Sacombank sáp nhập Southern Bank: Được và mất?

Tỷ lệ 1 cổ phiếu Southern Bank đổi lấy 0,75 cổ phiếu Sacombank là con số đã được lãnh đạo 2 nhà băng tiết lộ dù chưa được chính thức xác nhận, vì còn chờ quyết định của NHNN. Tuy nhiên, các cổ đông nhỏ Sacombank cảm thấy chưa yên tâm về thương vụ này vì cho rằng Sacombank phải “cõng” thêm một NH yếu kém. Trong khi đó lãnh đạo Sacombank xác định phải chịu thiệt để hướng về tương lai vì cái gì cũng có được và mất.

Tỷ lệ 1 cổ phiếu Southern Bank đổi lấy 0,75 cổ phiếu Sacombank là con số đã được lãnh đạo 2 nhà băng tiết lộ dù chưa được chính thức xác nhận, vì còn chờ quyết định của NHNN. Tuy nhiên, các cổ đông nhỏ Sacombank cảm thấy chưa yên tâm về thương vụ này vì cho rằng Sacombank phải “cõng” thêm một NH yếu kém. Trong khi đó lãnh đạo Sacombank xác định phải chịu thiệt để hướng về tương lai vì cái gì cũng có được và mất.

Cổ đông phản ứng

Chủ trương sáp nhập Southern Bank vào Sacombank đang chờ ý kiến chấp thuận nguyên tắc của NHNN. Theo lãnh đạo chủ chốt của 2 nhà băng này, dự kiến trong quý II-2015 thương vụ này sẽ được NHNN chính thức thông qua.

Tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2015 của Sacombank, cổ đông tập trung thắc mắc nhiều nhất về quyền lợi sau khi Sacombank sáp nhập Southern Bank sẽ được gì và mất gì.

Con số tỷ lệ hoán đổi 1 cổ phiếu Southern Bank lấy 0,75 cổ phiếu Sacombank được ông Trầm Bê, cố vấn cấp cao Southern Bank kiêm Phó Chủ tịch Sacombank, tiết lộ tại ĐHCĐ Southern Bank trước đó 1 ngày lập tức trở thành vấn đề được cổ đông đưa ra thảo luận.

Một cổ đông cho rằng nợ xấu của Southern Bank hơn 5% tổng dư nợ, liệu ban lãnh đạo của Sacombank có hướng xử lý như thế nào? Bởi việc sáp nhập thành công Sacombank sẽ phải bù phần trích lập cho Southern Bank, như vậy lợi nhuận của Sacombank sẽ bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, thị giá hiện tại của Sacombank khoảng 18.000 đồng/cổ phiếu, trong khi đó của Southern Bank chỉ tầm 5.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy trong vòng 2 năm tới giá cổ phiếu của Sacombank chỉ có đường đi xuống vì sau khi hoán đổi cổ đông Southern Bank bán ra do đã có lời 100%.

Theo một chuyên gia trong ngành tài chính, sau sáp nhập sẽ là một thách thức không nhỏ. Một điều dễ nhận thấy là cổ phiếu STB của Sacombank chắc chắn sẽ bị nhà đầu tư “xa lánh”. Xét về dài hạn hiệu quả sau sáp nhập cũng có thể tăng lên như kỳ vọng của các lãnh đạo 2 NH, nhưng điều này là một tương lai xa và phụ thuộc rất nhiều vào việc chèo lái của lãnh đạo NH trong thời gian tới.

Nói về vấn đề thiệt hơn của thương vụ này, ông Trầm Bê cho rằng cổ đông Sacombank lo lắng vì nợ xấu là điều không thể tránh khỏi, nhưng cái được là hơn 141 chi nhánh, phòng giao dịch và hơn 4.000 cán bộ nhân viên mà không cần đào tạo. Sacombank muốn  hướng tới NH bán lẻ buộc phải chấp nhận mất mát để có được vị thế lớn hơn sau này.

Về tỷ lệ sáp nhập, theo ông Bê, cũng tương tự như BIDV, VietinBank khi sáp nhập NH lớn phải biết chấp nhận thiệt để hướng đến tương lai, vì NH nào muốn phát triển cũng phải có mạng lưới rộng lớn. Ông Trầm Bê cũng kêu gọi cổ đông ủng hộ cho kế hoạch phát triển của NH hướng đến cái được hơn là mất.

 Bức tranh sau sáp nhập

Trong năm 2014, tổng tài sản của Sacombank đạt 188.678 tỷ đồng, tăng 17,8% so với đầu năm; vốn huy động 167.898 tỷ đồng, tăng 19,3%; dư nợ tín dụng 130.511 tỷ đồng, tăng 18,3%; lợi nhuận trước thuế 2.851 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2014 1,18%. Theo báo cáo, chất lượng tín dụng Sacombank luôn được đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu lần lượt giảm 0,53% và 0,26% so với năm trước. Chất lượng tài sản được cải thiện tốt, tải sản có sinh lời chiếm đến 90% tổng tài sản.

Bước sang năm 2015, Sacombank sẽ thực thiện tăng vốn điều lệ từ 12.245 tỷ đồng lên 14.852 tỷ đồng, tăng hơn 2.400 tỷ đồng. Phương thức chủ yếu là phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông tỷ lệ 10%, trả cổ tức bằng cổ phiếu 2013 là 8% và 2014 là 12%. Các chỉ tiêu khác như tổng tài sản đạt 214.550 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng và kiểm soát nợ xấu không quá 2,5%.

Quang cảnh ĐHCĐ Sacombank 2015.

Quang cảnh ĐHCĐ Sacombank 2015.

Trong khi đó, số liệu tài chính của Southern Bank có vẻ không được khả quan. Ông Mạch Thiệu Đức, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ cảm thấy xấu hổ với cổ đông vì kết quả kinh doanh suốt 3 năm qua không đạt hiệu quả.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong năm 2014 âm 140 tỷ đồng, thu nhập chính của NH đến từ lãi mua bán chứng khoán đầu tư 965 tỷ đồng; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước chi phí dự phòng) 211 tỷ đồng, giảm 46% so với năm trước; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 48%, ở mức 194 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế chỉ hơn 17 tỷ đồng.

Chính Southern Bank cũng thừa nhận nguyên nhân không hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2014 là do nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để, nên NH tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro. Đồng thời Southern Bank phải xuất toán các khoản lãi ra ngoại bảng đối với các khoản nợ xấu. Tính đến cuối năm 2014, nợ xấu của Southern Bank ở mức 2.553 tỷ đồng (tăng 948 tỷ đồng so với đầu năm), chiếm 5,89% tổng dư nợ (tổng dư nợ xấu đã bán cho VAMC 619 tỷ đồng).

Với phương án sáp nhập dự kiến nêu trên, Sacombank phải phát hành thêm 300 triệu cổ phần để đổi 400 triệu cổ phần của Southern Bank đang lưu hành. Nếu Sacombank thực hiện tăng vốn điều lệ như kế hoạch trước khi chính thức sáp nhập, vốn điều lệ của Sacombank sau sáp nhập sẽ là 17.852 tỷ đồng. Tất nhiên, với việc sáp nhập này quy mô của Sacombank cũng được mở rộng đáng kể.

Southern Bank - Lợi nhuận 1,2 tỷ nhưng thù lao 13,7 tỷ đồng!

Tại ĐHCĐ Southern Bank năm 2015 vừa qua, nhiều cổ đông tỏ ra bất mãn với các chỉ tiêu đưa ra cho năm 2014 nhưng ban lãnh đạo Southern Bank không hoàn thành. Trong khi đó thù lao của HĐQT lại gấp hơn 10 lần so với lợi nhuận có được. Thế nhưng sau đại hội cổ đông lại thấy vui khi nghe thông tin dù chưa chính thức, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu khi sáp nhập vào Sacombank là 0,75 đổi lấy 1.

Kết thúc năm 2014, Southern Bank có tổng tài sản hơn 82.000 tỷ đồng, tăng 4.500 tỷ so với năm 2013 nhưng hoàn thành chưa đến 60% so với kế hoạch đề ra. Nguồn vốn huy động tăng 5,7% với hơn 76.600 tỷ đồng; dư nợ tín dụng gần như không tăng trưởng (tăng 0,08%) và hoàn thành chưa đầy 2% so với kế hoạch với trên 43.300 tỷ đồng. Mặc dù dư nợ tín dụng không tăng, nhưng tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên mức 5,89% trên tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 17 tỷ đồng, giảm gần 5% so với 2013, nhưng sau khi trích lập các quỹ lợi nhuận còn lại chỉ 1,2 tỷ đồng. Vì thế, HĐQT Southern Bank quyết định không chia cổ tức 2014 cho cổ đông mà giữ lại để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh NH.

Tuy năm 2014 Southern Bank chỉ hoàn thành được 2% chỉ tiêu lợi nhuận, nhưng mức thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) của NH vẫn được chi trả hơn 13 tỷ đồng, trong đó chi cho HĐQT là 12,38 tỷ còn của BKS gần 1,35 tỷ đồng. Năm 2015, với lý do hoạt động khó khăn hơn, HĐQT và BKS Southern Bank tiếp tục xin tăng mức thù lao, theo đó sẽ căn cứ vào mức thù lao, phụ cấp của năm 2013, 2014 để làm cơ sở dự kiến mức thù lao và phụ cấp cho năm 2015. Lý giải vấn đề này, HĐQT cho rằng do hoạt động NH khó khăn đòi hỏi hoạt động quản trị, điều hành phải tăng cường hơn để hoàn thành nhiệm vụ nên HĐQT đề nghị cổ đông thông qua mức thù lao hơn 14,17 tỷ đồng.

Hiện HĐQT của Southern Bank có 9 thành viên và 3 thành viên BKS, chỉ tiêu tăng tổng tài sản năm 2015 tăng lên 93.000 tỷ đồng, (tăng 13,3%); huy động vốn tăng 13,83%; dư nợ cấp tín dụng tăng 5%; lợi nhuận trước thuế 105 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 5%. Ngoài thù lao, HĐQT Southern Bank cũng trình cổ đông thông qua việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank. Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu dự kiến trong thương vụ sáp nhập này là 1 cổ phiếu Southern Bank chuyển đổi 0,75 cổ phiếu Sacombank.

Phương Anh

Các tin khác