Sau Metro sẽ là ai?

Những năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta đã đem lại nguồn lực lớn về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc thu hút FDI bằng mọi giá đã tạo kẽ hở để một số DN FDI trục lợi bằng cách chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách.

Những năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta đã đem lại nguồn lực lớn về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc thu hút FDI bằng mọi giá đã tạo kẽ hở để một số DN FDI trục lợi bằng cách chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách.

Vừa qua, Tổng cục Thuế đã hoàn tất kết luận thanh tra tại Công ty TNHH Metro Cash & Carry Vietnam (Metro Việt Nam), liên quan đến việc chấp hành pháp luật về chính sách thuế, trong đó tập trung làm rõ có hay không dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế. Kết thúc đợt thanh tra kéo dài 2 tháng, Tổng cục Thuế xác định Metro Việt Nam đã có nhiều vi phạm và tiến hành truy thu hơn 500 tỷ đồng. Sau khi xác định lại số lỗ thực của DN, cơ quan thanh tra kết luận Metro phải nộp bù vào ngân sách nhiều khoản, trong đó có tiền giảm lỗ, truy thu thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng (VAT), giảm khấu trừ thuế VAT...

Metro hoạt động tại Việt Nam từ năm 2002 với số vốn đầu tư ban đầu 78 triệu USD. Sau 12 năm, doanh thu tại Việt Nam tăng gấp 24 lần nhưng DN liên tục báo lỗ, với lý do doanh thu chưa bù đắp giá vốn hàng mua và chi phí bỏ ra. Theo cơ quan thuế, Metro chưa từng nộp thuế thu nhập DN và chỉ báo lãi duy nhất năm 2010 (116 tỷ đồng). Đến tháng 8-2014, Tập đoàn Metro thông báo kế hoạch bán lại Metro Việt Nam của Thái Lan với giá 800 triệu USD.

Hoạt động chuyển giá nhằm trốn thuế của nhiều DN FDI, đặc biệt những công ty đa quốc gia đang diễn ra hết sức phức tạp, tinh vi, như chuyển giá thông qua góp vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, chuyển giao nguyên vật liệu, hàng hóa, chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh…

Năm 2013, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện thanh tra việc thu ngân sách tại các DN trong khu chế xuất ở Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Trong đợt thanh tra này, có đến 125/399 DN báo lỗ trong nhiều năm với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trong khi các DN này vẫn tăng trưởng doanh thu và mở rộng đầu tư.

Theo các chuyên gia kinh tế, chống chuyển giá, trốn thuế nói ra dễ nhưng để chứng minh rõ ràng, khiến DN tâm phục khẩu phục không hề đơn giản. Bên cạnh việc vấp phải sự khôn ngoan, lọc lõi của DN, hạn chế của các cơ quan quản lý thuế hiện nay là chưa xây dựng được đội ngũ chuyên trách, chuyên sâu và chuyên nghiệp để chống chuyển giá, trốn thuế một cách hiệu quả.

Bằng chứng là ngoài Metro, nhiều DN FDI dù bị cơ quan thuế liệt vào danh sách trốn thuế, nhưng trên thực tế rất ít tên tuổi bị phanh phui, truy thu thuế. Do đó, việc thanh tra và tiến hành truy thu hơn 500 tỷ đồng tiền thuế từ Metro Việt Nam có ý nghĩa rất lớn trong công tác chống chuyển giá, trốn thuế.

Từ sự kiện này, cơ quan thuế tới đây chắc chắn sẽ quyết liệt hơn khi soi các ông lớn FDI chuyển giá phi pháp. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm hiện nay là làm sao nhanh chóng cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công để thu hút và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư chân chính đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Tại cuộc họp mới đây về thủ tục thuế, hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn thừa nhận số lượng thủ tục thuế vẫn quá nhiều và còn phức tạp, làm ảnh hưởng đến thời gian nộp thuế. Theo Bộ Tài chính, dù đã loại bỏ 53 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 262 thủ tục nhưng số lượng thủ tục vẫn còn quá lớn, cuối năm 2014 còn tới 432 thủ tục.

Hiện chỉ có hơn 40.000 trong tổng số gần 490.000 DN thực hiện nộp thuế điện tử. Ngành thuế vẫn chưa xây dựng được chế độ, tiêu chí đánh giá rủi ro để xác định đối tượng có nguy cơ rủi ro cao về thuế. So với ngành hải quan, đây là hạn chế lớn khiến DN bị thanh kiểm tra quá nhiều, DN chấp hành tốt nghĩa vụ về thuế cũng bị đối xử như DN vi phạm. Trong khi đó, để đạt mục tiêu 121,5 giờ, năm 2015, ngành thuế sẽ còn phải cắt giảm tiếp 45,5 giờ nữa.

Trong các cuộc hội thảo về xúc tiến đầu tư, ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (Jetro), không ít lần kêu gọi cần cải thiện dịch vụ hành chính công hơn nữa, nếu muốn DN Nhật Bản rót vốn và đầu tư công nghệ vào Việt Nam. Theo ông Yasuzumi Hirotaka, năm 2014, Việt Nam đã tích cực cải cách theo hướng đơn giản hóa thủ tục, minh bạch hóa về thuế, hải quan. Nhưng các DN Nhật vẫn than phiền hệ thống pháp lý Việt Nam chưa thực sự minh bạch, rườm rà; quy trình về thuế, hải quan còn gây trở ngại.

Các tin khác