Hà Nội: Dấu ấn tháng 4 và khát vọng mới

Chỉ 30 phút sau khi Sài Gòn giải phóng, 12 giờ trưa ngày 30-4-1975, khi Đài Tiếng nói Việt Nam dõng dạc tuyên bố: "11 giờ 30 phút hôm nay 30-4-1975, quân giải phóng đã hoàn toàn làm chủ Sài Gòn, đột nhập dinh Độc Lập và tập đoàn ngụy quyền Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện…”, cả Hà Nội bừng lên như sấm dậy. Niềm vui chờ đợi suốt 20 năm của hậu phương lớn như vỡ òa cùng muôn vạn nụ cuời và nước mắt…

Chỉ 30 phút sau khi Sài Gòn giải phóng, 12 giờ trưa ngày 30-4-1975, khi Đài Tiếng nói Việt Nam dõng dạc tuyên bố: "11 giờ 30 phút hôm nay 30-4-1975, quân giải phóng đã hoàn toàn làm chủ Sài Gòn, đột nhập dinh Độc Lập và tập đoàn ngụy quyền Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện…”, cả Hà Nội bừng lên như sấm dậy. Niềm vui chờ đợi suốt 20 năm của hậu phương lớn như vỡ òa cùng muôn vạn nụ cuời và nước mắt…

20 năm thu lại 1 ngày

Từ trước Tết Nguyên đán, tin thắng trận từ chiến trường Phước Long, rồi nối tiếp sau đó là chiến thắng Buôn Ma Thuột giải phóng Tây nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng… đã làm cho bầu không khí của thủ đô Hà Nội luôn rộn ràng, tươi mới. Ai cũng linh cảm rằng ngày chiến thắng đang tới gần. Dưới bầu trời trong xanh của tháng 4 Hà Nội, nhịp sống thường nhật vẫn diễn ra đều đặn: tàu điện kêu leng keng, trẻ em đi học như đàn chim ríu rít trong nắng mới, những cô gái dịu dàng xuống phố, thanh niên đạp xe dọc Bờ Hồ…

Thế nhưng ẩn sâu trong vẻ bình lặng thường có đó là những đợt sóng ngầm dữ dội được lan tỏa từ Tổng hành dinh chỉ đạo chiến dịch trong thành Hoàng Diệu. Từ phương Nam, từ Sài Gòn, nơi những mũi nhọn của quân giải phóng đang từng ngày dồn dập áp sát thành phố trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 20 năm chia cách, 20 năm miền Nam đau khổ đọa đày sắp kết thúc khiến cho trái tim người Hà Nội nào cũng rưng rưng. Từ trước ngày 30-4 một tuần, tin chiến sự dồn dập bay về, bầu không khí Hà Nội căng như dây đàn, người Hà Nội bàn tán về chiến sự ở mọi nơi, quanh những bản tin ở các khu phố, quanh Bờ Hồ, trong nhà máy, bên bữa cơm…

Gắn bó với ngõ 70 Hàng Giấy đã ngót nghét hơn 60 năm, bà Nguyễn Thị Đĩnh không thể nào quên được cái ngày hàng triệu người dân Hà Nội đã chờ đợi ròng rã - kể từ thời điểm “trùng trùng quân đi như sóng” trong ánh bình minh của tự do, độc lập. “Tôi nhớ lúc đó chưa đến 12 giờ trưa, vì còi tầm chưa kêu, đột nhiên từ mạn chợ Đồng Xuân xôn xao, náo nhiệt hẳn lên. Đang chưa hiểu chuyện gì thì có người đạp xe đạp vụt qua, nói như hét: Sài Gòn giải phóng rồi, Sài Gòn giải phóng rồi… Mọi người dân ai có đài phát thanh đều bật lên để nghe tin tức. Đến 12 giờ, khi Đài Tiếng nói Việt Nam tuyên bố chính thức cả dãy phố như vỡ òa, người người ùn ùn đổ ra đường vui mừng, hò hét đến tận đêm”.

Có lẽ trong suốt quãng đường 30 năm, kể từ Mùa thu Độc lập đầu tiên trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, người Hà Nội mới có Ngày Quốc tế Lao động 1-5 hân hoan đến thế. Sáng sớm hôm đó cả Hà Nội đã rợp cờ hoa, khẩu hiệu, băng rôn, người người kéo về từ khắp các cửa ô trong niềm vui không thể che giấu. Người dân thủ đô như đang sống trong một giấc mơ, trong niềm vui tròn vẹn bởi từ đây non sông đã thu về một mối, Nam Bắc một nhà đã trở thành hiện thực.

Trong thế rồng bay

Trong khu A của Thành cổ Hà Nội, có một ngôi nhà nằm khiêm tốn và lặng lẽ. Đó là nhà D67 - Tổng hành dinh, nơi Bộ Chính trị họp hội nghị mở rộng quyết định giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, nơi chứng kiến những đêm thức trắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của các tướng lĩnh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh chấn động địa cầu.

Đại lộ Thăng Long - biểu tượng của Hà Nội mở rộng. Ảnh: LÃ ANH

Đại lộ Thăng Long - biểu tượng của Hà Nội mở rộng. Ảnh: LÃ ANH

40 năm đã trôi qua, phố cổ Hàng Giấy của bà cụ Đĩnh đã trở nên sầm uất và hiện đại, mái tóc đen của người phụ nữ ngày nào đã bạc trắng, những chứng nhân lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng dần trở về với đất, chỉ có Hà Nội đang ngày một đi lên trong thế rồng bay, trong hòa bình và khát vọng đổi thay của những vận hội mới. Thủ đô đã được mở rộng so với trước, những công trình trọng điểm đang dần hình thành nên bộ mặt mới cho thành phố ngàn năm tuổi.

Kinh tế thủ đô liên tục tăng trưởng khá cao, luôn đạt gấp 1,5 lần so với cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm sau luôn cao hơn năm trước, từ năm 2000 đến năm 2013 tăng hơn 11 lần. GDP bình quân đầu người tăng gần gấp 3 lần so với năm 1989… Hậu phương lớn trọn nghĩa vẹn nghĩa tình năm nào đã trở thành một đô thị lớn mạnh và hiện đại, không ngừng tiến lên phía trước, ghi thêm nhiều mốc son, nhiều thành tựu sáng chói.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, những người dân Hà Nội lại cùng hướng về Sài Gòn-TPHCM trong cùng một nhịp đập trái tim, cùng một niềm hân hoan của đất nước 40 năm ngày hội ngộ. Hậu phương lớn - tiền tuyến lớn năm nào, sau 40 năm vững vàng cất cánh - đang cùng viết nên bản hòa ca trong sự đi lên của đất nước.

Các tin khác