đột phá lớn và toàn diện là từ Đại hội VI của Đảng.

Đột phá trong quản lý nông nghiệp bắt đầu từ Khoán 10 đã đưa Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới. Mở rộng mạnh mẽ quyền tự do kinh doanh với việc ban hành Luật Công ty, Luật DN tư nhân, Luật Đầu tư nước ngoài... đã đưa nền kinh tế nước ta ra khỏi trì trệ, phát triển năng động với tốc độ cao.

Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra không gian phát triển mới, rộng mở hơn. Những quyết sách đổi mới phù hợp của Đảng và Nhà nước đã đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình và công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt thành tựu ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Dù những thành tựu đạt được là đáng ghi nhận, nhưng PGS.TS Trần Đình Thiên vẫn tỏ ra nuối tiếc: “Chúng ta có thể làm được nhiều hơn. Ta so với ta thấy bước tiến là vĩ đại, nhưng so với mức tiến của thế giới, ta tụt ở mức rất xa”. Theo chuyên gia này, Việt Nam chưa tận dụng hết cơ hội phát triển. Trong giai đoạn tới, có nhiều điều phải thay đổi để tiến vượt lên. Và từ năm 2014, những nỗ lực đổi mới thể chế và môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia dường như đang tạo ra làn sóng cải cách lần thứ hai.

Thay đổi tư duy

Sự chuyển mình rõ nhất về đổi mới thể chế thời gian qua là việc Quốc hội thông qua Luật DN (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, lần sửa đổi này gần như đã “lột xác” nhằm khắc phục những khiếm khuyết của hơn chục năm triển khai thực hiện 2 luật này. Bên cạnh đó, việc ban hành, đôn đốc thực hiện Nghị quyết 19/2014 và tiếp tục ban hành thêm Nghị quyết 19/2015 đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Cái được lớn nhất là đã tạo được sự đồng thuận nhiều hơn trong xã hội, trong Đảng, Chính phủ và Quốc hội về nhu cầu cần phải đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam. Trong đó, thống nhất những tư tưởng lớn là phải sử dụng công cụ thị trường để phân bổ nguồn lực, kể cả giáo dục, y tế, các lĩnh vực công…” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ. Theo ông, cốt lõi của đổi mới thể chế lần này là phải chấm dứt tư duy làm quản lý “tôi có quyền quản anh và tôi có quyền yêu cầu anh mọi điều”. Phải chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ vì DN và người dân là người đóng thuế.

Là đại diện cho giới DN, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không giấu được niềm hứng khởi: “DN đang thực sự cảm nhận được sức nóng của cải cách, của hội nhập”. TS. Vũ Tiến Lộc nhớ lại, làn sóng cải cách thứ nhất đã được mở đầu bằng Luật DN năm 1999, dẫn đến sự bùng nổ của hoạt động sản xuất kinh doanh. 2 nghị quyết cùng mang số 19 được Chính phủ ban hành năm 2014 và 2015 cũng đóng vai trò như Luật DN ở thời điểm chuyển giao thế kỷ 15 năm trước.

Chỉ khác, làn sóng cải cách trước đây mang tính chất “cởi trói”, mang lại quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp, lần này là đột phá của hội nhập. Phân tích một cách hình tượng, TS. Vũ Tiến Lộc nói với mục tiêu môi trường kinh doanh đạt mức trung bình của ASEAN-4, Chính phủ quyết tâm vào vòng “bán kết” của ASEAN, ngang bằng các quốc gia phát triển nhất trong khu vực là Singapore, Thái Lan, Malaysia. Nghị quyết 19 chính là “tiền đạo”, là mũi giáp công của Việt Nam trong cuộc đua tranh này.

Tương tự, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Cải cách, dù đã nhất quán về tư tưởng lớn nhưng cần sự thống nhất khi đi vào hành động cụ thể”. Chẳng hạn, về cổ phần hóa DNNN, ông Vinh cho rằng số lượng không quan trọng bằng chất lượng. Vấn đề là thay đổi cơ cấu quản trị của DN theo hướng hiệu quả hơn. Muốn vậy, tỷ lệ cổ phần hóa của tư nhân tham gia phải lớn hơn tỷ lệ giữ cổ phần của Nhà nước trong DN.

“DN tư nhân phải trở thành động lực phát triển quan trọng nhất của nền kinh tế đất nước. Chúng ta cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho khối DN tư nhân phát triển. Cụ thể như tăng cường tính công bằng, minh bạch trong đầu tư; khuyến khích hoạt động ươm tạo tài năng, ý tưởng mới; hỗ trợ thị trường, cung cấp thông tin cho DN tư nhân về những thách thức khi môi trường hội nhập, cạnh tranh”.

Các tin khác