Giải pháp “vượt đáy”, tăng trưởng bền vững

Giải pháp cốt lõi đối với Việt Nam trong thời gian tới là phải đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, bên cạnh những nguyên nhân nội tại của mô hình tăng trưởng, điểm nghẽn hiện tại của nền kinh tế chính là sự lạc hậu về trình độ công nghệ và năng suất thấp. Vậy làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam “vượt đáy” suy giảm và tăng trưởng bền vững?

Giải pháp cốt lõi đối với Việt Nam trong thời gian tới là phải đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, bên cạnh những nguyên nhân nội tại của mô hình tăng trưởng, điểm nghẽn hiện tại của nền kinh tế chính là sự lạc hậu về trình độ công nghệ và năng suất thấp. Vậy làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam “vượt đáy” suy giảm và tăng trưởng bền vững?

 

Diễn biến thực tế thời gian gần đây đã cho phép củng cố nhận định, kinh tế Việt Nam đã “chạm đáy” suy giảm tăng trưởng, đang đi lên (từ 2013) nhưng chậm chạp và còn tiềm ẩn rủi ro. Thậm chí không loại trừ có nguy cơ mở rộng đáy suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế, cho dù tốc độ phục hồi của nền kinh tế đã khá rõ rệt trong những tháng gần đây (tăng trưởng quý I-2015 đạt 6,03% so với cùng kỳ năm trước).

Căn nguyên suy giảm

Nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn, bất cập và suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây, là do mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, dựa vào thâm dụng tài nguyên và vốn đã kéo dài quá lâu.

Thêm vào đó tư duy điều hành chính sách còn ảnh hưởng quan điểm “Quản trị tổng cầu” để kích thích tăng trưởng, kể cả khi Trung Ương đã ban hành Nghị quyết 11 (2011) về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Mặt khác, nguồn gốc của những hạn chế, bất cập của nền kinh tế còn do trình độ khoa học công nghệ (KHCN) thấp, năng suất lao động xã hội thấp, hiệu quả đầu tư của nền kinh tế có nhiều bất cập. Đây cũng chính là gốc rễ dẫn đến vòng luẩn quẩn nghèo đói, tình trạng mắc bẫy “thu nhập trung bình” ở nhiều nước đang phát triển, mà nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng không phải là một ngoại lệ.

Để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, giải pháp then chốt và có ý nghĩa đột phá quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân tham gia bình đẳng, thuận lợi và có hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2013, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam chỉ bằng 1/4 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/10 của Hàn Quốc và 1/15 của Singapore (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; 2014; Trang 5).

Còn thông tin mới nhất của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO 2014) thì NSLĐ của Việt Nam năm 2012, tính theo sức mua tương đương năm 2011 đạt 7.900USD/ người, chỉ bằng 6,9% của Singapore (114.400USD), bằng 16,95% của Malaysia (46.600USD), 34,5% của Thái Lan (22.900USD), 39,5% của Indonesia (20.000USD), 53,74% của Philippines (14.700USD) và tương đương với Lào (7.900USD), chỉ hơn 2 nước trong khu vực Đông Nam Á là Myanmar (6.700USD) và Campuchia (4.600USD).

Cũng theo thông tin của Tổ chức Năng suất châu Á, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam có xu hướng giảm dần theo thời gian. Nếu giai đoạn 1990-2000 tốc độ tăng NSLĐ trung bình của Việt Nam đạt 5,7%, đến giai đoạn 2000-2012 giảm xuống còn 4,5%, trong đó giai đoạn gần đây 2005-2012, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam chỉ còn 2,9%.

Mặt bằng thấp về KHCN, NSLĐ ở trình độ thấp, tốc độ gia tăng NSLĐ giảm dần, đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp và chậm được cải thiện.

Chìa khóa KHCN

 Dưới góc độ tiếp  cận nguồn gốc, căn nguyên những hạn chế của nền kinh tế như đã trình bày, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị cụ thể sau:

Trong điều hành chính sách vĩ mô, Chính phủ cần nhất quán quan điểm: Kích cầu để tăng trưởng hay tăng cung (sản lượng tiềm năng) để tăng trưởng bền vững? Chúng tôi cho rằng để nền kinh tế có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, cần mở rộng sản lượng tiềm năng, nâng cao năng lực sản xuất, tạo điều kiện tăng NSLĐ, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Đây cũng chính là tư tưởng của Đại hội Đảng lần thứ XI và quan điểm của Chính phủ trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững.

Để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu, cần nâng cao hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế, cụ thể là: Khu vực kinh tế nhà nước thực hiện tốt chức năng “bà đỡ”, “nền tảng” của nền kinh tế bằng việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp các dịch vụ công, thực sự đảm nhiệm vai trò “tiên phong”, “đầu đàn” trong nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân cần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh bằng cách: lựa chọn đầu tư và mở rộng đầu tư đúng hướng, ưu tiên các lĩnh vực đầu tư theo chiều sâu, có lợi thế cạnh tranh; nâng cao năng lực quản trị và tư duy chiến lược của đội ngũ doanh nhân.

Để nền kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả, điều cốt lõi là phải phát huy vai trò của KHCN trong nền kinh tế. Vì vậy, chiến lược phát triển KHCN quốc gia cần được hoàn chỉnh và cụ thể theo hướng: xây dựng được lộ trình phát triển KHCN quốc gia; ưu tiên phát triển các lĩnh vực CN ứng dụng có chọn lọc, đồng thời quan tâm đúng mức đến các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, cụ thể cần sắp xếp, giảm bớt bộ máy quản lý hành chính đối với KHCN, tăng các tổ chức hoạt động KHCN và dịch vụ KHCN của tư nhân.

Đổi mới cơ bản cung cách đầu tư và quản lý kinh phí KHCN một cách hiệu quả; đổi mới cách thức thu hút và chính sách tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, chuyên gia KHCN theo hướng gắn với yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

Mở rộng các hình thức hợp tác, thu hút mọi sáng kiến KHCN cả ở trong, ngoài nước và mọi thành phần kinh tế. Các sáng kiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ cần được Nhà nước và xã hội ủng hộ, nâng đỡ, phát triển nhằm phục vụ yêu cầu phát triển đất nước.

Phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân có vai trò hết sức quan trọng đối với công cuộc phát triển của đất nước, bởi vì các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân là nhân vật trung tâm để thực hiện mục tiêu “Dân giàu, Nước mạnh”. Để có các doanh nghiệp mạnh, trước hết cần có các doanh nhân có năng lực kinh doanh, khả năng hội nhập vào môi trường toàn cầu và biết khai thác các giá trị nguồn lực của Việt Nam, đặc biệt là các giá trị truyền thống, văn hóa dân tộc. Đây cũng  là chìa khóa tạo nên sự khác biệt của doanh nhân Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Các tin khác