Hội nhập kinh tế quốc tế: Khẳng định vị thế VN

LTS: Bài viết “Vài nét về Việt Nam” đăng trên website của Liên hiệp quốc mới đây đã tổng kết những thành công của Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo kể từ khi thống nhất đất nước vào năm 1975. Bài viết nhận định kể từ khi khởi xướng tiến trình Đổi mới vào năm 1986, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung dựa trên sở hữu nhà nước sang nền kinh tế nhiều thành phần với định hướng thị trường, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế hết sức ấn tượng.

LTS: Bài viết “Vài nét về Việt Nam” đăng trên website của Liên hiệp quốc mới đây đã tổng kết những thành công của Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo kể từ khi thống nhất đất nước vào năm 1975. Bài viết nhận định kể từ khi khởi xướng tiến trình Đổi mới vào năm 1986, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung dựa trên sở hữu nhà nước sang nền kinh tế nhiều thành phần với định hướng thị trường, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế hết sức ấn tượng.

Xây dựng niềm tin nhà đầu tư

Quan trọng hơn cả, theo bài viết, những thành tựu của Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ cải cách kinh tế được duy trì liên tục và sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực cũng như kinh tế thế giới. Điều này đã chứng minh tác động tích cực của mối quan hệ qua lại giữa cải cách trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Cụ thể, khi 2 tiến trình này được tiến hành song song, cùng hướng và cùng tốc độ, cơ hội kinh doanh sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và môi trường kinh doanh (MTKD) cũng ngày càng được hoàn thiện. Nhờ sự tác động qua lại của 2 yếu tố này, một quốc gia sẽ có cơ hội tốt hơn trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao.

Khởi xướng đường lối Đổi mới vào năm 1986, Nhà nước Việt Nam lần đầu tiên khẳng định chủ trương chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung dựa trên sở hữu nhà nước sang nền kinh tế nhiều thành phần với định hướng thị trường. Chủ trương này sau đó đã liên tục được khẳng định lại qua các kỳ Đại hội Đảng, tạo được niềm tin ngày càng lớn cho nhà đầu tư.

Thực tế từ giữa những năm 1990, Việt Nam chủ động đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế như là một phần của chính sách Đổi mới. Trong vòng chưa đầy 2 thập niên, Việt Nam đã lần lượt triển khai hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả phương diện đa phương, khu vực và song phương, với đỉnh cao là việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào đầu năm 2007.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự trở thành bộ phận quan trọng trong chiến lược cải cách để phát triển và trên thực tế, đã có những đóng góp hết sức to lớn cho những thành tựu của Việt Nam trong 30 năm Đổi mới.

Theo đó, Chính phủ đã từng bước hoàn thiện môi trường kinh doanh cho doanh nhân, tập trung 5 yếu tố: Xây dựng các điều kiện thuận lợi cho việc khởi sự kinh doanh (được hiểu trên cả 2 bình diện: thâm nhập thị trường và rút khỏi thị trường); bảo đảm sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; cung cấp đủ, với chi phí cạnh tranh, đi đôi với liên tục hoàn thiện chất lượng của hạ tầng cứng (năng lượng, giao thông, thông tin liên lạc) cũng như hạ tầng mềm (nguồn nhân lực); cải cách thủ tục hành chính để đáp ứng tốc độ ngày càng tăng của lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ; nỗ lực xóa bỏ các rào cản đối với sự lớn mạnh về quy mô.

Dù tốc độ có lúc nhanh, lúc chậm, chất lượng hành động có sự khác nhau giữa các thời kỳ cũng như giữa các cấp chính quyền, nhưng về cơ bản chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện thành các hành động cụ thể và thực thi một cách nghiêm túc, nhất quán và thiện chí ở tất cả các cấp.

Khuôn khổ pháp lý dần được hình thành và ngày càng hoàn thiện, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho khởi sự kinh doanh (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phá sản) và bảo đảm sự bình đẳng ngày càng lớn hơn trong tiếp cận nguồn lực. Đầu tư vào hạ tầng cứng và mềm cũng được quan tâm thấu đáo, đặc biệt hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần xóa bỏ các rào cản đối với tăng trưởng quy mô, giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản sức mua yếu của thị trường nội địa để phát triển quy mô kinh tế.

Gia nhập sân chơi toàn cầu

Khi hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) được ký kết vào ngày 30-10-1947, chưa nhiều nước tin vào nền kinh tế mở. Bằng chứng chỉ có 23 nước tham gia GATT. Tuy nhiên, ngày 14-4-1994, khi các quốc gia và vùng lãnh thổ ký Hiệp định Marrakesh để hoàn tất vòng đàm phán Uruguay và lập ra WTO, con số các nước đồng thuận với kinh tế mở tăng lên 123, chiếm 70% GDP toàn cầu so với chưa đầy 50% của đầu thập niên 1960.

TPP và FTA với EU chứa đựng những lợi ích vô hình nhưng hết sức to lớn của điều ước quốc tế đối với MTKD. Đó là sự khẳng định chủ trương cải cách không thể đảo ngược của một quốc gia; là sự hội tụ và hài hòa triết lý xây dựng chính sách phát triển kinh tế trên phạm vi rộng; là sức ép thực sự và không thể né tránh với Nhà nước và doanh nghiệp trong việc liên tục duy trì môi trường cạnh tranh và lớn lên trong cạnh tranh.

Các quốc gia hoàn toàn có thể mở cửa và hội nhập đơn phương. Tuy nhiên, hội nhập thông qua các điều ước quốc tế sẽ đem lại các lợi ích to lớn, khi cam kết mang tính ràng buộc trong các hiệp định kinh tế - thương mại sẽ là sự khẳng định rõ ràng nhất cho chủ trương cải cách của một quốc gia, không thể đảo ngược.

Các thỏa thuận này sẽ giúp các quốc gia cùng nhìn về một hướng khi xây dựng chính sách kinh tế của mình. Thỏa thuận thương mại quốc tế đầu tiên có ý nghĩa đối với MTKD ở Việt Nam là thỏa thuận gia nhập Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1995. AFTA là hiệp định đầu tiên mang đến cho Việt Nam các khái niệm chuẩn về tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia và các khái niệm về minh bạch hóa. Đặc biệt, thông qua các cam kết về giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình, lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam được làm quen với tính “có thể dự đoán trước” của MTKD.

Thỏa thuận thương mại quốc tế có ý nghĩa quan trọng tiếp theo là Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA), được ký kết vào năm 2000. Với BTA, lần đầu tiên Việt Nam đưa ra các cam kết có ý nghĩa về mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và di chuyển thể nhân, trong đó có cam kết quan trọng về dịch vụ hỗ trợ kinh doanh (pháp lý, kế toán, kiểm toán), dịch vụ logistics, dịch vụ máy tính, tin học và viễn thông.

BTA cũng lần đầu tiên đưa ra khái niệm về sự độc lập, khách quan của cơ quan quản lý nhà nước, về quyền sở hữu trí tuệ cũng như mở cửa thị trường cho dịch vụ cung cấp qua biên giới. BAT cũng là thỏa thuận thương mại đầu tiên giúp một số ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam vượt qua giới hạn của sức mua nội địa, dựa vào thị trường ngoài để phát triển tới quy mô kinh tế.

Thỏa thuận gần đây nhất, có ý nghĩa toàn diện đối với MTKD của Việt Nam, là thỏa thuận gia nhập WTO. Có thể nói, việc gia nhập WTO đã thay đổi gần như toàn bộ MTKD tại Việt Nam, biến Việt Nam trở thành địa bàn hấp dẫn đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay Việt Nam đã ký thêm 7 hiệp định FTA với các nước, tập trung vào tự do hóa thương mại hàng hóa.

Sức ép cải cách, khẳng định nội lực

Để tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia đàm phán các FTA thế hệ mới như Hiệp định TPP và Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EU). Đó là các FTA tiêu chuẩn cao, có phạm vi điều chỉnh rộng và mức độ cam kết từ sâu đến rất sâu, chủ yếu là các FTA có sự tham gia của Hoa Kỳ hoặc EU. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, các FTA này còn đề cập cả các vấn đề “phi truyền thống” như mua sắm của Chính phủ, thương mại và lao động, thương mại và môi trường, chống tham nhũng, doanh nghiệp nhà nước, chính sách cạnh tranh v.v... Tác động đến việc cải thiện MTKD vì vậy là rất lớn.

Trong 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã xử lý rất thành công mối quan hệ biện chứng giữa cải cách trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Dưới sự tác động qua lại của 2 yếu tố này, MTKD ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn, có sức hấp dẫn lớn đối với đầu tư và nhờ vậy Việt Nam đã có thể duy trì tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao trong thời gian dài. Nhận thực được tầm quan trọng của sự duy trì liên tục các nỗ lực cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã chính thức khởi động nỗ lực mới trên cả 2 bình diện này. Một sự tác động qua lại mới, với chất lượng cao hơn, đã bắt đầu hình thành. Nhưng để bảo đảm sự thành công trong tương lai, cần khắc phục một số yếu kém:

Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn lớn quốc tế (trong ảnh: Nhà máy Intel trong Khu công nghệ cao TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn lớn quốc tế
(trong ảnh: Nhà máy Intel trong Khu công nghệ cao TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

MTKD mới sẽ đòi hỏi một thế hệ doanh nhân mới, với tư duy khu vực và toàn cầu. Việc thiếu vắng các doanh nhân như vậy có thể dẫn đến 2 hệ quả. Một là, không nắm bắt được các cơ hội do MTKD mới đem lại, dẫn đến tăng trưởng dưới tiềm năng. Hai là, sự lấn lướt của nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần hình thành tình cảm không thuận trong xã hội, không có lợi cho các nỗ lực cải cách và hội nhập tiếp theo.

Hạ tầng cứng là yếu tố có thể cải thiện nhanh, nhất là khi Việt Nam tạo được lòng tin cho cộng đồng đầu tư quốc tế. Trong khi đó, hạ tầng mềm (chất lượng của việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ) lại là yếu tố rất khó cải thiện trong thời gian ngắn. Một hạ tầng mềm không đủ mạnh sẽ là điểm nghẽn cho việc cải thiện MTKD.

Giữa cải cách kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế có sự tác động qua lại, nhưng cải cách luôn phải là yếu tố quyết định và là nền tảng của hội nhập. Lợi ích và chi phí của hội nhập kinh tế quốc tế thường được phân bổ không đồng đều, nhất là ở những nước đang phát triển. Vì vậy, cần có giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập đối với những đối tượng bị tác động nhiều nhất, tạo cơ hội công bằng cho tất cả đối tượng trong việc tiếp cận các thành quả của hội nhập. Có như vậy mới bảo đảm đồng thuận xã hội, yếu tố quan trọng giúp cải cách kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế , từ đó cải thiện MTKD thành công.

Các tin khác