Những lá thư thời chiến

Từ nguồn tư liệu dồi dào của chục năm sưu tầm và tiếp nối những cuốn sách nhật ký, thư chiến trường, nhà văn Đặng Vương Hưng đã biên soạn, giới thiệu đến với công chúng tuyển tập "Những lá thư thời chiến Việt Nam", nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ nguồn tư liệu dồi dào của chục năm sưu tầm và tiếp nối những cuốn sách nhật ký, thư chiến trường, nhà văn Đặng Vương Hưng đã biên soạn, giới thiệu đến với công chúng tuyển tập "Những lá thư thời chiến Việt Nam", nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tác giả Đặng Vương Hưng chia sẻ, là nhà báo, nhà văn, một người lính, công việc viết lách và những chuyến đi thường xuyên giúp anh nhận thấy, đôi khi, chính những trang thư, nhật ký, ghi chép… tưởng rất đỗi riêng tư lại mang đến những thông tin, tư liệu cực kỳ quý báu, gợi mở bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả nếp văn hóa trong quá khứ, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Từ những trang giấy ố vàng, chúng ta nhận ra khí phách con người Việt Nam, nhận ra cả những rung động thầm kín và chân thành trong những năm tháng ác liệt nhất. Đó là những bí mật của tâm hồn trong rất nhiều cánh cửa trái tim của những người đã ngã xuống, những người đã đi qua bom đạn đến hòa bình.

“Hôm nay viết thư cho em trên dọc đường hành quân khi dừng lại nghỉ ở một bản trên đường. Trong mùi thơm ngát của hoa cau buổi sớm, nhớ đến nụ cười, đôi mắt, tiếng nói thân yêu của những ngày nào tháng 6 năm ngoái ở Chợ Chu. Nhớ căn nhà lá xinh xinh bên dòng suối mát, những buổi cơm rau dền, những đêm ánh trăng chênh chếch chiếu qua khung cửa sổ... Nhớ tất cả...” - lá thư của Thượng tướng Vũ Lăng viết cho vợ trong khoảng lặng giữa 2 lần tiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bên cạnh những trang viết phơi phới lạc quan chiến thắng, cũng có những dòng chữ thấm đẫm nước mắt, đã có lúc người lính hoang mang, có phút giây nghĩ tới cái chết. Nhưng đó là những tình cảm rất thật của con người. Sẽ không có bút mực, không có nhà văn nào có thể viết ra được những tác phẩm như thế trừ những người trong cuộc, họ viết ra trong một khoảnh khắc nào đó, đáp ứng nhu cầu tình cảm riêng tư. Đó là những trang viết máu thịt của cuộc đời. Đọc lên ta có thể hình dung ra từng số phận con người. Và cao hơn nữa là hơi thở của cả thời đại.

Chính vì thế, qua những trang thư ấy, ta có thể hiểu được phần nào quan niệm, lý tưởng, lẽ sống, sự cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc của nhiều thế hệ, đã góp phần làm nên ngày chiến thắng 30-4-1975 vĩ đại của dân tộc. Những dòng thư như lời thơ ngân vang, trong trẻo, đầy thiết tha ước vọng về một cuộc sống thanh bình, những lời thề quyết tâm thắng Mỹ, những lời hứa bảo toàn danh dự của những người con yêu quý của Tổ quốc trong cảnh đất nước có chiến tranh, những niềm thương yêu cháy bỏng, những nỗi nhớ thương da diết, khắc khoải, những bồn chồn lo âu, mong đợi…

Lá thư của người lính Nguyễn Đặng Ngãi gửi mẹ: “Trước giờ xuất phát, đúng như dự kiến lời hẹn, con đã được gặp mẹ. Khi đoàn tàu còn cách khoảng 20-30m, con đã thấy mẹ bế cái Oanh đứng ngay trước đường cái, cả bác Dụ nữa. Con cố nhoài ra khỏi tàu để mẹ trông thấy, vì anh em cùng quê cho nên chúng nó hò reo quá nhiều, vì thế mà mẹ khó phát hiện được con. Con la lên đến rát cổ họng vậy mà tàu qua rồi mẹ mới thấy con…”.

Những trang viết đó có tuổi “trẻ” nhất cũng đã hơn 40 năm. Có nhiều trang viết xuất hiện cách đây hơn nửa thế kỷ. Bản gốc của chúng hầu hết là những trang giấy đã bạc màu, nét mực đã nhòe, mờ vì thời gian, mưa nắng, vì cả mồ hôi và nước mắt.

Trong mạch chung của những lá thư viết trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của những người con của Tổ quốc, của dân tộc trong những ngày bom đạn và máu lửa với những nỗi niềm chung vì hòa bình, hạnh phúc của Nhân dân, đất nước và cả những nỗi niềm tâm tư của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cảnh. Chủ nhân của những lá thư có người trí thức, công nhân, nghệ sĩ, giảng viên đại học, họa sĩ, nông dân, sinh viên, học sinh...  Có những lá thư được viết bằng thơ, có những lá thư mộc mạc chân chất. Có cả những lá thư người đứng tên không biết chữ, phải nhờ người khác viết hộ. Nhiều bức thư được viết như nói, sử dụng từ ít dùng, cách ví von cũng mộc mạc.

Những lá thư thời chiến mang nhiều thông tin, tư liệu quý báu.
Những lá thư thời chiến mang nhiều thông tin, tư liệu quý báu.

Và tương tự thư các anh, thư người thân của họ từ quê nhà gửi tới chiến trường cũng chung một khát vọng, một mục đích: Hòa bình! “Mẹ cũng như bao bà mẹ tiễn đứa con trai yêu thương, tiễn núm ruột dứt ra của mình lên đường ra trận, đành gạt nước mắt vào trong để các con an lòng ra đi giành lại hòa bình, giành lại non sông… Mẹ cầu mong các con mạnh khỏe, bình an làm tròn nghĩa vụ của người con trai trong thời chiến. Mẹ cầu mong nhanh chóng hòa bình để mẹ con, gia đình ta được sớm sum vầy” (thư của mẹ anh Nguyễn Phùng Hồng); “Em cũng viết cho anh, may sao trong chặng đường gập ghềnh gian khổ ấy nó bay đến anh” (thư của vợ Đại tá Phạm Xuân Sinh)…

 “Thấy một bóng áo Tô Châu vai mang ba lô thấp thoáng trên đường làng, mẹ lại giật mình thon thót thầm mong đấy là con, con trai muôn vàn thương yêu của mẹ đang trên đường về thăm mẹ, và mẹ được dang tay ra đón con như ngày nào con đi học xa về ùa vào lòng mẹ”.

Và còn rất nhiều lá thư khác, như những thước phim sinh động của những tâm hồn, những con người riêng tư trong dòng chảy chung hào hùng, bi tráng của lịch sử đất nước.

Các tin khác