Nông dân nuôi bò sữa điêu đứng

Huyện Củ Chi, TPHCM là nơi đứng đầu cả nước về số lượng đàn bò sữa, ước tính có tới khoảng 95.000 con. Song gần 4 tháng nay, nông dân nuôi bò sữa ở huyện này rơi vào cảnh điêu đứng do không bán được sữa.

Huyện Củ Chi, TPHCM là nơi đứng đầu cả nước về số lượng đàn bò sữa, ước tính có tới khoảng 95.000 con. Song gần 4 tháng nay, nông dân nuôi bò sữa ở huyện này rơi vào cảnh điêu đứng do không bán được sữa.

13 tấn sữa không nơi tiêu thụ

Hiện toàn bộ huyện Củ Chi có 345 hộ nuôi bò lâm vào tình cảnh này và mỗi ngày có hơn 13 tấn sữa không có nơi tiêu thụ. Không biết nhập ở đâu, nhiều hộ đã chuyển sữa tươi lên các quận nội thành TPHCM để bán trực tiếp cho người tiêu dùng với giá 20.000 đồng/lít. Song đó chỉ là giải pháp chữa cháy bởi số lượng bán ra không được nhiều và đó cũng không phải là giải pháp lâu dài để giải quyết hơn chục tấn sữa ế mỗi ngày. Số sữa vắt ra hàng ngày không biết để làm gì, người dân đành đem cho chính đàn bò của mình uống, một số hộ khác để nuôi heo...

Trong số các xã của huyện, khó khăn nhất là xã An Phú với 106 hộ nuôi chưa ký được hợp đồng với các công ty thu mua. Theo thống kê, xã có tổng số lượng đàn bò 617 con cho 1.751kg sữa/ngày. Trong đó, nhiều hộ mới nuôi bò được 2 năm đến lúc bắt đầu cho sữa gặp tình cảnh này đành bán tháo bằng mọi giá.

Ông Phạm Anh Quân, ngụ tổ 11, ấp Phú Bình, xã An Phú, cho biết vừa bán một con bò đang vắt sữa cách đây 2 ngày. Gia đình ông mua con bò này cách đây hơn 1 năm với giá 48 triệu đồng nhưng giờ bán giá chỉ 30 triệu đồng. Có nghĩa gia đình ông phải chịu lỗ hơn 20 triệu đồng bao gồm tiền vốn và các khoản thuốc, thức ăn cho bò trong năm qua chưa kể công sức chăm sóc.

Theo các hộ dân ở đây, giá bò cách đây 4 tháng rất cao, trung bình mỗi con bò bê có giá khoảng 40-50 triệu đồng, còn hiện tại bán với giá cao nhất chỉ 30 triệu đồng với bò đang vắt sữa, còn bò chưa vắt sữa giá dao động 15-27 triệu đồng. Như vậy, chỉ tính riêng tiền vốn, cứ mỗi con bò lỗ 20-30 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, ở ấp Phú Bình, xã An Phú, cho biết: “Gia đình tôi nuôi 12 con bò, trong đó có 4 con đang vắt sữa, trung bình mỗi ngày cho 65kg sữa nhưng không có hợp đồng thu mua với các công ty. Chỉ tính riêng chi phí thức ăn cho bò như cỏ, hèm bia, xắt mì, thuốc men...tổng cộng mỗi ngày cũng mất hơn 500.000 đồng. Không biết tình hình này kéo dài trong bao lâu, nếu quá dài chỉ có nước bán hết bò đi chứ càng để lâu càng lỗ thêm”.

Buông lỏng quản lý

Trao đổi với ĐTTC, ông Lâm Văn Tân, Chủ tịch HĐND xã An Phú, cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng không mong muốn này do bà con nông dân đua nhau nuôi bò nhưng không tính đến đầu ra sản phẩm. Từ năm 2014, số hộ nuôi bò sữa ở địa phương tăng cao, do người dân tiếp cận được với nguồn vốn vay lãi suất thấp của ngân hàng theo Quyết định 13 của UBND TPHCM. Cụ thể, UBND TP tạo điều kiện vay vốn cho các hộ chăn nuôi bò sữa và tùy số lượng bò mua, điều kiện kinh tế gia đình để hỗ trợ số tiền vay phù hợp.

Bên cạnh đó, UBND hỗ trợ 60% lãi suất cho mỗi hộ. Đồng thời, so với nuôi heo, trồng cao su, bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Song khi số lượng bò tăng lên nông dân không tìm được nơi tiêu thụ sữa. Theo đó,  để được ký hợp đồng với công ty thu mua sữa, các hộ chăn nuôi phải có 10 con bò sữa trở lên. Tuy nhiên, một số hộ nuôi không đủ số lượng bò nên đã ghép với các hộ có hợp đồng khác để bán sữa. Khi bị phát hiện, công ty đã cắt hợp đồng với các hộ vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Hiếu chăm sóc bò sữa.

Ông Nguyễn Văn Hiếu chăm sóc bò sữa.

Được biết, hiện tại, các công ty thu mua sữa trên địa bàn xã chủ yếu là Vinamilk và Friesland Campina Việt Nam (Sữa Cô gái Hà Lan). Trong quá trình làm việc với UBND xã, đại diện các công ty này cho biết sản phẩm sữa thu mua phải sạch, không bị nhiễm vi sinh, vi trùng, đạt chuẩn và chất lượng... Quá trình chăn nuôi bò sữa đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ thuật cao.

Vì vậy, để đảm bảo chất lượng sữa, phía công ty đã tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trị bệnh và yêu cầu các hộ phải tham gia. Song đa phần các hộ không tham gia và không tiến hành đăng ký số lượng đàn bò cũng như đảm bảo được chất lượng sữa.

Để xảy ra tình trạng trên, bên cạnh lỗi của nông dân không thể không đề cập đến vai trò quản lý đàn bò sữa của các cơ quan chức năng. Thời gian qua, cơ quan chức năng các cấp đã buông lỏng quản lý số lượng đàn bò và số lượng người đăng ký nuôi bò sữa. Theo ông Tân, trước mắt, xã đã tổ chức họp bà con chăn nuôi để trấn an không nên bán tháo đàn bò trong thời điểm này, vì sẽ gây thiệt hại lớn.

Chính quyền địa phương đang đàm phán với các đơn vị thu mua, tìm cách tháo gỡ tình cảnh khó khăn này. Mong rằng phía lãnh đạo địa phương cũng như các công ty sẽ sớm có giải pháp giải quyết tình trạng thực tại để bà con có thể yên tâm về đầu ra của sữa, đồng thời ổn định về kinh tế để chăm lo cho gia đình. 

Các tin khác