Kinh tế vĩ mô: Ổn định về lượng, trì trệ về chất

Mặc dù nền kinh tế có dấu hiệu ấm lên song sự phục hồi còn rất mong manh nên Việt Nam cần kiên trì con đường tăng trưởng thận trọng. Nếu tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng, sẽ buộc phải gia tăng đầu tư công, gia tăng nợ công, nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, tăng cường phát hành trái phiếu... Hậu quả sẽ rất tai hại như những gì đã diễn ra trong khoảng chục năm gần đây.

Mặc dù nền kinh tế có dấu hiệu ấm lên song sự phục hồi còn rất mong manh nên Việt Nam cần kiên trì con đường tăng trưởng thận trọng. Nếu tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng, sẽ buộc phải gia tăng đầu tư công, gia tăng nợ công, nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, tăng cường phát hành trái phiếu... Hậu quả sẽ rất tai hại như những gì đã diễn ra trong khoảng chục năm gần đây.

Tăng trưởng dưới tiềm năng

Khoảng 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP gần như liên tục đi xuống, chỉ tăng trở lại vào năm 2010 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với trước năm 2007. Nhìn chung giai đoạn 8 năm 2008-2015 (tính cả kế hoạch tăng trưởng 6,2% năm 2015), tốc độ tăng trưởng GDP tương đối ổn định, dao động trên dưới 1% so với mức trung bình 5,7%.

Như vậy, đây là ổn định ở mức thấp so với tiềm năng (khoảng 7,5-8% như đã đạt được thời kỳ trước đây). Nếu quá trình tăng trưởng của nền kinh tế nước ta từ năm 2010 về trước có các pha đi lên-đi xuống khá rõ ràng, mang tính cơ cấu, dễ dự báo thì từ năm 2011 đến nay đang trong giai đoạn ổn định trì trệ dưới tiềm năng nên rất khó dự báo cho một vài năm tới. Sự trì trệ kéo dài đã gần 3 năm, đòi hỏi phải có sự thay đổi nhưng thay đổi thế nào trong bối cảnh hiện nay là điều khó dự báo.

Tăng trưởng kinh tế tiếp tục được cải thiện, chủ yếu từ một số cải thiện nhỏ về phía cầu; trong khi đó khu vực doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn; khu vực dịch vụ chưa thể phục hồi; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động hầu như không chuyển biến. Như vậy, tăng trưởng ổn định về lượng chưa đi đôi với những thay đổi mạnh mẽ về chất như mong đợi. Chất lượng tăng trưởng vẫn rất yếu kém.

Tăng trưởng ổn định dưới tiềm năng không chỉ diễn ra trong toàn nền kinh tế mà còn diễn ra ở tất cả các khu vực. Trước hết hãy nhìn  khu vực nông lâm ngư nghiệp. Mặc dù tăng trưởng năm 2014 đã lên tới xấp xỉ 3,5% nhờ mưa thuận gió hòa, nhưng vẫn kém xa các năm 2005-2008.

Tình hình tương tự diễn ra trong khu vực tiếp theo là công nghiệp. Riêng khu vực dịch vụ, xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng vẫn liên tục kéo dài từ năm 2005 tới nay; điều này rất đáng quan tâm vì nó phản ánh thực trạng chưa thoát khỏi trì trệ, và do đó sẽ hạn chế sự phục hồi, từng bước đi lên vững chắc của toàn bộ nền kinh tế.

Đáng tiếc nếu như năm 2013 khu vực dịch vụ đã có bước bứt phá về tốc độ tăng trưởng, dấu hiệu cho thấy cầu bắt đầu được cải thiện, thì năm 2014 điểm sáng này đã không phát huy được, thậm chí bị thụt lùi. Hậu quả là cơ cấu kinh tế có những chuyển dịch theo hướng tiến bộ nhưng quá chậm chạp: Tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ trong GDP đều tăng không đáng kể sau gần 10 năm phát triển (2006-2014). Tính chung tỷ trọng khu vực nông nghiệp sau gần 10 năm chỉ giảm được 1,2%.

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế quá chậm gắn liền với tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động cũng rất chậm. Đến hết năm 2014, vẫn còn tới 46,6% lực lượng lao động đang làm việc trong khu vực nông nghiệp. Tính chung sau 10 năm, tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp chỉ giảm được 8,6%. Riêng năm 2014, có thể thấy hầu như không có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động so với năm 2013.

Cải cách chưa tạo chuyển biến

Trong giai đoạn 2008-2014, nền kinh tế đã tăng trưởng quá nóng vào năm 2010 gây ra những bất ổn rất nghiêm trọng, phải cần đến 3 năm 2011-2013 mới trở về được quỹ đạo cân bằng thấp và thêm 1 năm 2014 để củng cố thế cân bằng và nâng dần hiệu quả.

Trong quá trình đó, đôi khi đã phải trả giá quá nhiều, như việc hạ cánh tăng trưởng quá nhanh, thắt chặt tài chính tiền tệ quá mạnh, tỷ lệ lạm phát giảm đột ngột đã khiến hàng trăm ngàn doanh nghiệp bị phá sản hoặc đóng cửa, dừng hoạt động; đời sống người lao động và dân cư gặp rất nhiều khó khăn. Dự báo còn cần ít nhất 1-2 năm nữa các cân bằng vĩ mô mới trở nên thực sự bền vững và phát huy hiệu quả, tạo điều kiện để nâng dần tốc độ tăng trưởng kinh tế về tốc độ tiềm năng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Cán bộ tốt làm ra thể chế tốt, điều hành và giám sát thực hiện thể chế tốt. Đất nước tiến nhanh hay tiến chậm, phát triển hay thụt lùi có liên quan chặt chẽ tới chất lượng hoạt động của bộ máy điều hành từ trung ương tới cơ sở. Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, dứt khoát phải nâng cao bộ máy giám sát thực hiện đúng pháp luật và nguyên tắc kinh tế thị trường, tức nâng cao năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ nhà nước.

Thực tế nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn thách thức, có mặt trở nên gay gắt hơn. Nổi bật là tốc độ đổi mới quá chậm và thiếu kiên quyết; cơ cấu kinh tế vẫn hết sức trì trệ, chưa thấy lối ra, từ cơ cấu vĩ mô xuống cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu địa bàn. Sản xuất kinh doanh vẫn gặp rất nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn rất lớn.

Bội chi 4,6% vẫn quá cao do nhu cầu chi tiêu chính phủ quá lớn. Nợ xấu, rủi ro vẫn là những nỗi lo, bức xúc thường trực. Thực hiện lộ trình giá thị trường đối với nhiều hàng hóa và dịch vụ thiết yếu chậm. Hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thực sự an toàn. Thị trường bất động sản trầm lắng; nguy cơ khủng hoảng vẫn lớn, nhất là do tốc độ tăng trưởng cung tiền tệ vẫn khá cao.

Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; hệ số ICOR cao. Các chương trình tái cơ cấu được thực hiện quá chậm. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chậm lại, giá thành quá cao... có nguy cơ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Chênh lệch giàu nghèo, bất công đã trở nên quá lớn, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Bao trùm lên tất cả và là nguy cơ chính gây mất ổn định kinh tế trong thời gian tới là tốc độ cải cách kinh tế, cải cách thể chế, cải cách hành chính đều quá chậm. Quy trình xây dựng, chất lượng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách rất yếu. Nói nhiều, hứa nhiều, làm ít hoặc không làm đang là căn bệnh phổ biến ở mọi cấp lãnh đạo.

Nguyên nhân chủ yếu là lãnh đạo chưa thực sự kiên trì mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5-6%, vẫn muốn tăng trưởng nhanh hơn nên không còn nhiều tâm sức nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng thể chế kinh tế thị trường phù hợp với trình độ phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu nền sản xuất, mạnh mẽ đấu tranh chống tham nhũng, cải cách bộ máy nhà nước và công tác cán bộ theo hướng tận tâm phục vụ dân...

Kiên định ổn định vĩ mô

Những áp lực của hội nhập, cạnh tranh quốc tế và khu vực cùng với những chủ trương chính sách mới được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng đầu năm 2016 chắc chắn sẽ đòi hỏi Chính phủ cũng như từng doanh nghiệp, cá nhân phải hành động quyết liệt hơn. Thuận lợi và khó khăn đan xen nhau; khó khăn cũng có mặt tích cực là tạo sức ép để phải đổi mới, phải hành động.

Thực tiễn cho thấy càng bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn, người Việt và doanh nhân Việt càng trở nên mạnh mẽ. Do vậy, nhìn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 dự báo sẽ cao hơn so với giai đoạn 2011-2015; năng suất, chất lượng, hiệu quả dự báo sẽ có bước cải thiện... nếu như những chính sách phát triển đi đúng hướng.

Giữa lúc nền kinh tế thế giới đang phục hồi tăng trưởng và sức ép cạnh tranh quốc tế lớn như vậy, thì nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng vẫn quá yếu ớt, thậm chí chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng. Do vậy, mục tiêu chủ yếu của chính sách kinh tế năm 2015 và 1-3 năm tiếp theo không phải là tăng trưởng cao mà là tập trung sửa chữa những lỗi hệ thống, nâng cao chất lượng tăng trưởng, làm nền tảng phát triển mạnh mẽ cho những năm sau. Nếu như Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng khoảng 5,5-6% trong khi chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh tăng vọt, sẽ là điều rất đáng mừng.

Thị trường thép đã khởi sắc hơn khi thị trường bất động sản đang phục hồi. Ảnh: LONG THANH

Thị trường thép đã khởi sắc hơn khi thị trường bất động sản đang phục hồi.  
Ảnh: LONG THANH

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, không gì khác hơn là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, nhấn mạnh vào sử dụng nguồn vốn con người, phát huy sức mạnh của trí tuệ con người, thay cho nguồn vốn đầu tư cũng như các nhân tố phát triển theo chiều rộng khác.

Dứt khoát phải từ bỏ con đường phát triển dựa vào mở rộng bội chi ngân sách, phát hành tiền tệ tín dụng, khai thác tài nguyên và lao động rẻ tiền (thực chất là bóc lột nhân công), bán đất đai và vay nợ nước ngoài như đã làm trong hàng chục năm qua, tập trung tâm trí và sức lực xây dựng (i) một hệ thống pháp luật đầy đủ, khoa học và thực hiện triệt để nguyên tắc thượng tôn pháp luật, (ii) một thể chế kinh tế thị trường thực sự lành mạnh, theo đúng chuẩn mực quốc tế để động viên được sức mạnh của toàn dân, toàn thể cộng đồng doanh nghiệp vào sự nghiệp phát triển đất nước. Đây cũng chính là những vấn đề then chốt phải xử lý để đất nước tăng trưởng nhanh, bền vững và thoát được khỏi cái bẫy thu nhập trung bình.

Vì vậy ở tầm ngắn hạn, trong điều hành chính sách kinh tế-xã hội, cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc tối cần thiết là: Kiên định không chạy theo tăng trưởng nhanh; lấy ổn định vĩ mô và phát triển hài hòa (kinh tế, xã hội, môi trường) làm đại cục, ra sức nâng cao chất lượng tăng trưởng để chấm dứt cục diện "tăng trưởng nhanh - khủng hoảng lớn" luân phiên kéo dài hàng chục năm qua. Vì vậy phải chấp nhận có một giai đoạn điều chỉnh cơ cấu và thể chế kinh tế, kèm theo một tốc độ tăng trưởng thấp.

Các tin khác