Nội địa hóa quỹ mở

Việc tiếp cận và huy động vốn từ các NĐT, đặc biệt là NĐT trong nước luôn là thách thức lớn với các quỹ đầu tư trong nhiều năm qua. Trao đổi với ĐTTC, bà Nguyễn Thái Thuận (ảnh), Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ VinaWealth, cho biết:

Việc tiếp cận và huy động vốn từ các NĐT, đặc biệt là NĐT trong nước luôn là thách thức lớn với các quỹ đầu tư trong nhiều năm qua. Trao đổi với ĐTTC, bà Nguyễn Thái Thuận (ảnh), Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ VinaWealth, cho biết:

Ngoài việc hướng đến các chuẩn mực chuyên nghiệp theo quốc tế, nên chăng các quỹ cũng cần “nội địa hóa” một số hoạt động để có thể gần gũi và chinh phục các NĐT, nhưng phù hợp với pháp luật. Chẳng hạn như cơ cấu phí là một trong những điểm quan trọng đã được cân đối khi quỹ mở hoạt động tại Việt Nam. So với các quốc gia khác, Việt Nam hiện chỉ có phí mua và phí bán với mức phí rất thấp 0,75%, thậm chí về 0% nếu khách hàng đầu tư dài hạn.

Với thị trường Việt Nam, quỹ mở đang là hình thức đầu tư mới nên với số tiền nhỏ hay lớn NĐT cũng đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ đội ngũ chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ chỉ có khách hàng VIP với mức đầu tư khoảng 100.000USD trở lên mới được tư vấn và chăm sóc trực tiếp. Lấy đơn cử khoản tiền đầu tư tối thiểu tại Việt Nam như VinaWealth đang triển khai chỉ từ 200.000 đồng so với 1.000USD tại Hoa Kỳ cho thấy kênh đầu tư quỹ mở hiện đang rất dễ dàng và phù hợp cho mọi đối tượng tham gia.

Phóng viên: - Nhìn vào số lượng vốn của hầu hết các quỹ mở hiện nay có thể thấy tốc độ gia tăng khá chậm. Điều này đồng nghĩa với việc NĐT vẫn chưa mặn mà với quỹ mở. Bà suy nghĩ thế nào về điều này?

Bà Nguyễn Thái Thuận: - Quỹ trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF), do VinaWealth huy động và quản lý, là quỹ mở đầu tiên được UBCKNN cấp giấy chứng nhận chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng ngày 12-12-2012. Như vậy, có thể thấy quỹ mở xuất hiện tại Việt Nam mới chỉ hơn 2 năm, một thời gian  chưa tạo được bề dày để tham chiếu. Do đó, việc NĐT còn thận trọng trong việc bỏ tiền vào quỹ mở cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, so với sự ra đời đầu tiên của quỹ mở tại Hoa Kỳ năm 1924 và lan rộng ra các nước phát triển ở châu Á như Malaysia, Singapore (1959), Hàn Quốc (1970), Thái Lan (1977), Trung Quốc (1991), cho thấy quỹ mở là một hình thức đầu tư hiệu quả, phổ biến và đầy tiềm năng. Tham chiếu kết quả đầu tư năm 2014 của VFF công bố ngày 20-9-2014, VFF đạt mức 16,45% từ thời điểm thành lập quỹ và tỷ lệ tăng trưởng theo năm (tính từ tháng 1-2014) là 15,8%. So với lãi suất tiết kiệm hiện nay, quỹ VFF đang thể hiện kết quả tăng trưởng vượt trội.

- Đâu là nguyên nhân lớn nhất ngăn cách giữa NĐT và các quỹ mở?

- Hiện tại xu hướng thị trường vẫn phụ thuộc khá lớn vào tâm lý các NĐT cá nhân với các hoạt động đầu tư lướt sóng trên TTCK. Điều này cũng dễ dàng lý giải, do công cụ đầu tư trực tiếp còn sơ khai, dễ dàng tiếp cận, cộng với việc tham gia từ những ngày đầu nên đúc kết được kinh nghiệm tự đầu tư. Chính vì vậy, những NĐT trực tiếp thường tự tạo danh mục đầu tư riêng, kỳ vọng lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn và tất nhiên phải chấp nhận rủi ro với quyết định của mình.

Nhưng bên cạnh đó, có một bộ phận NĐT trực tiếp không có kinh nghiệm, không có thời gian tìm hiểu thị trường, lúc này sẽ rất dễ rơi vào tình huống đầu tư theo đám đông và tình trạng nhiễu thông tin. Trong khi đó, khuôn khổ pháp luật về quỹ mở tại Việt Nam rất chặt chẽ dẫn đến các quỹ phải tuân thủ trong hoạt động, làm giảm tính hấp dẫn của kết quả tăng trưởng đầu tư nhưng thể hiện được sự minh bạch và ổn định.

- Liệu có sự khác nhau giữa kỳ vọng của NĐT và hướng đi của quỹ hay không?

- Nguyên nhân đầu tiên cần phải kể đến là nhiều người hiện chưa xác định cho mình một mục tiêu tài chính trong tương lai, cách thức quản lý tài chính cá nhân. Từ đó, nghiên cứu các hình thức đầu tư để đạt được những mục tiêu ấy. Theo nghiên cứu của Nielsen vừa công bố, Việt Nam là nước người tiêu dùng thích tiết kiệm nhất. Trong khi đó, người dân tại các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan lại có tỷ lệ đầu tư cao.

Như vậy, việc tiếp cận với khái niệm đầu tư tại Việt Nam còn chưa phổ biến, trong khi quỹ mở lại là một kênh đầu tư hoàn toàn mới. Hiểu điều này, VinaWealth nói riêng và các công ty quản lý quỹ nói chung đang tập trung các hoạt động marketing, mở rộng mạng lưới phân phối, đội ngũ nhân viên tư vấn giàu kinh nghiệm để tiếp cận, mang đến hình thức đầu tư hiệu quả cho các NĐT.

Ngoài ra, quỹ mở cũng giúp các NĐT đa dạng hóa danh mục đầu tư theo phương pháp “đừng bỏ hết trứng vào một rổ” để giảm thiểu rủi ro. Kỳ vọng của NĐT và hướng đi của quỹ đều có chung 1 mục tiêu là tối ưu hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, tâm lý của một số NĐT thường kỳ vọng trong thời gian ngắn như tình trạng lướt sóng trên thị trường, còn hướng đi của quỹ là đầu tư theo lộ trình, an toàn và bền vững.

- Thời gian qua VinaWealth đã làm những gì để giúp NĐT và quỹ mở có thể xích lại gần nhau hơn?

- Từ những ngày đầu thành lập, VinaWealth đã mang trong mình sứ mệnh đưa mô hình quỹ mở đã và đang phát triển mạnh trên thế giới vào thị trường Việt Nam đầy tiềm năng không ngừng mang đến cho khách hàng danh mục đầy đủ các sản phẩm quỹ đầu tư và dịch vụ, giúp họ tích lũy và tăng trưởng tài sản.

Hiện nay, VinaWealth đang cung cấp 3 gói giải pháp tiêu biểu là Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh (VFF), Quỹ đầu tư cố phiếu Hưng Thịnh (VEOF) và Chương trình đầu tư tiết kiệm định kỳ (VinaSave). VinaWealth đang nghiên cứu và sắp ra mắt các quỹ chỉ số, quỹ bất động sản và các sản phẩm đầu tư khác, nhằm đáp ứng tất cả các nhu cầu của NĐT về quỹ mở. Để gia tăng tiện ích và dễ dàng hơn cho các NĐT khi tham gia, VinaWealth cũng sẽ triển khai hình thức giao dịch điện tử. Theo đó, cho phép NĐT đặt lệnh mua, bán, theo dõi diễn biến NAV và tra cứu thông tin giao dịch trực tiếp trên internet.

- Bà dự báo khi nào sẽ là thời điểm để ngành quản lý quỹ trong nước có thể vươn lên mạnh mẽ?

- Như đã biết, TTCK phải chứng kiến một thời gian dài mới trở nên phổ biến như hiện nay. Tuy đã qua thời thịnh vượng nhưng TTCK đang có dấu hiệu hồi phục và hứa hẹn phát triển mạnh trong 2-3 năm tới. Đi kèm với đó, quỹ mở ra đời. Vì thế, hiện nay là giai đoạn rất phù hợp để các NĐT cân nhắc tham gia. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng đang có xu hướng giảm, vàng và ngoại tệ đang hàm chứa rủi ro, quỹ mở đang là sự lựa chọn của các NĐT.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đang trình dự thảo về tổ chức và hoạt động Quỹ hưu trí tự nguyện để đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi đến tuổi về hưu. Quỹ hưu trí cũng có vai trò quan trọng trong sự phát triển ổn định của thị trường tài chính nhờ quy mô tài sản của quỹ rất lớn, ổn định và dài hạn, mang lại sự cân bằng cho thị trường tài chính và nguồn vốn phát triển kinh tế. Đây cũng chính là tín hiệu mừng cho sự phát triển của quỹ mở trong tương lai.

- Xin cảm ơn bà.

Các tin khác