Nợ xấu - gỡ vẫn vướng

Đầu năm 2015, hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xử lý nợ xấu đã được ban hành để hỗ trợ Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và các TCTD giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ mới xử lý nợ xấu về con số chứ chưa thể xử lý nợ thật.

Đầu năm 2015, hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xử lý nợ xấu đã được ban hành để hỗ trợ Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và các TCTD giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ mới xử lý nợ xấu về con số chứ chưa thể xử lý nợ thật.

Quyết liệt kéo giảm nợ xấu

 

Sau nhiều kiến nghị sửa đổi hành lang pháp lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP. Theo Nghị định 34, điều kiện mua nợ xấu đã được sửa đổi, khoản nợ được mua theo giá trị thị trường chỉ cần đáp ứng 1 trong 2 điều kiện: “tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại” hoặc “khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ”, thay vì phải đáp ứng đồng thời cả 2 điều kiện này như quy định tại Nghị định 53.

Bên cạnh đó, VAMC được tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, được cho phép phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) để mua nợ xấu theo giá trị thị trường theo kế hoạch được NHNN phê duyệt. VAMC có thể phát hành TPĐB với thời hạn tối đa không quá 10 năm trong trường hợp phát hành TPĐB để mua nợ xấu của TCTD đang thực hiện tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính. Mức trích lập dự phòng rủi ro đối với TPĐB trong trường hợp này cũng sẽ được giảm bớt tương ứng phù hợp hơn với năng lực tài chính của từng TCTD.

Trước đó, NHNN cũng đã chấp thuận phương án phát hành TPĐB của VAMC trong năm 2015 với tổng giá trị TPĐB phát hành tối đa 80.000 tỷ đồng. Song song đó, NHNN đã gửi văn bản đến các NHTM về số nợ xấu tối thiểu cụ thể mà mỗi NHTM phải bán cho VAMC theo ấn định của NHNN và yêu cầu đến ngày 30-6-2015 phải bán được tối thiểu 75% và đến ngày 30-9-2015 bán hết 100% tổng số nợ xấu được ấn định.

Mới đây, NHNN tiếp tục thông báo, từ năm 2015, NHNN sẽ chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát tỷ lệ chi trả cổ tức của các NHTM. Tỷ lệ cổ tức của mỗi NH sẽ được NHNN thông qua cuối cùng dựa trên sự đánh giá của NHNN đối với tình hình tài chính của từng NH. Trong năm nay, mức chia cổ tức không quá 9%, tùy vào kết quả kinh doanh, trích lập dự phòng rủi ro và tiến độ xử lý nợ xấu.

Nhưng vẫn vướng

Hàng loạt giải pháp đối với việc xử lý nợ xấu đã cho thấy quyết tâm của NHNN trong việc kéo giảm nợ xấu về mức 3% vào cuối năm 2015 như đã tuyên bố trước đó. Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính, việc xử lý nợ xấu chỉ sẽ giảm trên con số, còn số nợ xấu thực chưa thể xử lý được nhiều vì còn rất nhiều vướng mắc. Chẳng hạn VAMC được tăng vốn điều lệ nhưng chưa thể mua nợ bằng tiền thật, vì ngay cả các định chế tài chính trên thế giới dù được NH trung ương bảo lãnh cũng phải có tỷ lệ đòn bẩy hợp lý ở mức 10/1, tức xử lý 100.000 tỷ đồng tài sản nợ phải có vốn tự có 10.000 tỷ đồng.

Vì vậy, VAMC vẫn phải tiếp tục mua nợ và trả bằng TPĐB. Khi NHTM bán nợ lấy TPĐB phải chịu lãi suất và mức chiết khấu theo quy định của NHNN và phải trích lập dự phòng rủi ro đối với những khoản nợ đã bán hàng năm. Vì vậy, nợ xấu vẫn tiếp tục bào mòn lợi nhuận của NH trong khi VAMC vẫn chỉ là người ôm nợ và hầu như không có rủi ro sau khi mua nợ xấu, nên chưa có nhiều động lực xúc tiến đầu ra cho nợ xấu.

Trong bối cảnh đó, NHNN lại ấn định số nợ xấu tối thiểu các NHTM phải bán cho VAMC càng gây ra thêm nhiều lo ngại. Nếu các NHTM ồ ạt bán nợ theo yêu cầu VAMC phải ôm một khoản nợ rất lớn, trong khi Thông tư 02 bắt đầu có hiệu lực, nguồn nợ xấu từ các NHTM sẽ tăng lên rất mạnh, chỉ xét riêng các khoản nợ được cơ cấu theo Quyết định 780 đã lên đến gần 300.000 tỷ đồng. Nợ xấu chủ yếu gắn với tài sản thế chấp là bất động sản, nguồn tài sản thế chấp lớn có thể kéo giá trị tài sản đi xuống, gây áp lực trở lại cho cả VAMC và TCTD.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sự ra đời của VAMC và hoạt động mua nợ xấu của các NHTM đã giúp tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 3,6%, đến tháng 7-2014 tỷ lệ nợ xấu tăng lên 4,11%, tháng 11-2014 tỷ lệ nợ xấu đã giảm còn 3,8% nhưng việc giảm này vẫn nhờ vào cơ chế hoán đổi nợ lấy TPĐB của VAMC. Kể từ khi ra đời cho đến hết năm 2014, VAMC đã mua khoảng 125.000-130.000 tỷ đồng nợ xấu gốc từ các TCTD, tuy vậy giá trị nợ xấu VAMC thu hồi được không đáng kể. Tính đến 24-12-2014 chỉ thu hồi được khoảng 4.161 tỷ đồng.

Cơ chế hoạt động của VAMC tại Việt Nam có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình xử lý nợ xấu. Cơ chế hoạt động của một tổ chức như VAMC ở các quốc gia khác thực chất là Nhà nước bỏ tiền ra mua nợ, ôm khoản nợ đó một thời gian, sau đó khi kinh tế phục hồi, thị trường tài chính, bất động sản ấm lên sẽ bán ra thị trường. Nhưng VAMC của Việt Nam không như vậy mà mua nợ bằng TPĐB, được mang giao dịch với NHNN để vay tiền. NH bán nợ, cầm giấy và vẫn phải tiếp tục đòi nợ và mỗi năm trích dự phòng rủi ro theo quy định trên tổng giá trị tờ giấy đó.

Các tin khác