Không dễ rút ngắn thời gian thông quan

(ĐTTC) - Tọa đàm về quản lý chuyên ngành với hoạt động xuất nhập khẩu do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 20-4 tại Hà Nội cho thấy, tham vọng về rút ngắn thời gian thông quan là việc không đơn giản.

(ĐTTC) - Tọa đàm về quản lý chuyên ngành với hoạt động xuất nhập khẩu do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 20-4 tại Hà Nội cho thấy, tham vọng về rút ngắn thời gian thông quan là việc không đơn giản.

 

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, chỉ số thương mại qua biên giới có ý nghĩa rất lớn trong cải thiện môi trường kinh doanh và tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Thời gian thông quan hàng hóa hiện nay khoảng 15 ngày, đến năm 2016 Việt Nam đang đặt mục tiêu giảm xuống 11-12 ngày theo tinh thần của NQ 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh.

Đây là một tham vọng nhưng thực hiện không đơn giản. Bởi để giảm thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới thì thủ tục hải quan chỉ là một phần, bởi phần lớn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới đang nằm ở các khâu thẩm định, kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trước và sau khi thông quan liên quan đến các bộ quản lý chuyên ngành.

Cũng theo người đại diện cho viện CIEM, việc giảm thời gian thông quan sẽ tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Thống kê của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho thấy, nếu giảm thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới 1 ngày, nền kinh tế sẽ tiết kiệm được 1 tỷ USD/năm.

Ông  Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, ngoài Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) các bộ chuyên ngành Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đang tham gia quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu chuyên ngành. Hệ thống văn bản quản lý hải quan rất nhiều, có 19 luật, khoảng 30 nghị định, nghị quyết.

Dù có nhiều văn bản quy định về hàng hóa xuất nhập khẩu như vậy nhưng đến nay các bộ chuyên ngành vẫn chưa ban hành đầy đủ các văn bản pháp luật để thuận lợi hóa hoạt động thông quan hàng hóa qua biên giới. Có nhiều phạm vi vẫn để trống, nhiều mặt hàng chưa có trong danh mục quản lý của hải quan. Hiện có 200 danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu và danh mục tạm xuất, ngừng xuất, và xuất nhập khẩu có điều kiện. Nhưng vẫn có khoảng 100.000 mặt hàng, cơ quan quản lý nhà nước chưa biết xếp vào đâu theo mã HS.

Theo báo cáo đánh giá của Viện CIEM, các chỉ tiêu về khởi sự kinh doanh Việt Nam hơn các nước ASEAN 4, chỉ tiêu về bảo vệ nhà đầu tư trội hơn nhóm ASEAN 6. Tuy nhiên các chỉ tiêu quan trọng như thông quan hàng hóa qua biên giới thì chúng ta lại kém rất nhiều so với các nước ASEAN 6. Nhìn tổng thể về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia thì Việt Nam hoàn toàn đạt được các chỉ tiêu nhóm nước ASEAN6 trong năm nay. Tuy nhiên, chỉ tiêu về thông quan hàng hóa qua biên giới thì không đạt được.

Các tin khác