Những giai điệu khải hoàn

Ngay từ cuối chiều 30-4-1975, buổi chiều đầu tiên của hòa bình, tại Sài Gòn đã vang lên bài đồng ca: “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”của nhạc sĩ Phạm Tuyên - giai điệu đầu tiên mang thông điệp hòa bình tới toàn cõi Việt Nam.

Ngay từ cuối chiều 30-4-1975, buổi chiều đầu tiên của hòa bình, tại Sài Gòn đã vang lên bài đồng ca: “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”của nhạc sĩ Phạm Tuyên - giai điệu đầu tiên mang thông điệp hòa bình tới toàn cõi Việt Nam.

Có lẽ đây là ca khúc được viết nhanh nhất, được quyết định sử dụng nhanh nhất, được tổ chức thu thanh nhanh nhất và được phát sóng nhanh nhất trong lịch sử âm nhạc hiện đại Việt Nam. Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại thật cảm động: Ngay từ ngày 28-4-1975 nghe tin các cánh quân của ta đã bao vây quanh Sài Gòn, nhạc sĩ đã nghĩ tới một giai điệu cho ngày toàn thắng.

Với ông trong giờ phút thiêng liêng ấy, không thể thiếu hình ảnh Bác Hồ vì hơn ai hết, Bác là người khao khát điều này nhất. Do vậy, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” đã được nhạc sĩ viết nhất nhanh. Trưa 30-4-1975 khi tin giải phóng Sài Gòn vang trên làn sóng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm hỏi anh em nhạc sĩ của đài có ca khúc nào cho giờ phút trọng đại này.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã trình “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Nghe xong, ông Trần Lâm quyết định sử dụng ngay. Đoàn ca nhạc của đài gấp rút luyện tập, được thu thanh với dàn đồng ca mà các nghệ sỹ vừa hát, vừa dàn dụa những giọt nước mắt sung sướng. Chiều 30-4-1975, bài đồng ca đã được phát sóng.

Cùng vào thời điểm đó, nhạc sĩ Hoàng Hà cũng hoàn thành xong khúc khải hoàn về ngày toàn thắng: “Đất nước trọn niềm vui”. Bài hát được thu thanh qua giọng ca nam cao Trung Kiên: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay, rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây…”. Ca khúc chất ngất trên những âm vực cao, sáng láng một tinh thần phơi phới không gợn chút bụi bặm: “Thành đồng ơi, sắt son đã vang khải hoàn, ôi hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương…”.

Và niềm vui vô bờ bến không thể nói thành lời đã được tác giả gửi gắm trong đoạn gian tấu “Hò ơ” ngân dài trên những cung bậc nức nở tột cùng. Điều kỳ lạ nhất là, phần mở đầu bài đồng ca “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…” với phần làm nền cho đoạn hò nói trên, các ô nhịp khép vào nhau vừa như in. Vẫn như thế, đến đoạn kết của “Đất nước trọn niềm vui”: “Đêm hoa đăng, ôi những môi cười là đóa hoa đời tươi thắm tuyệt vời, Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ quốc muôn đời, Trọn vẹn cả non sông thống nhất Rạng rỡ Việt Nam”, lại ghép với phần sau của: “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” là điệp khúc: “Việt Nam Hồ Chí Minh” cũng thấy vừa như in. Đó là bí ẩn của sự sáng tạo.

Một nhạc sĩ nữa cũng của đài - nhạc sĩ Hồ Bắc, tác giả bản hợp xướng “Ca ngợi Tổ quốc” bất hủ, của “Sài Gòn quật khởi” bỏng cháy mùa Xuân Tổng tấn công Mậu Thân 1968, đã tiếp tục dòng chảy hào sảng bằng ca khúc “Tổ quốc yêu thương” được thu thanh qua giọng vàng Kiều Hưng: “Ta đi trên đường mùa Xuân. Đường thênh thang tiếng hát yêu thương trong ánh mắt nụ cười rạng rỡ. Ba mươi năm mới có một ngày. Quê hương ơi biết mấy tự hào. Giờ đây Nam Bắc, cầm tay chung hát trên con đường vui…”.

Trong niềm vui chung, Hồ Bắc đã nhận ra giá trị hy sinh của những người lính đã ngã xuống từ đầu chiến tranh cho tới tận giờ phút cuối cùng trước cửa ngõ Sài Gòn: “Máu các anh đã đổ cho sông núi ngày một rạng rỡ  trong ngày toàn thắng…” như khẳng định chiến thắng hôm nay là chiến thắng của hòa bình, của một dân tộc khát khao hòa bình.

Chào đón hòa bình, không chỉ các nhạc sĩ sáng tác mà cả nhạc sĩ chỉ huy Cao Việt Bách cũng góp vào một giai điệu hào sảng, bay bổng trong ca khúc hợp xướng “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”: “Từ thành phố này Người đã ra đi. Bao năm ước mong đón Bác trở về. Trong chiến dịch này Bác đã cùng về với những đoàn quân. Bác vẫn đến từng nhà thăm các cụ già cầm tay chúng con. Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn…”.

Trong không khí mới rợi của hòa bình, có lẽ những người nghẹn ngào không nói thành lời chính là các nhạc sĩ ở miền Nam yêu thương. Đã dấn thân trong bao tháng năm khói lửa, họ thật sự bỡ ngỡ, thật sự chơi vơi giữa không gian chợt im bặt tiếng bom rơi, đạn nổ. Nhưng đến mùa Xuân hòa bình đầu tiên thì không thể kìm lòng được nữa.

Ca khúc “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Xuân Hồng là một minh chứng sinh động nhất. Để viết được ca khúc gan ruột của mình, Xuân Hồng đã nhớ ngày Nam bộ kháng chiến 23-9-1945 vừa tròn 30 năm miền Nam đi trước về sau. Ông đã lấy câu hát mở đầu ca khúc “Nam bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn: “Mùa thu ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…” là chủ đề cho ca khúc về mùa Xuân hòa bình đầu tiên: “Mùa Xuân này về trên quê ta, khắp đất trời vang vọng tiếng ca…”. Với nhạc sĩ Tôn Thất Lập khi Sài Gòn được giải phóng khiến ông nghĩ lại những ngày “hát cho đồng bào tôi nghe” rực lửa của phong trào đấu tranh học sinh, sinh viên những năm tháng hào hùng. Có lẽ thế Tôn Thất Lập thủ thỉ một giai điệu ấm áp, tinh khôi trong “Tình ca mùa xuân”: “Nửa đêm nghe Xuân về, thấy đời lên rất trẻ…”.

Trong thời điểm thiêng liêng ấy còn rất nhiều giai điệu chào đón hòa bình vang lên mà bài viết hạn hẹp này không thể kể hết được. Song cũng có những giai điệu được viết trong thời điểm ấy lại phải rất lâu sau mới được vang lên bởi nhiều trắc ẩn của thời thế. Đó là “Cung đàn mùa xuân” của Cao Việt Bách (phổ thơ Lưu Trọng Lư) phải mất mấy năm sau hòa bình mới được vang lên qua giọng hát Kiều Hưng: “Em ơi vút lên một tiếng đàn. Kìa đàn đã so dây. Cung đàn đã lựa phím đất nước mình xôn xao. Mùa vui đang nở rộ. Bình minh chiến thắng reo ca. Xuân về non nước bao la….”.

Chả biết lý do gì biên tập âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam lại không ký duyệt cho thu thanh ca khúc này. Bản thảo đã được tác giả mang ra lót nồi cơm nhem nhuốc than trong bữa cơm mời nhạc sĩ Đặng An Nguyên. Trong lúc chờ thức ăn bê lên, nhạc sĩ Đặng An Nguyên tình cờ ngó vào tờ giấy lót nồi và phát hiện ra đó là một bản thảo của bạn. Ông lấy tờ giấy khác lót vào nồi cơm và cầm bản thảo lên đọc. Vừa đọc ông vừa sửng sốt bởi vẻ đẹp giai điệu của nhạc phẩm. Ngay lập tức, ông đề nghị cho “Cung đàn mùa xuân” được thu thanh.

Ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao được viết vào năm 1976. Dù nó đã được dịch ra tiếng Nga và ấn hành tại Liên Xô, nhưng trong nước không nhà biên tập nào dám đứng ra ký thu thanh. Có lẽ lúc ấy, cái ách “Nhân văn giai phẩm” trên vai Văn Cao chưa được tháo bỏ và ca khúc cứ thế nằm phủ bụi lãng quên trong chiếc tủ xập xệ của tác giả “Quốc ca Việt Nam”.

Mãi tới mùa Xuân năm 1985, “Mùa xuân đầu tiên” mới được người viết bài này lôi ra lau bụi. Nhưng cũng phải tới năm 1991 ca khúc mới lần đầu tiên được thu thanh qua giọng hát Quốc Đông. Đến năm 1993, trong chương trình ca nhạc kỷ niệm Văn Cao 70 tuổi, “Mùa xuân đầu tiên” được trình diễn trên sân khấu Cung Văn hóa Thanh niên Hà Nội qua giọng ca Minh Hoa. Và thực sự, phải sau khi Văn Cao qua đời (10-7-1995), “Mùa xuân đầu tiên” mới bắt đầu ngấm vào nhân gian: “Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người. Từ đây người sống yêu đời”.

Nhìn lại thời điểm thiêng liêng của đất nước 40 năm trước, chợt thấy vang lên quanh mình biết bao giai điệu chào đón hòa bình rất đỗi thân quen, mà lòng ẩn ước biết bao cảm xúc, biết bao nỗi niềm. 40 năm là độ tuổi con người đã chín chắn “tứ thập bất hoặc” đủ để nhận thấy những trải nghiệm vừa hạnh phúc vừa xót đắng. Nhận thấy để càng thêm yêu quý những ngày sẽ sống tiếp, sẽ dấn thân tiếp cho mình, cho dân tộc mình. Những năm tháng mà càng lúc, chữ hòa bình càng lấp lánh, càng quý báu như kim cương đối với Tổ quốc Việt Nam.

Các tin khác